Trong tác phẩm Nhà văn hiện đại, căn cứ các sáng tác của các nhà văn thời tiền chiến, nhà văn Phan Ngọc đã xếp các nhà văn: Đào Trinh Nhất (1900-1951), Phan Trần Chúc (1907-1946), Nguyễn Triệu Luật (1903-1946)… vào nhóm “Những nhà viết lịch sử ký sự và truyện ký”. Cuốn Từ điển văn học (bộ mới) cho rằng những nhà văn này đã dùng ngòi bút nghệ thuật làm sống lại nhiều tư liệu đã mai một trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Tiểu thuyết Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất viết về một nhân vật nữ gây nhiều tranh cãi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tác giả không bàn đến công tội của cô Tư Hồng mà dẫn dắt người đọc theo cuộc đời truân chuyên, thăng trầm của nhân vật này như một kiếp “hồng nhan bạc phận”. Tác phẩm này được Trung Bắc thư xã xuất bản lần đầu năm 1941, và đương thời được đánh giá là tiểu thuyết xuất sắc của Trung Bắc.
Nguyễn Triệu Luật bắt đầu xuất hiện trên văn đàn với tiểu thuyết Hòm đựng người (1936). Nhưng phải đến bộ ba tiểu thuyết viết về thời suy tàn của vua Lê chúa Trịnh là Bà Chúa Chè (1938), Loạn kiêu binh (1939), Chúa Trịnh Khải (1940), nghệ thuật tiểu thuyết của ông được nâng lên. Ba cuốn này, hay hơn cả là Bà Chúa Chè, viết về nhân vật chính là Đặng Thị Huệ (?-1782). Từ một cô gái hái chè, bà lọt vào phủ chúa để cứu gia đình khỏi cơn cùng quẫn, cuối cùng trở thành vương phi sủng ái của chúa Trịnh Sâm, làm nghiêng cơ đồ nhà chúa.
Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng (1912-1959) đăng lần đầu trên Tri tân tạp chí (từ cuối 1942 đến tháng 8/1943). Tác phẩm lấy bối cảnh thời chúa Trịnh Sâm cuối thế kỷ 19, với sự thao túng của Đặng Thị Huệ, một mỹ nhân có sắc đẹp khuynh thành. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, với Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng đã thoát ra khỏi lịch sử với một số nhân vật hư cấu toàn phần và một phần, để tạo nên một sự phong phú trong tác phẩm.
Năm 2000, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện trở lại trong đời sống văn học bằng tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly. Tác phẩm này được “thai nghén” trong suốt gần ba thập kỷ. Nó được viết vào những năm 60 và tiếp tục viết lại trong thập niên 90. Hồ Quý Ly lấy bối cảnh đầy biến động thời cuối Trần sang Hồ với những nhân vật lịch sử và tâm sự của họ đã trở thành vấn đề tranh cãi chưa hẳn đã đồng nhất từ trước đến nay. Ngay sau đó, tác phẩm đã được hội đồng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2000-2004 đánh giá cao và giành Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải viết chủ yếu về hoàng triều nhà Trần từ khi thay nhà Lý làm chủ Đại Việt, mấu chốt là cuộc chiến chống Nguyên và sự kết thúc đầy bi kịch của triều đại này. Tác phẩm được NXB Phụ nữ xuất bản lần đầu năm 2003 với 4 tập. Sau đó, tác giả viết thêm 2 tập nữa, nâng tổng số tập của tuyển tập tiểu thuyết này thành 6 tập, ra mắt vào năm 2010.
Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai đoạt giải nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm (2016-2019) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Từ dụ thái hậu xoay quanh nhân vật Phạm Thị Hằng, từ tiểu thư vùng đất phương Nam tới kinh đô, trải bao éo le, thăng trầm dâu bể, trở thành người phụ nữ quan trọng bậc nhất triều Nguyễn. Sách ra mắt năm 2019, được nhiều bạn đọc văn chương đón nhận. Gần một nghìn trang sách lấy điểm nhìn hậu cung để mở ra cánh cửa soi vào chính trường, lịch sử triều Nguyễn qua 3 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị.