Xây dựng dự thảo luật dựa trên 4 nguyên tắc
Ông Đỗ Chí Thanh, Phó TGĐ PVN cho biết: Luật Dầu khí ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động Dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới đã có những thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt. Ở trong nước, môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí kém hấp dẫn. Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới. Sản lượng khai thác dầu thô ở các mỏ truyền thống qua nhiều năm, suy giảm tự nhiên. Các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp…
Hơn nữa Luật Dầu khí đã tồn tại gần 30 năm, nhiều điều khoản không còn phù hợp, cần được sửa chữa và bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí trong giai đoạn tới. PVN cho rằng sẽ không được quản lý các mẫu vật, tài liệu dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng kết quả này và không thuận lợi để phục vụ xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu đánh giá chuyên sâu. Vì vậy, PVN đề xuất nên quy định để PVN được quản lý các tài liệu, mẫu vật, kết quả điều tra cơ bản nhằm tạo điều kiện cho PVN.
Đối với quy định về mua sắm hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí, dự thảo luật không có quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí sẽ tuân thủ quy định Luật Dầu khí hay Luật Đấu thầu. Tại khoản 4, Luật Đấu thầu đã có quy định hoạt động đấu khí và Luật Dầu khí.
Về quy định này, PVN đề xuất bổ sung quy định tại dự thảo việc lựa chọn thầu mua sắm, hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí sẽ thực hiện các quy định của hợp đồng dầu nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ được quy định tại Luật Dầu khí do tính đặc thù của hoạt động dầu khí và tính đặc thù của các hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí...
Cần tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm sát thực tế
Theo ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí VN: Năm 1993, Luật Dầu khí ra đời và đã có sửa đổi 2 lần trong đó đã cụ thể hóa được một số quy định. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, sản lượng khai thác dầu khí sụt giảm mạnh nhưng PVN lại không thể đưa các mỏ nhỏ, xa bờ, cận biên vào khai thác do không có cơ chế ưu đãi đúng mức.
Ví dụ: Dự án Lô khí B, dự án Cá Voi Xanh nhiều năm không thể triển khai do vướng mắc cơ chế. Ông Thập đề xuất Luật Dầu khí lần này cần sửa đổi toàn diện và bỏ cụm từ Luật Dầu khí sửa đổi mà thành Luật Dầu khí 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.
Hơn nữa, hoạt động của ngành dầu khí mang tính quốc tế cao nên cần bổ sung quy định ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí là tiếng Anh để thuận tiện trong đàm phán, ký kết, đặc biệt có sự chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Một vấn đề rất đáng quan tâm nữa là: Liên quan đến chính sách ưu đãi, trong quá trình đầu tư, triển khai hợp đồng, nhà đầu tư phát hiện một mỏ không đủ lớn, nếu như ký kết tiếp thì dự án có thể không khả thi. Vì vậy, nhà đầu tư phải điều chỉnh các bước cho phù hợp với thực tế. Luật mới cần phải có những chính sách đáp ứng được các phát sinh trong quá trình triển khai thực tế.
Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ trong hoạt động dầu khí có những đặc thù như: Hoạt động dầu khí nằm trong các khu vực nhạy cảm, có nhiều tình huống không được đấu thầu quốc tế, nên không được công bố rộng rãi. Hoạt động dầu khí thường ngoài khơi, các tình huống không được ứng xử kịp thời thì sẽ phát sinh chi phí rất lớn...
Vì vậy cần phải phản ánh rõ trong luật mới để tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối với việc đề cập khai thác vét khi tiếp cận các mỏ nhưng chưa đề cập đến khai thác bổ sung nên có tuyên bố để nhà đầu tư có cơ hội đầu tư bổ sung, Trong điều tra cơ bản hiện dự thảo luật đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường với những định mức cụ thể nhưng sẽ khó khả thi bởi hoàn toàn do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thu nổ địa chấn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động dầu khí:
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, UV thường trực UB Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Việc thông qua Luật Dầu khí sẽ nâng cao hiệu quả của hoạt động dầu khí được đo lường bằng việc bổ sung các khung pháp luật, để thể chế hóa các quy định phù hợp với thực tế.
Thứ nhất, Khi Luật thông qua sẽ bổ sung khung thể chế cho trong quá trình hoạt động như thăm dò, khai thác, ưu đãi đầu tư, kế toán kiểm toán... trong thời gian tới.
Thứ hai, giải quyết việc đồng bộ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, thể chế hóa chi tiết theo chuỗi, chống "xung đột" với các quy định để nhà đầu tư nhìn vào luật này và yên tâm thực hiện.
Thứ 3, bổ sung các mức bằng mức ưu đãi với quốc gia trong khu vực và thế giới để tạo ra cơ chế đủ hấp dẫn.
Thứ 4, đối với hoạt động kiểm toán, kế toán, điều tra cơ bản phải có cơ chế đặc thù. Vì vậy, cần phải đa dạng hóa các biện pháp ưu đãi đầu tư thay vì chỉ đơn thuần là ưu đãi thuế suất chung như thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sửa đổi Luật Dầu khí mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc |
Ông Hoàng Ngọc Trung – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết: Thời điểm cao nhất, PVEP có 70 hợp đồng khai thác dầu khí, bây giờ chỉ còn 35 hợp đồng. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước như PVN và các công ty thuộc sở hữu toàn phần của DNNN như PVEP. Vì thế, việc triển khai đầu tư dự án dầu khí của PVN/PVEP chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn luật khác nhau nhưng giữa các văn bản này lại tồn tại các khoảng trống pháp lý và không ít sự chồng chéo, mâu thuẫn. Điều này gây ra nhiều khó khăn và là rào càn lớn đối với PVEP trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí không tạo đà cho tối ưu hóa việc phát triển, khai thác tài nguyên dầu khí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách quốc gia.
Từ thực tế của PVEP đã và đang vướng mắc, ông Trung cho biết, là ngành đặc thù có rủi ro cao, nút thắt lớn cần được tháo gỡ ngay đối với các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí như PVN và PVEP là vấn đề thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư. Vướng mắc này nảy sinh từ các quy định hiện hành của Luật Dầu khí, Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành không kịp thích ứng với hiện trạng về điều kiện địa chất và tiềm năng dầu khí ngày càng suy giảm, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi và tác động bất lợi đến môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực dầu khí nói riêng. Mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh đáng kể so với một số quốc gia trong khu vực, điển hình là Malaysia và Indonesia.
Do đó, việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về chính sách pháp luật dầu khí cần được ưu tiên, chú trọng để tạo hàng lang pháp lý, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư, trong đó PVN và PVEP là những nhà đầu tư chủ lực, trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí cải thiện hiệu quả đầu tư cho các dự án dầu khí đang triển khai và thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư mới. Hiện PVEP đang thương thảo 5 dự án thăm dò khai thác mới, trong đó có dự án Kình ngư trắng. Nếu Luật Dầu khí năm 2022 được phê duyệt, sẽ tạo điều kiện cho các dự án trên được triển khai, sẽ gia tăng thêm 80-90 triệu thùng dầu, mang về cho đất nước 1,2 tỷ đô la, một số tiền rất lớn.