Những dấu hiệu sự sống ở hành tinh mới giống Trái đất
(Kiến Thức) - NASA vừa công bố tìm thấy hành tinh mới giống Trái đất nhất từ trước tới nay, vậy dấu hiệu nào chứng tỏ có sự sống trên hành tinh này?
Vừa qua, các nhà khoa học của NASA đã công bố phát hiện về Kepler 452b, một hành tinh mới giống Trái đất nhất từ trước tới nay, được cho là “Trái đất thứ hai”. Phát hiện đột phá của NASA đã khiến cả thế giới hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn khi rất nhiều dấu hiệu cho thấy Kepler 452b tồn tại sự sống.
Kepler 452 quay xung quanh một hệ mặt trời giống như Trái đất
Giống như người em họ Trái đất, hành tinh Kepler 452b cũng quay xung quanh một ngôi sao lớn, “Mặt trời” của riêng mình. “Hệ Mặt trời” của Kepler 452b nằm trong chòm sao Cygnus của dải thiên hà Milky Way, cách Trái đất 1.400 năm ánh sáng. Không chỉ có thế, “Mặt trời” của Kepler 452b cũng có rất nhiều điểm tương đồng với Mặt trời của chúng ta, đặc biệt là cùng nhiệt độ, chỉ sáng hơn khoảng 20%. Tuy nhiên, “Mặt trời” của người anh họ Kepler đã 6 tỷ năm tuổi trong khi Mặt trời của chúng ra mới chỉ 4,5 tỷ năm. Ngoài ra, Kepler-452b mất 385 ngày để quay hết một vòng xung quanh “Mặt trời” của mình, khá sát với vòng quay 365 ngày xung quanh Mặt trời của Trái đất.
|
Kepler 452b cũng xoay xung quanh một "Mặt trời" của riêng mình như Trái đất. |
Kepler 452b được cho là có khả năng rất lớn có nước trên bề mặt
Theo các chuyên gia của NASA, hành tinh Kepler 452b có quỹ đạo nằm cách ngôi sao gần nhất 93 triệu dặm tương đương khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời là 92,96 triệu dặm và điều này có thể sẽ giúp nước tồn tại ở dạng lỏng. Ở khoảng cách như vậy, Kepler 452b sẽ có nhiệt độ không quá nóng, không quá lạnh, thích hợp với việc cho phép nước lỏng tồn tại trên bề mặt. Đây được cho là một trong những điều quan trọng nhất để hình thành sự sống.
|
Rất nhiều khả năng Kepler 452b có nước. |
Kepler 452b có nhiều cơ hội để sự sống nảy mầm
Như chúng ta đã biết, ở Trái đất, sinh vật sống đầu tiên xuất hiện cách đây khoảng 3,5 đến 3,8 tỉ năm chứng minh Trái đất cần tới 500 triệu năm để tạo ra sự sống dạng đơn giản đầu tiên. Trong khi đó, “Mặt trời” của Kepler đã 6 tỷ tuổi, tức nghĩa là hành tinh này đã xoay quanh “mặt trời” của mình khoảng 6 tỷ năm, lâu hơn Trái đất 1,5 tỷ năm. Với thời gian đó, có rất nhiều cơ hội để sự sống phát sinh trên bề mặt Kepler nếu thực sự có đủ thành phần cần thiết và điều kiện.
|
Kepler 452b có rất nhiều điểm tương đồng với người em họ Trái đất. |
Kepler 452b có bề mặt tương tự như Trái đất
Để sinh sống, rõ ràng ngoài nước thì đất cũng là điều kiện cần để phát sinh và duy trì sự sống. Tin vui là hành tinh Kepler 452b có bề mặt có thể đứng được trên đó, không giống những hành tinh lớn trong Hệ Mặt trời như sao Mộc hay sao Thổ chỉ tồn tại ở dạng một quả cầu khí khổng lồ. Hơn nữa, theo nghiên cứu thì kích thước của Kepler 452b lớn hơn Trái đất khoảng 60%, nhưng có cùng nhiệt độ và “mặt trời” của Kepler-452b sáng hơn nên nhiệt lượng trên hành tinh này sẽ ấm hơn so với Trái đất. Chính vì vậy, rất có thể người anh họ này sở hữu sự sống phong phú, đa dạng hơn cả Trái đất.
Kepler 452b sở hữu một bầu khí quyển
Theo như nhà nghiên cứu Jon Jenkins, Kepler 452 chắc chắn sở hữu một bầu khí quyển, có thể dày đặc hơn Trái đất, đặc, có mây mù và cùng nhiều núi lửa đang hoạt động nhưng cũng là một dấu hiệu về sự tồn tại của sự sống trên Kepler 452b. Bên cạnh đó, người anh họ cách 1400 năm ánh sáng này có trọng lực mạnh gấp 2 lần Trái đất.
Tuy có nhiều dấu hiệu lạc quan về sự sống trên hành tinh mới giống Trái đất này để vui mừng thực sự chúng ta sẽ phải đợi một thời gian khá dài nữa, khi các nhà khoa học có những bước đi tiếp theo. Dự kiến đến năm 2017, NASA sẽ phóng một vệ tinh mang tên TESS có khả năng cung cấp cho các nhà khoa học thông tin chi tiết về kích cỡ, khối lượng và bầu khí quyển của các hành tinh quay xung quanh các ngôi sao. Lúc đó mọi chuyện sẽ rõ ràng và cụ thể hơn.