Sức mạnh tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW từng dọa bị “khai tử“
Từng đứng trước lo ngại bị 'khai tử', nhưng tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW vẫn âm thầm được hoàn thiện và đã đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
Xem toàn bộ ảnh
Một "pháo đài bay" B-52H Stratofortress của Mỹ trang bị tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW dưới cánh đã xuất hiện tại Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam ở giữa Thái Bình Dương và thu hút sự quan tâm sâu sắc.
Ấn phẩm The War Zone trong bài phân tích đăng tải vào ngày 1/3/2024 đã tập trung phân tích thông điệp mà Không quân Mỹ gửi gắm thông qua những bức ảnh đăng tải về vũ khí siêu thanh của mình.
Việc công khai loại đạn tấn công "Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không - AGM-183A ARRW" diễn ra tại một căn cứ quân sự có ý nghĩa chiến lược chính là lời khẳng định vũ khí trên không bị "khai tử" như thông tin từng được đề cập trước đó.
Chưa dừng lại đây, tờ báo Mỹ nhấn mạnh chi tiết có 2 sọc màu vàng thay vì màu xanh trên tên lửa, điều này biểu thị tên lửa không phải mô hình hay đạn luyện tập mà thực chất là một tổ hợp vũ khí đã được đưa vào thành phần tác chiến.
"Những bức ảnh cho thấy một quả tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW trong trạng thái chiến đấu được xác định bởi sự hiện diện của hai sọc màu vàng sơn ở mặt trước và mặt sau của vũ khí".
"Hình ảnh được đăng tải cùng với thông báo ngắn gọn của Không quân Mỹ cho biết những gì diễn ra trong cuộc huấn luyện làm quen với tên lửa siêu thanh tại căn cứ không quân Andersen vào ngày 11/11/2023".
"Tiếp theo, tới ngày 27/2/2024, một trong những bức ảnh còn cho thấy số hiệu của tên lửa là AR-AUR-005, thể hiện nó đã ở trong thành phần trực chiến", ấn phẩm The War Zone nhấn mạnh.
Phi đội B-52 của một số đơn vị đã tham gia khóa tập huấn về vũ khí mới ở Đảo Guam. Đại diện Phi đội ném bom viễn chinh số 23 tại căn cứ Minot - Bắc Dakota cùng Phi đội thử nghiệm và đánh giá số 49 tại căn cứ Barksdale, Louisiana đã có mặt.
"Chưa rõ mục đích khi tên lửa AGM-183 ARRW được đưa đến Đảo Guam, đặc biệt khi không có dấu hiệu nào cho thấy sắp diễn ra vụ thử nghiệm bắn đạn thật tại căn cứ Andersen, mặc dù chưa thể loại trừ khả năng đó".
"Cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh nếu diễn ra tại đây sẽ là màn biểu dương sức mạnh ở Thái Bình Dương nhằm gửi tín hiệu đến những đối thủ tiềm tàng, cũng như trấn an các đồng minh và đối tác", tờ báo nói rõ.
Tên lửa AGM-183A ARRW có cấu tạo gồm đầu đạn dạng tàu lượn siêu thanh với khả năng tăng tốc lên Mach 20 trong các lớp khí quyển dày đặc và cực kỳ cơ động ở phía trước, đi kèm động cơ tên lửa đẩy công suất lớn ở phía sau.
"AGM-183 ARRW hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm hoạt động. Không quân Mỹ đã hoàn thành 3 trong số 4 lần phóng kiểm tra theo kế hoạch, tuy nhiên vẫn chưa có quyết định sản xuất hàng loạt", đại diện Không quân Mỹ cho biết.
Bên cạnh đó, đại diện Không quân Mỹ từ chối xác nhận hay phủ nhận kế hoạch tiến hành thử nghiệm bắn đạn thật đối với tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW từ Đảo Guam.
Đáng chú ý, vũ khí trên của Mỹ được đánh giá có tính năng vượt xa so với loại Kh-47M2 Kinzhal của Nga khi thực sự là tên lửa siêu thanh mang đầu đạn dạng tàu lượn thay vì chỉ đơn giản đưa đạn 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M lên tiêm kích MiG-31K.