Những ngày gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ hình ảnh bà cụ già 90 tuổi bán ổi ngồi co ro trên phố Tràng Tiền. Và câu chuyện về cụ bà 90 tuổi đem ổi từ nhà ở Chương Mỹ lên trung tâm Hà Nội bán kiếm tiền của một facebooker khiến nhiều người phải suy ngẫm, không ít thanh niên cảm thấy hổ thẹn.
Không chỉ là một đoạn chia sẻ về lòng tốt và tình người thật đẹp, mà ở đó người đọc còn thấy được sự giản dị, thật thà của một bà cụ bán ổi kiếm tiền tiêu vặt, không dựa dẫm vào con cháu.
"Hơn 12h trưa đi qua Tràng Tiền Plaza thấy bà cụ ngồi nhìn xa với đôi mắt lim dim, trước mặt là 2 chậu và 1 túi đầy ổi.
Tôi quay xe lại, nhìn ổi của cụ cũng không được tươi ngon nhưng vẫn bảo cụ nhặt cho 1 túi. Cụ bảo 15 ngàn 1 kg, cân được 2kg, tôi đưa tờ 50 ngàn, cụ hỏi phải trả lại bao nhiêu? Tôi bảo cụ không phải trả lại, cụ liền nhặt thêm mấy quả nữa bỏ vào rồi nói rất thật thà "cho thêm mấy quả nữa vào không ít quá". Có lẽ cụ cũng không muốn nhận tiền thừa của ai?! Rồi có thêm 1 cô bé cũng dừng lại và mua ổi của cụ.
Tôi nán lại hỏi cụ ăn cơm chưa? - cụ bảo: Chưa, đi từ sáng đến giờ chưa ăn gì, mọi ngày có hàng bánh mỳ qua đây rồi nhưng nay chưa có. Tôi nhìn quanh thấy quán cơm văn phòng định mời cụ suất cơm. - nhưng cụ từ chối: Chốc nữa tôi mua cái bánh mỳ, tôi mang theo đường đây rồi.
Hỏi thêm chuyện thì biết cụ bảo hết năm nay là cụ tròn 90, con cái ở riêng hết rồi, cụ ở 1 mình nên thỉnh thoảng cụ đem ổi vườn nhà lên phố bán kiếm ít tiền tiêu. Nhà cụ ở đâu đó thuộc Chương Mỹ, Hà Nội (tôi quên mất tên rồi) và cụ đi bằng xe bus hết 7 ngàn lên đến đây.
Chào cụ, đi về vẫn thấy áy náy vì cụ vẫn còn 2 chậu ổi và cái bụng đói vì chưa mua được bánh mỳ... tôi ăn nhanh bát miến rồi quyết định chạy qua hàng bánh mỳ sạch, mua 2 cái bánh ruốc và phomai quay lại để biếu cụ...Nhìn đồng hồ cũng 1 giờ rồi và 2 chậu ổi của cụ vẫn còn nguyên, và những quả ổi cũng không còn được tươi ngon lắm. Nhưng quyết định mua nốt cho cụ được về sớm.
Vậy là nghĩ ngay đến việc phải "ép" các thành viên nhóm chém gió ăn ổi "có phí" rồi.
P/s: Tuy ổi chua 1 chút, nhũn 1 chút, xấu mã một chút nhưng một bà cụ 89 tuổi mang được 1 làn ổi, đi 1 chặng đường xe bus từ Chương Mỹ lên đến trung tâm phồn hoa đô thị ngồi bán từ sáng đến trưa không hết, với cái bụng đói chờ hàng bánh mỳ qua để mua lót dạ chấm với gói đường mang từ nhà đi ... thì quả thật, tôi chẳng quan tâm đến hình thức của những quả ổi nữa. Vậy nên mọi người "bị" mời ăn nên hoan hỷ nhé, vì chúng ta đang ăn bằng cả tấm lòng cơ mà".
Hình ảnh bà cụ gày gò trong bộ quần áo đã cũ sờn, chân tay tím tái vì không đeo tất, run run mời “Cháu ơi, mua mở hàng cho bà cân ổi…”, khiến nhiều người không khỏi xúc động, xót thương.
Cụ không nhớ tên của mình nhưng nhớ gia đình cụ khá giả lắm, con cái cũng chẳng để thiếu thứ gì. Các con cụ đều không ai muốn cụ phải vất vả đi bán ổi mưu sinh nhưng vì "quen nghề" 20 năm rồi nên không ai ngăn cản được cụ.
Theo cụ chia sẻ, cụ có 8 người con, 4 trai, 4 gái, tất cả đều đã lập gia đình và ổn định về kinh tế. Mỗi người theo một nghiệp riêng, từ lái xe, mở sạp quần áo cho đến bán thịt lợn, bán cá ngoài chợ. Tuy công việc khá vất vả nhưng bù lại, thu nhập ổn định, thậm chí nhiều người con có cuộc sống sung túc.
Cụ ở với con thứ 8, nhưng không ăn chung với con cháu mà ăn riêng. Cụ nói: “Không ăn được đồ ăn của chúng nó, cụ chỉ ăn được trứng, tôm, rau muống…thôi". Lâu lâu các con lại cho chục trứng gà, cụ mua thêm ít trứng vịt. Bán được tiền thì cụ đi ăn cỗ, rồi cho con gái, cho con trai...
Rồi mỗi năm, cứ đến mùa ổi, cụ lại tất tả tự đi ra chợ, mua ổi đem đi bán. Sớm tinh mơ, cụ lại bắt xe buýt lên nội thành, còn hơn 40 cân ổi, nhờ xe ôm cùng làng mang lên giúp. Mỗi lần đi là mất 50.000 đồng tiền xe ôm và 7.000 đồng tiền xe buýt.
Buổi sáng cụ thường ngồi bán ở phố Hàng Bài, đến khoảng hơn 10h – 11h thì di chuyển lại khu vực Tràng Tiền để bán tiếp.
Theo lời kể của người xe ôm cùng làng thường chở ổi cho cụ, được biết các con của cụ đều có công việc ổn định, đủ điều kiện để chăm sóc cụ và họ không cho đi bán nhưng cụ cứ đi.
Tuổi đã cao, trên mặt cụ đã quá nhiều nếp nhăn, bàn tay nhỏ bé gày gò. Hình ảnh của cụ bà ở cái tuổi "gần đất xa trời" vẫn miệt mài đi bán ổi tự kiếm tiền, không muốn nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già cùng con cháu khiến nhiều người không khỏi yêu mến, cảm phục.