Ô nhiễm bụi mịn vẫn ở mức xấu… lại nguy cơ ô nhiễm từ rác thải
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tiếp tục ở mức xấu khi ngày 24/12, các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trang PAM Air (do Công ty cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), hơn 50 điểm quan trắc chuyển màu đỏ - mức có hại cho sức khỏe và 6 điểm màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe.
Cụ thể, kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thời điểm 9 - 10h sáng nhiều nơi chất lượng không khí thấp. Ứng dụng PAMair cũng dày đặc màu đỏ trên bảng đo chất lượng không khí tại Hà Nội thời điểm 12h trưa, tiêu biểu là các khu vực như: Vườn hoa Lý Thái Tổ (AQI là 197), Trung Hòa – Cầu Giấy (191), Nguyễn Chế Nghĩa (191), Bà Triệu (190), Hàng Bún (190), Linh Đàm (189), Chùa Láng (188), Phạm Văn Đồng (185) và Định Công (185)…Theo cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội, đầu giờ chiều 24/12, khu vực Công viên Thống Nhất AQI vượt ngưỡng đỏ lên tím với chỉ số 209. Đây là ngưỡng rất xấu, cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe của tất cả mọi người.
Sở TN&MT Hà Nội tiếp tục khuyến cáo tất cả người dân trên toàn thành phố nên hạn chế ra ngoài, nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp) không nên ra khỏi nhà. Nên trang bị khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Các trường học không cho các em học sinh tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời…
Người dân căng lều chặn xe chở rác vào bãi rác |
Trong khi tình trạng ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao, Hà Nội lại tiếp tục đối mặt nguy cơ ô nhiễm từ rác thải ùn ứ khi người dân tiếp tục chặn bãi rác Nam Sơn.
Cụ thể, ngày 23- 24/12 có nhiều người dân xã Hồng Kỳ và xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tập trung tại cổng phía Nam và cổng phía Bắc ngăn cản xe rác vào đổ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn) để phản đối việc các cấp chính quyền chậm trễ trong việc đền bù và di dời người dân.
Người dân cho hay, họ chặn xe rác vào bãi rác để kiến nghị liên quan đến tiến độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Di dân vùng ảnh hưởng môi trường 0-500m từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; việc giải quyết vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, di dân khỏi vùng ảnh hưởng môi trường phạm vi 500m của dự án giai đoạn 1 (từ năm 1999); kiến nghị về tiến độ thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vượt hạn mức 400m2...
Việc người dân chặn xe rác khiến khoảng hơn 5.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày có nguy cơ ùn ứ tại khu vực nội thành Hà Nội. Bởi mỗi ngày, Hà Nội thải ra trung bình 6.500 tấn rác, trong đó bãi rác Nam Sơn xử lý từ 4.500 đến 4.700 tấn rác trên nên khi bãi rác Nam Sơn không thể tiếp nhận rác do người dân chặn xe sẽ dẫn đến nguy cơ Hà Nội tiếp tục tái diễn tình trạng “khủng hoảng rác thải”, nguy cơ ô nhiễm môi trường hiện hữu nếu số lượng rác thải này bị ùn ứ.
Trước đó vào tháng 7/2019, Hà Nội đã phải trải qua cuộc ‘khủng hoảng rác thải” khi người dân chặn bãi rác Nam Sơn dẫn đến rác thải chất đống khắp nơi, bốc mùi hôi thối.
Hàng chục nghìn tấn rác thải sẽ chuyển đi đâu?
Để tránh nguy cơ “khủng hoảng rác thải”, ngày 24/12/2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản số 5714/UBND-ĐT gửi các sở, ngành, địa phương về việc "chỉ đạo công tác tiếp nhận, phân luồng rác để giải quyết sự cố người dân chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn".
Theo đó, UBND thành phố chấp thuận phương án vận hành khu xử lý, phân luồng theo đề xuất của Sở Xây dựng về phương án phân luồng rác để giải quyết sự cố người dân chặn xe vận chuyển rác vào khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. "Cho phép điều hòa điều chỉnh chi phí phát sinh để xử lý khối lượng rác khi điều chỉnh phân luồng trong nguồn vốn sự nghiệp môi trường 2019 đã được giao Sở Xây dựng" - phương án TP nêu.
UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, thông báo và vận động nhân dân chủ động hạn chế khối lượng phát sinh; chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh trên địa bàn, che phủ, khử mùi, khử trùng các vị trí tập kết rác; thường xuyên cập nhật thông tin, sẵn sàng phương tiện, thiết bị để giải tỏa rác tồn ngay khi Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn tiếp nhận lại.
