Tại sao huyền thoại tiêm kích hạm “Mèo đực” F-14 bị thất sủng?
Hải quân Mỹ cuối cùng đã chọn sử dụng F/A-18E/F Super Hornet để thay thế huyền thoại một thời F-14 Tomcat, bất chấp việc vào thời điểm đó, tính năng của tiêm kích hạm F/A-18E/F vẫn kém xa F-14.
Tiến Minh
Xem toàn bộ ảnh
Tiêm kích F-14 được đưa vào biên chế chính thức trong Hải quân Mỹ năm 1975, đây cũng là máy bay chiến đấu phản lực thế hệ thứ tư đầu tiên, hoạt động dựa trên tốc độ, khả năng cơ động cao, cùng hệ thống điện tử và vũ khí hiện đại, mà ngày nay đã trở thành tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu.
Mặc dù là loại chiến đấu cơ mang tính cách mạng, nhưng trong suốt vòng đời phục vụ, F-14 của Hải quân Mỹ chỉ bắn hạ được 5 máy bay chiến đấu của đối phương, mà chủ yếu là của lực lượng Không quân Lybia.
Tại sao F-14 lại được cho là chiến đấu cơ mang tính cách mạng; bởi vì khi đó, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Không quân và Hải quân Mỹ sử dụng loại chiến đấu cơ chủ lực là F-4E, nhưng đã thất bại cay đắng bởi lực lượng không quân non trẻ của QĐND Việt Nam.
Kinh nghiệm từ chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ cho thấy, Hải quân Mỹ cũng cần có khả năng giành ưu thế trên không, tức là đánh bại máy bay chiến đấu của đối thủ. Các cuộc không chiến giữa F-4 và MiG-21 đã chứng minh rằng, tên lửa tầm xa và tốc độ cao là chưa đủ, máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không cũng cần phải có khả năng cơ động.
Từ những yêu cầu của thực tiễn, năm 1969, Hải quân Mỹ đã chọn thiết kế do hãng Grumman đề xuất; đây là loại máy bay chiến đấu hạng nặng, hai chỗ ngồi. Cánh chính khi "cụp" xuống một góc 20 độ khi cất cánh và "xòe" lên đến 68 độ khi đang bay. Thiết kế này rất quan trọng, khi cất cánh ở tàu sân bay với đường băng ngắn và khi trong nhà chứa máy bay của tàu sân bay.
F-14 được trang bị radar xung doppler AWG-9 băng tần X, sử dụng bộ vi xử lý đầu tiên trên thế giới; đây cũng là loại radar gắn trên máy bay chiến đấu mạnh nhất vào thời điểm đó. AWG-9 có thể phát hiện máy bay ném bom cách xa tới 160km; hoạt động hiệu quả trong việc phát hiện các mục tiêu bay ở độ cao thấp và theo dõi 24 mục tiêu cùng một lúc.
Quan trọng nhất, radar AWG-9 có thể dẫn đường cho các tên lửa AIM-54 Phoenix cực mạnh của F-14. Tên lửa AIM-54 là vũ khí chủ lực trong bảo vệ biên đội tàu sân bay, tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 120km, với tốc độ lên tới 5 Mach .
Ngoài 4 tên lửa tầm xa AIM-54, F-14 còn trang bị các loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn như AIM-9 Sidewinder dẫn đường bằng hồng ngoại và tên lửa dẫn đường bằng radar AIM-7 Sparrow. F-14 cũng được trang bị một pháo 20 mm, dùng trong cận chiến. Tuy nhiên những phiên bản F-14 đời đầu chủ yếu thiên về không chiến, thiếu khả năng tiến công mặt đất.
Đánh giá chung, F-14 đủ khả năng để đánh chặn các máy bay ném bom của Liên Xô; đồng thời có khả năng phát hiện và bắn hạ chúng trong khoảng cách xa, cùng khả năng cơ động để bắn hạ các máy bay chiến đấu có tốc độ nhanh của đối phương. Sự kết hợp các khả năng của F-14, đã trở thành tiêu chuẩn vàng của thế hệ máy bay mới bao gồm F-15 và Su-27.
Do yêu cầu của cuộc chiến tại Việt Nam, nên Hải quân Mỹ đã bỏ qua giai đoạn thử nghiệm; việc sản xuất loạt F-14 bắt đầu vào năm 1969 tại Bethpage, thuộc Long Island, New York. Tổng cộng từ năm 1969 đến năm 1991 (năm kết thúc sản xuất), đã có 712 chiếc F-14 đã được sản xuất và khách hàng nước ngoài duy nhất của F-14 là Iran.
Khi Chiến tranh Lạnh qua đi, các cuộc không chiến quy mô dường như không còn, và một chiếc máy bay có ưu thế trên không thuần túy như F-14 đột nhiên không còn việc để làm. Vào tháng 9/2006, F-14 đã được rút khỏi biên chế Hải quân Mỹ để chuyển sang sử dụng F/A-18E/F Super Hornet.
Số phận đáng buồn của một chiến đấu cơ được coi là huyền thoại một thời. Ban đầu F-14 được niêm cất trong kho, nhưng lo ngại những phụ tùng của F-14 sẽ được tuồn cho đối thủ Iran trên thị trường chợ đen, cuối cùng F-14 được ra lệnh phá hủy hoàn toàn.
F-14 được đưa vào hoạt động không lâu trước F-15 của Không quân Mỹ, một loại máy bay vẫn tiếp tục được đề nghị được giữ lại trong biên chế Không quân Mỹ trong nhiều năm tới với biến thể mới nhất F-15EX; vậy một chiến đấu cơ có tính năng tốt như vậy, loại biên có phải là sự quá lãng phí?
Trên thực tế, đã có một số đề nghị giữ lại và nâng cấp F-14, biến nó thành loại chiến đấu cơ đa nhiệm, với việc thay thế radar quét mạng pha điện tử (AESA), động cơ lực đẩy véc tơ và khả năng bay tốc độ siêu âm mà không cần bật chế độ đốt sau.
Nhưng Hải quân Mỹ đã quyết định chọn tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet. Khung máy bay Hornet không hoàn toàn được tối ưu hóa cho tác chiến không đối không, nhưng vẫn mang lại hiệu suất tuyệt vời, dựa trên công nghệ bay bằng phần mềm (fly-by-wire).
Quan trọng nhất là F/A-18E/F có giá mua rẻ hơn, chi phí khai thác và bảo trì ít hơn nhiều so với F-14 và quan trọng nhất là đối thủ Liên Xô không còn nữa. Việc lựa chọn giữa giữ lại F-14 hoặc trang bị F/A-18E/F Super Hornet chắc chắn phải có những ý kiến tranh luận nảy lửa và mang tính khoa học, chứ không phải là cảm tính nhất thời.
Nhưng dù gì đi chăng nữa, F-14 Tomcat đã chứng tỏ đó là một trong những máy bay chiến đấu vĩ đại của không quân hải quân Mỹ trong thời đại của nó, kể cả trong biên chế Hải quân Mỹ và Không quân Iran. Nguồn ảnh: Foxtrot.
Iran là quốc gia cuối cùng trên thế giới hiện vẫn sử dụng tiêm kích F-14 Tomcat trong biên chế. Nguồn: BQPN.