Đường cao tốc "lọt sổ" quy định?
Cuối năm 2013, Bộ GTVT ban hành Thông tư quy định về Quản lý-Khai thác và Bảo trì (QL-KT-BT) công trình đường bộ. Thông tư này chỉ đề cập chung chung mà không cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật trong quá trình duy tu, bảo dưỡng trên các tuyến đường cao tốc.
Hiện trường vụ TNGT thảm khốc làm 7 người thiệt mạng khi xe khách lao vào xe bồn tưới cây trên đường cao tốc TP HCM- Trung Lương. |
Một doanh nghiệp Quản lý đường cao tốc (không nêu tên) chia sẻ: "Theo tôi được biết, hiện Nghị định về quản lý KT-BT đường cao tốc đang được Bộ GTVT xây dựng. Trong khi đó, đến thời điểm này các quy định về QL-KT-BT với đường cao tốc về mặt kỹ thuật; các quy định chưa có chi tiết cụ thể..."
Theo doanh nghiệp Quản lý đường cao tốc này thì "việc xe bồn khi tưới cây trên đường cao tốc phải chạy với tốc độ bao nhiêu, hệ thống cảnh báo, tín hiệu trên xe bồn phải như thế nào"... đều do doanh nghiệp tự xây dựng.
"Chúng tôi đang chờ Bộ GTVT có quy định cụ thể thực hiện trên đường cao tốc, chừng ấy doanh nghiệp mới có cơ sở đầu tư thiết bị hiện đại, thích hợp để phục vụ QL-KT- BT như các quốc gia khác đang làm", vị cán bộ Quản lý đường cao tốc Long Thanh - Dầu Giây chia sẻ.
Hiện nay, tất cả các tuyến đường cao tốc như: TP HCM - Trung Lương; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội- Lào Cai - Thái Nguyên đều thực hiện tưới cây xanh bằng xe bồn... và nguy cơ tai nạn thảm khốc là điều khó tránh khỏi khi phương tiện chạy với tốc độ nhanh gặp "xe bồn rùa" phía trước.
Xe bồn "cứu" cây xanh làm chết người?
PGS-TS Nguyễn Quang Toản, Đại học GTVT Hà Nội cho rằng: "Vụ tai nạn này trách nhiệm trước tiên là tài xế xe bồn và DN Quản lý đường cao tốc vì họ đã cho xe chạy chậm vào làn đường quy định 100km/h". |
Vị Phó giáo sư cho biết thêm: "Khi thực hiện bảo dưỡng, bảo trì trên đường cao tốc phải đóng đường để bảo đảm tuyệt đối ATGT hoặc phải có biện pháp cảnh báo tín hiệu từ xa và nhắc lại nhiều lần để bất cứ giá nào, lái xe cũng phát hiện để chuyển làn. Nếu không có những quy định chặt chẽ thì tai nạn sẽ tiếp tục xảy ra và rất thảm khốc vì xe chạy trên đường cao tốc với tốc độ cao".
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cục Quản lý Đường bộ 4 (đơn vị quản lý duy tu đường cao tốc Bộ GTVT) cho biết: "Do trên đường cao tốc không nhiều cây xanh nên đã sử dụng xe bồn tưới nước. Chúng tôi đã thực hiện đúng quy định khi xe tưới nước chạy 20km/h; trên xe có gắn 2 đèn chớp vàng và có công nhân phất cờ hướng dẫn".
Tuy nhiên, sau vụ tai nạn trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, Cục Quản lý đường bộ 4 đã rút kinh nghiệm đồng thời báo cáo đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.
Ông Phạm Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết: "Hiện tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vừa đưa vào sử dụng 20km đầu và dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành toàn tuyến đang sử dụng thiết kế cũ dùng xe bồn tưới nước cây xanh. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn vừa rồi trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, đơn vị sẽ điều chỉnh lắp đặt hệ thống tưới nước cây xanh bằng hệ thống tự động".
Theo thiết kế cũ, tuyến cao tốc TP HCM- Long Thành- Dầu Giây cũng thực hiện tưới nước cây xanh bằng xe bồn. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam sẽ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. |
Liên quan đến vụ TNGT thảm khốc, mới đây cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết: "Qua giám định thiết bị định vị hành trình của xe khách Thảo Châu (do tài xế Trần Thanh Phong điều khiển và đã tử vong cùng 6 nạn nhân khác), vào thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách di chuyển với tốc độ 92km/h".
Chủ doanh nghiệp vận tải Thảo Châu (đơn vị có xe xảy ra tai nạn) mong muốn CQĐT làm rõ việc xe bồn tưới nước trên làn đường tốc độ 100km/h mà chạy chỉ 20km/h thì có hợp lý? |
Bà Nguyễn Hồng Lan, một người dân sống gần đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai) góp ý: "Ngày nào cũng thấy xe bồn chạy rì rì tưới cây xanh trong khi tốc độ phương tiện lao đến chóng mặt cứ lo thảm nạn xảy ra. Tôi mong các ngành chức năng hãy nhanh chóng thay đổi phương án chăm sóc cây xanh, bão dưỡng đường chứ đừng để cứu cây xanh mà gây chết người như thế".
Sau vụ TNGT thảm khốc trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UB ATGT Quốc gia đã có công điện chỉ đạo làm rõ nguyên nhận vụ tai nạn. Đồng thời rút kinh nghiệm đề ra các biện pháp khắc phục, ngăn chặn những tai nạn tương tự xảy ra.