Tấn công căn cứ Iran và Syria, Israel muốn gửi thông điệp gì?

Các vụ tấn công của Israel vào các căn cứ quân sự của Syria được đánh giá là chiến dịch quân sự lớn nhất và dữ dội nhất của Tel Aviv kể từ năm 1982. 

Quân đội Israel ngày 10/2 vừa qua đã mở cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào hệ thống phòng không của Syria và các mục tiêu của Iran tại quốc gia này sau khi máy bay F-16 của Israel bị Syria bắn rơi. Vụ việc diễn ra sau khi máy bay không người lái của Iran bị bắn hạ trên lãnh thổ Israel và máy bay F-16 của Israel bị bắn rơi trên lãnh thổ Syria. Diễn biến mới này đã làm phức tạp thêm cuộc xung đột tại Syria vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong vòng 7 năm qua và tạo ra cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Israel và Iran trong nhiều thập kỷ.

Máy bay F-16 của Israel bị bắn hạ. Ảnh: Irish Times.
 Máy bay F-16 của Israel bị bắn hạ. Ảnh: Irish Times.

Mặc dù là quốc gia láng giềng “sát vách” với Syria nhưng Israel vẫn đứng bên lề cuộc xung đột tại Syria suốt 7 năm qua. Tuy nhiên, các cuộc không kích dữ dội diễn ra ngày 10/2 cho thấy dù sớm hay muộn, Israel cũng sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy giao tranh vốn đang trở nên nghiêm trọng hơn tại Syria sau khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo  (IS) tự xưng bị đánh bại ở quốc gia Trung Đông này. Giới quan sát lo ngại rằng, nếu sự can thiệp của Israel không có điểm dừng thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Syria nói riêng và toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung.

Vì sao Israel quyết mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Syria?

Israel và Syria có đường biên giới chung dài khoảng 80km. Không chỉ tranh chấp trong việc giành quyền kiểm soát cao nguyên Golan với Syria mà từ lâu Israel đã công khai đối đầu với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng các đồng minh của Syria là Iran và phong trào Hezbollah tại Lebanon.

Lâu nay Israel vẫn tiến hành hàng chục cuộc không kích nhằm vào các đoàn xe chở vũ khí của Hezbollah tại Syria. Tuy nhiên sự can thiệp này thường không công khai và diễn ra với quy mô nhỏ. Chính phủ Syria và các đồng minh cũng rất kiềm chế trong mọi hành động đáp trả để tránh kích động thêm một cuộc xung đột mới bên trong cuộc nội chiến kéo dài.

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi trong hơn 1 năm qua, kể từ khi IS bị đánh bại tại Syria và lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad cùng đồng minh đang giành lợi thế trên mọi mặt trận.

Vào năm 2017, Israel đã phản đối lệnh ngừng bắn một phần tại Syria do Liên Hợp Quốc và Nga hậu thuẫn, với lý do điều này sẽ cho phép Iran mở rộng hoạt động gần khu vực biên giới với Syria. Nhiều thành viên trong chính phủ lo ngại Iran và các đồng minh sẽ nhân cơ hội thực thi lệnh ngừng bắn để củng cố sức mạnh và xây dựng căn cứ gần biên giới Israel, đặc biệt là việc Iran sẽ đào tạo và huấn luyện cho lực lượng Hezbolla phương thức sử dụng những loại vũ khí tối tân, chẳng hạn như tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao, đe dọa đến Israel.

Israel dù không mong muốn có một sự đối đầu trực tiếp với quân đội Iran, nhưng luôn tuyên bố sẵn sàng thực thi mọi hành động cứng rắn chống lại việc Iran chuyển giao vũ khí cho Hezbollah hoặc xây dựng căn cứ tại Syria.

Israel tấn công đáp trả cấc căn cứ tại Syria. Ảnh: News Rescue.
 Israel tấn công đáp trả cấc căn cứ tại Syria. Ảnh: News Rescue.

Phát biểu trong cuộc gặp các đại sứ của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Jerusalem hồi tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Israel cáo buộc Iran là “quốc gia rất nguy hiểm” bởi vì nước này đang “cố gắng thiết lập một đế chế kéo dài từ thủ đô Tehran tới cảng Tartus ở Syria”. “Chúng ta sẽ không cho phép Iran tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria vì mục đích xóa sổ nhà nước Israel”, ông Benjamin Netanyahu nói.