Nếu tình trạng trên kéo dài, Hà Nội có nguy cơ ùn ứ lượng rác thải lớn. |
Đồng thời, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo hệ thống chính trị huyện Sóc Sơn, các xã liên quan phối hợp tổ chức vận động, tuyên truyền người dân chấm dứt việc chặn xe vận chuyển rác vào Khu xử lý chất thải Nam Sơn, không để tình trạng chặn xe vận chuyển rác tiếp diễn, kéo dài.
Trước tình hình trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành kế hoạch điều chỉnh, phân luồng vận chuyển, xử lý rác thải tạm thời.
Theo đó, đối với các quận Thanh Xuân (405 tấn/ngày đêm), huyện Hoài Đức (165 tấn/ngày đêm), phân luồng tiếp nhận về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây). Các quận Ba Đình (300 tấn/ngày đêm), Hoàn Kiếm (215 tấn/ngày đêm), Hai Bà Trưng (350 tấn/ngày đêm), Đống Đa (430 tấn/ngày đêm), Nam Từ Liêm (265 tấn/ngày đêm), Bắc Từ Liêm (250 tấn/ngày đêm), Tây Hồ (197 tấn/ngày đêm), Cầu Giấy (320 tấn/ngày đêm), thực hiện phương án phân luồng về chôn lấp tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Đối với các quận Hà Đông (455 tấn/ngày đêm), Hoàng Mai (453 tấn/ngày đêm), Long Biên (313 tấn/ngày đêm) và các huyện như Thanh Trì (210 tấn/ngày đêm), Gia Lâm (186 tấn/ngày đêm), Đông Anh (178 tấn/ngày đêm), Sóc Sơn (159 tấn/ngày đêm), Mê Linh (115 tấn/ngày đêm) lưu chứa tại các điểm chung chuyển, tập kết tạm thời của địa phương. Nếu trong 3-7 ngày, bãi rác Nam Sơn chưa hoạt động trở lại, số chất thải này sẽ chuyển về Xuân Sơn.
Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị các quận huyện lập kế hoạch lưu trữ vận chuyển, tăng cường công tác phun hóa chất khử mùi trên địa bàn và chủ động theo dõi, phối hợp, cập nhật liên tục diễn biến tại bãi rác Nam Sơn...Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) được giao nhiệm vụ lập kế hoạch, bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện tiếp nhận thêm phần khối lượng từ địa bàn các quận, tăng cường công tác phun khử mùi, có các biện pháp đảm bảo an toàn khi tiếp nhận khối lượng rác tăng cao.
Cảnh điểm tập kết rác chất cao như núi tại Hà Nội khi dân chặn bãi rác Nam Sơn đầu năm 2019. |
Báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trước tình trạng bãi rác Nam Sơn bị chặn, lãnh đạo huyện đã trực tiếp lên hiện trường thông báo tiến độ thưc hiện giải phóng mặt bằng dự án; chỉ đạo các ngành, UBND các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ giải quyết, ổn định tình hình, tuyên truyền vận động người dân giải tán, không tập trung đông người gây cản trở xe vào bãi rác.
Huyện đã ban hành văn bản ngày 23/12, về việc cam kết với người dân sẽ áp dụng phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đất ở cho người dân theo bảng giá đất mới của Thành phố từ đầu tháng 1/2020 sau khi HĐND Thành phố quyết nghị thông qua bảng giá đất.
Tuy nhiên đến 23h ngày 23/12, có khoảng 45 người dân xã Nam Sơn và xã Hồng Kỳ vẫn tập trung tại cổng phía Nam và cổng phía Bắc của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. UBND huyện tổ chức làm việc với lãnh đạo xã Hồng kỳ và xã Nam Sơn để bàn biện pháp giải quyết tình hình và ghi nhận các kiến nghị của người dân liên quan đến chánh sách bồi thường, hỗ trợ về đất, hoa màu tài sản trên đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
UBND huyện Sóc Sơn cũng kiến nghị khẩn cấp 9 vấn đề. Trong đó, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo thanh tra TP sớm có kết luận giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vượt hạn mức 400m2; xem xét, có chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp, đất ở trùng lấn đất rừng vì các hộ dân đã được giao quản lý và sử dụng đất trước khi có quy hoạch rừng; xem xét nguyện vọng tái định cư cho các hộ dân và bồi thường các công trình đã xây dựng do khi hỗ trợ di chuyển giai đoạn 1999, người dân không có đất tái định cư, không được nhận tiền hỗ trợ tự lo chỗ ở nên phải xây dựng lại công trình để sinh sống trên đất ở cũ…
>>> Mời độc giả xem video Bị chặn xe, bãi rác Nam Sơn lại thất thủ:
Nguồn VTC Now.