Trong bộ phim Hậu cung Như Ý truyện, Càn Long và Nhàn Phi là một đôi trai tài gái sắc, tình ý sâu đậm. Thậm chí, Càn Long lúc còn là Bảo thân vương Hoằng Lịch đã nhắm vị trí Đích phúc tấn cho Nhàn Phi, nhưng bị Hoàng đế Ung Chính (cha của Càn Long) cản trở nên Nhàn Phi chỉ đành chịu ủy khuất làm Trắc phúc tấn.
Khi lên ngôi Hoàng đế, Càn Long cũng chỉ có thể lập thanh mai trúc mã của mình làm phi, dưới Hoàng hậu và Quý phi. Dù biết Nhàn Phi bị bày mưu hãm hại, phải vào lãnh cung 3 năm nhưng Càn Long chưa một ngày nào là không ngày nhớ đêm mong, chờ thời cơ đưa Nhàn Phi quay trở lại bên mình. Khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, Càn Long tổ chức lễ sắc phong hoàng hậu cho Nhàn Phi vô cùng long trọng.
Ngược lại, trong bộ phim Diên Hi công lược, tình cảm giữa Càn Long và Nhàn Phi không hề mặn nồng như vậy. Nhàn Phi ban đầu là một người không tranh đua với đời, sống cuộc sống bình lặng trong cung cấm, không được Càn Long để ý. Chỉ khi gia đình xảy ra biến cố, Nhàn Phi mới trở nên hắc hóa, làm mọi cách để vươn lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ. Vậy Nhàn Phi trong lịch sử thực chất là người như thế nào, mối quan hệ giữa bà và Càn Long Đế ra sao?
Nhàn Phi - Kế Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị (1718 - 1766) là vị Hoàng hậu thứ hai của Càn Long Đế và được hậu thế biết đến với cái tên Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu. Nhàn Phi vốn là một tiểu thư khuê các, xuất thân từ gia tộc danh giá Ô Lạp Na Lạp, cha là Tá lĩnh Na Nhĩ Bố.
Do Ô Lạp Na Lạp thị xuất thân từ Tương Lam kỳ nên bà sẽ được chỉ định ban hôn thành Trắc phúc tấn trong các đợt Bát kỳ tuyển tú, tức bà không hề có quyền chọn lựa nào khác trong cuộc hôn nhân với Bảo Thân vương Hoằng Lịch. Theo sử sách ghi lại, Ô Lạp Na Lạp thị kém Hoằng Lịch 7 tuổi.
Khi bà nhập phủ làm Trắc phúc tấn, Hoằng Lịch đã có Đích Phúc tấn và mối quan hệ của ông với vợ rất tốt đẹp. Hôn nhân của Ô Lạp Na Lạp thị và Hoằng Lịch không xuất phát từ sự tự nguyện của đôi bên nhưng cũng không thể chối bỏ được vì do Ung Chính Hoàng đế ban hôn.
Có lẽ do không có tình cảm nên Ô Lạp Na Lạp thị lúc đó không được Hoằng Lịch để mắt đến. Ngày bà bầu bạn với thị nữ, đêm chăn đơn gối chiếc, cuộn tròn nằm ngủ ôm lấy cái danh hão là phụ nữ đã xuất giá. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua và Ô Lạp Na Lạp thị vẫn chỉ được coi là một chiếc bình trang trí được đặt trong nhà không hơn không kém.
Khi Hoằng Lịch lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Càn Long, ông đã sắc phong Ô Lạp Na Lạp thị thành Nhàn Phi. Những tưởng mối quan hệ vợ chồng sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhưng Nhàn Phi vẫn bình lặng sống cô độc qua ngày trong cung cấm. Và có lẽ rằng do chính sự lạnh nhạt của Càn Long đối với Nhàn Phi nên trong suốt 10 năm sau khi xuất giá, bà không hề mang thai dù chỉ một lần.
Nhàn Phi tuy không có sự ân sủng của Càn Long Đế nhưng bà vẫn làm tròn bổn phận của một người vợ và một người con, cung kính với Hoàng hậu, hiếu thảo với Thái hậu. Chính vì vậy, Nhàn Phi rất được lòng Phú Sát Hoàng hậu và Thái hậu. Quyết định thông minh này của Nhàn Phi cũng trở thành nền móng vững chắc để bà tiến tới ngôi vị mẫu nghi thiên hạ.
