Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California San Diego đã tiến hành theo dõi hơn 106.000 phụ nữ độ tuổi trung bình 52. Không ai trong số này mắc các bệnh về tim mạch, đột quỵ hay tiểu đường trước khi tham gia. Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu nhóm đối tượng báo cáo số lượng thức uống có đường dùng mỗi ngày và sử dụng hồ sơ y tế tại bệnh viện để xác định ai trong số này gặp vấn đề về tim mạch, đột quỵ hay phải phẫu thuật động mạch trong quá trình nghiên cứu.
(Ảnh minh họa: AFP) |
Kết quả được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy, những người sử dụng nhiều đồ uống có đường nhất thường là những người trẻ hơn, nhiều khả năng hút thuốc, béo phì và ít có khả năng thực hiện chế độ ăn uống cân bằng. Nghiên cứu cũng cho thấy, việc sử dụng ít nhất 1 loại đồ uống có đường mỗi ngày có thể làm gia tăng 20% nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch, 21% đối với đột quỵ và đặc biệt là 26% đối với nguy cơ phải can thiệp động mạch bị tắc ( như nong mạch vành) so với những người hiếm khi hoặc không bao giờ sử dụng những đồ uống này.
Loại đồ uống có đường sử dụng dường như cũng ảnh hưởng tới nguy cơ gây rối loạn tim mạch. Cụ thể, nếu dùng ít nhất 1 loại nước uống trái cây có đường nhưng không phải là 100% nước ép tự nhiên có nguy cơ làm gia tăng 42% nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và soda là 23%.
Theo tác giả công trình nghiên cứu Cheryl Anderson, dù nghiên cứu được tiến hành chủ yếu dựa trên quan sát và không thể chứng minh mối liên hệ tất yếu, song có thể đặt làm luận cứ: “đường có thể làm gia tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch theo nhiều cách như làm tăng tỷ lệ glucose và nồng độ insulin trong máu, có thể kích thích vị giác và dẫn đến béo phì, một yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh tim mạch.”
Bên cạnh đó, lượng đường dư thừa trong máu có liên quan tới tình trạng mất cân bằng oxy hóa và hội chứng viêm, kháng insulin, cholesterol cao và tiểu đường tuýp 2, những bệnh liên quan đến phát triển xơ vữa động mạch, hẹp động mạch chủ trong hầu hết các bệnh tim mạch./.