Đây là vấn đề khiến nhiều phóng viên đề nghị Bộ Công thương giải thích tại cuộc họp vào về giá điện diễn ra chiều 1/12.
Tại họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, cho biết, trong năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương xây dựng phương án giá điện. Sau khi cập nhật hết các yếu tố đầu vào, đến thời điểm này Thủ tướng mới quyết định tăng giá điện.
"Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, khi các yếu tố đầu vào tăng lên thì mới tăng giá điện. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Công Thương xem xét toàn diện, mức độ ảnh hưởng đến từng đối tượng, chủ yếu các hộ sinh hoạt, hộ khó khăn, hộ nghèo", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo công bố của Bộ Công Thương, năm 2016, doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2016 là 265.510 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658 tỷ đồng.
Kinh doanh có lãi nhưng vẫn tăng giá điện khiến nhiều dư luận trái chiều. Giải thích về điều này, đại diện Deloitte Việt Nam - đơn vị kiểm toán độc lập của EVN cho biết, thực tế trong 2 năm từ 2014 -2016, sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn đều bị lỗ. Việc hạch toán của EVN theo chuẩn mực kế toán của Việt Nam song EVN vẫn còn treo khoảng 9.500 tỷ đồng lỗ tỷ giá, và chưa được tính vào giá điện.
"Theo chuẩn mực kế toán, lỗ tỷ giá này phải đưa vào báo cáo ngay lập tức. Tuy nhiên, do giá điện không thể tăng ngay được, nên Chính phủ cùng các bộ ban ngành cho phép EVN được treo phần lỗ tỷ giá này và phân bổ theo từng năm", đại diện Deloitte Việt Nam cho hay.
Theo vị này, trong quá trình sản xuất kinh doanh của EVN, do nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án điện lớn nên tập đoàn phải huy động vốn từ trong và ngoài nước. Việc vay vốn trong nước bị khống chế tỷ lệ, vốn có hạn, lãi suất cao, do đó, EVN phải vay vốn nước ngoài. Biến động của các đồng ngoại tệ, đặc biệt đồng USD vẫn rất lớn dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chính sách điều hành tỷ giá ổn định, khiến lỗ tỷ giá của EVN vẫn ở mức cao 9.500 tỷ đồng. Chính vì vậy mới có tình trạng vừa lãi vừa lỗ ở EVN.
Giải thích về việc EVN bị lỗ hơn 593 tỷ đồng trong kinh doanh điện nhưng có lãi chung nhờ các hoạt động kinh doanh tài chính khác, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc tăng giá điện cũng do giá than bán cho điện đã được điều chỉnh khá mạnh trong các năm qua. Cùng đó là các chi phí liên quan đến chênh lệch tỷ giá cũng gia tăng. Bên cạnh đó, sức ép từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 9.000 tỷ đồng vẫn chưa được tính đầy đủ vào giá điện.
"Nếu toàn bộ số tiền hơn 9.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá mà đưa hết vào giá điện thì sức ép tăng giá rất lớn. Trong đợt điều chỉnh giá điện này cũng chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 sẽ đưa dần chênh lệch tỷ giá vào trong giá điện", ông Tuấn cho hay.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, tùy theo tình hình sản xuất từng năm, việc phân bổ số lỗ tỷ giá của các năm trước sẽ được phân bổ dần trong 5 năm.
EVN hiện đang quản lý 94% việc bán điện trực tiếp cho người dân, với 23,5 triệu hộ. Trong số các hộ này, số hộ dùng điện dưới 50 kWh chỉ có 073%. Các hộ dùng điện từ 50 - 100 kWh/tháng chiếm 32,35%.
Cũng theo đại diện EVN, công tác tăng cường tiết kiệm chi phí của tập đoàn đã được thực hiện nghiêm. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, EVN đã tiết kiệm được 1.266 tỷ đồng. Tính chung các khoản khác, từ đầu năm đến nay EVN đã tiết kiệm được 1.546 tỷ đồng.
Liên quan đến tác động của tăng giá điện với người dân và doanh nghiệp, ông Tuấn cho hay, tăng giá điện sẽ khiến chi phí của các hộ kinh doanh dịch vụ tăng 5,4%. Với khách hàng sinh hoạt, mức tăng giá điện ảnh hưởng không đáng kể. Cụ thể, với hộ dùng 50 kWh/tháng tăng 3.200 đồng. Hộ dùng 50 kWh/tháng đến 100 kWh là 6.600 đồng. Hộ dùng từ 200 kWh/tháng là 13.800 đồng. Với hộ dùng 300 kWh là 23.600 đồng còn hộ dùng từ 400 kWh/tháng trở lên, chi phí tăng thêm là 34.800 đồng.
"Theo thống kê của năm 2016 có 54 triệu khách hàng đang sử dụng điện, trong đó có 4,1 triệu hộ tiêu thụ dưới 50kWh, chiếm 17%. Với các hộ này, Chính phủ cũng có quyết định hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách có sử dụng dưới 50 kWh với mức 51.000 đồng/tháng. Với khoảng gần 4 triệu hộ nghèo trên cả nước, mỗi năm số tiền chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách, số tiền chi mỗi năm là trên dưới 2.500 tỷ đồng", ông Tuấn nói.
Còn theo tính toán của cơ quan chức năng, với mức giá điện điều chỉnh, chi phí tiền điện tăng thêm của các hộ nghèo là 4.500 đồng/tháng. Đối với các hộ dân tiêu thụ điện ở mức đến 100kWh/tháng mức chi trả tăng thêm 9.172 đồng/tháng.
"Việc tăng giá điện sẽ khiến chi phí của các đơn vị hành chính sự nghiệp với mức ảnh hưởng là 4,97%. Còn theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá điện làm tăng CPI 0,08%, tăng chỉ số sản xuất 0,7%", ông Tuấn khẳng định.
Họp báo về giá điện tại Bộ Công Thương chiều 1/12. |
Trước đó, Bộ Công Thương đã phát đi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2017. Theo đó, giá bán điện tăng lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh) từ ngày 1/12/2017.
"Việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017", Bộ Công Thương cho hay.
Đây là mức giá bình quân, còn mức giá cho từng nhóm khách hàng sẽ được thực hiện theo quy định trong Quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ. Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 3 năm, giá điện chính thức tăng. Song mức tăng cũng thấp hơn so đợt tăng 7,5% vào ngày 16/3/2015.