Càn Long Đế nổi tiếng là một vị hoàng đế rất hiếu thuận nên mối quan hệ của ông với Nhàn Phi thay đổi ít nhiều cũng có sự tác động của Thái hậu. Sau khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời vào năm 1748, Thái hậu cất nhắc Nhàn Phi lên ngôi vị Hoàng hậu nhưng Càn Long không đồng ý.
Lúc đó, Càn Long đã nói rằng, trong mắt ông chỉ có Phú Sát Hoàng hậu, chỉ có bà là người duy nhất xứng đáng là vợ của ông. Tuy nhiên, hậu cung không thể một ngày không có chủ cùng với đề nghị của Thái hậu, Càn Long Đế đã sắc phong Nhàn Phi thành Hoàng Quý phi, cai quản lục cung. Tới năm 1750, tức 2 năm sau khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, Nhàn Phi mới chính thức được sắc phong lên làm hoàng hậu.
Lúc này, mối quan hệ giữa Càn Long và Kế Hoàng hậu cũng tốt hơn trước rất nhiều. Điều này được minh chứng qua việc Kế Hoàng hậu sau đó đã sinh hạ cho Càn Long 2 hoàng tử và 1 hoàng nữ. Vị hoàng tử đầu tiên bà sinh hạ là vào năm 1752, tên Vĩnh Cơ, khi đó bà đã 34 tuổi. Năm 1755 và năm 1756, bà sinh hạ ngũ hoàng nữ và Thập tam a ca Vĩnh Cảnh nhưng cả hai đều không may chết yểu.
Mọi chuyện cứ thế êm đềm trôi qua cho tới năm 1765 (Càn Long thứ 30), Kế hoàng hậu cùng Càn Long Đế và 5 vị phi tần du hành xuống phương nam lần thứ 4. Trong chuyến du hành, mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ nhưng tới ngày 18/2, khi đoàn Nam tuần tới Hàng Châu. Lúc này, Kế Hoàng hậu đã phạm sai lầm khiến Càn Long Đế tức giận, âm thầm đưa bà về giam lỏng ở Tử Cấm Thành ngay trong đêm bằng đường thủy.
Đến tháng 4, khi Càn Long trở về cung sau chuyến Nam tuần, việc đầu tiên mà ông làm là ra lệnh thu hồi 4 sắc phong đã ban cho Ô Lạt Na Lạp thị trước đây, gồm có sắc phong của Hoàng hậu, Hoàng Quý phi, Nhàn Quý phi và Nhàn phi kim sách. Không chỉ dừng lại đó, Càn Long Đế còn cắt giảm cung nhân hầu hạ bên Kế Hoàng hậu xuống còn 2 người, số cung nhân hầu hạ ngang hàng với Đáp ứng.
Tuy không rõ nguyên nhân Kế Hoàng hậu đột nhiên bị Càn Long Đế ghẻ lạnh là gì nhưng có nhiều sử liệu ghi lại rằng, Kế Hoàng hậu thất sủng là do bà đã cắt đi mái tóc dài bóng mượt của mình. Trong khi đó, đối với người phụ nữ Mãn Thanh, việc cắt tóc chỉ được cho phép trong đại tang Hoàng đế hoặc Hoàng Thái hậu. Vì vậy, hành động này của Kế Hoàng hậu bị Càn Long khép vào tội đại bất kính, đại bất hiếu và không bao giờ sủng hạnh nữa.
Một năm sau khi bị giam lỏng, Kế Hoàng hậu qua đời ở tuổi 49. Bà chết trong cô đơn tủi nhục, không có lấy một người thân bên cạnh. Tang lễ của Kế Hoàng hậu cũng bị cắt xén, keo kiệt tới mức khó tin và thậm chí còn không bằng tang sự của một thị thiếp của triều đình quan viên.
Không chỉ vậy, Kế Hoàng hậu còn không có mộ phần riêng, phải an táng nhờ trong địa cung của Thuần Huệ Hoàng Quý phi, thậm chí còn được chôn ở gian phòng phụ như mộ phần cung nữ. Hơn nữa, bà còn không được Càn Long ban thụy hiệu, trở thành vị hoàng hậu duy nhất trong Thanh triều không có thụy hiệu sau khi chết.
Cái tên Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu chẳng qua được hậu thế lấy tên của Càn Long là Thanh Cao Tông gán ghép cùng chữ “Kế”, tức là vị Hoàng hậu kế tiếp (thứ hai) của Thanh Cao Tông Càn Long Đế mà thôi.