Sau một thời gian thể hiện “nằm ngoài” cuộc chiến tại Syria, tháng 11/2017 lần đầu tiên chính quyền Israel tuyên bố chính sách can thiệp quân sự vào Syria. Điển hình là vào hôm 13/11/2017, Thủ tướng Benjamin Netanyahu thông báo với phía Mỹ và Nga rằng Israel sẽ tiếp tục hoạt động trên khắp biên giới Syria theo nhu cầu an ninh của Tel Aviv, ngay cả khi Nga, Mỹ bảo trợ ngừng bắn. Và không chỉ dừng lại ở những lời nói suông, chính quyền Israel đã thể hiện hành động bằng cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào hệ thống phòng không của Syria và các mục tiêu của Iran với lý do đáp trả vụ máy bay F-16 bị bắn rơi.

Cuộc tấn công lần này của Israel khác gì so với những lần tấn công trước?

Israel đã tiến hành một loạt cuộc tấn công tại Syria trong thời gian gần đây. Tuy nhiên vụ việc lần này hoàn toàn khác biệt. Israel cho biết, máy bay của Iran đã “vi phạm”không phận Israel vào sáng sớm hôm 10/2 và quân đội Israel đã công bố video cho thấy máy bay này bị bắn hạ bởi một trực thăng tấn công. Về phía Iran ngay lập tức bác bỏ cáo buộc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahran Qasemi  gọi đây là lời buộc tội “ngớ ngẩn và vô căn cứ”.

Ngay sau đó, Israel đã điều máy bay chiến đấu tới Syria để tấn công căn cứ quân sự T4  của Iran gần thành phố Palmyra, nơi mà Israel cho là đã đưa máy bay không người lái vào Israel. Tuy nhiên, quân đội Syria đã đáp trả ác liệt và nã đạn pháo bắn rơi máy bay này.

Ông Amos Harel, một nhà báo phụ trách mảng quân sự cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong 30 năm qua xảy ra vụ việc nghiêm trọng này. Nó thể hiện ý chí của chính phủ Syria sẵn sàng đáp trả mọi cuộc không kích của Israel và cũng cho thấy sức mạnh mới của Syria.” Phong trào Hezbollah cũng ra tuyên bố khẳng định, việc bắn hạ máy bay chiến đấu F-16 của Israel đánh dấu một giai đoạn chiến lược mới trong cuộc xung đột Syria, đồng nghĩa với việc thế trận cũ đã bị phá vỡ.

Tức giận trước sự trả đũa quyết liệt của Syria, quân đội Israel phát động cuộc tấn công quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua nhằm vào 12 căn cứ quân sự tại Syria, trong đó có 8 căn cứ của quân đội Syria và 4 căn cứ của Iran. Trả lời phỏng vấn tờ Haaretz, Tướng chỉ huy không quân Israel Tomer Bar cho biết vụ không kích được đánh giá là chiến dịch lớn nhất và dữ dội nhất của Tel Aviv kể từ năm 1982.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Israel can dự sâu vào cuộc xung đột Syria

Trong khi Mỹ tuyên bố ủng hộ Tel Aviv cho rằng Israel có quyền lợi chính đáng để tự vệ thì cộng đồng quốc tế đều bày tỏ quan ngại trước tình trạng "nóng" giữa Israel, Iran và Syria. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hối thúc các bên ngay lập tức giảm leo thang căng thẳng. Còn Bộ Ngoại giao Nga lo ngại rằng việc chiến đấu cơ Israel xuất kích đến Syria có thể gây tổn hại cho tiến trình hòa bình của quốc gia Trung Đông này. 

Giới quan sát cho rằng, hành động châm ngòi cho một cuộc xung đột mới tại khu vực biên giới Syria đều không có lợi cho cả Israel và Iran cùng các đồng minh. Các vụ nã pháo và không kích đáp trả lẫn nhau cho thấy không bên nào muốn nhượng bộ. Nếu căng thẳng leo thang sẽ làm phức tập thêm tình hình tại Syria và tạo ra một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn trong khu vực, với sự can dự của nhiều quốc gia liên quan.

Căn cứ quân sự T4 bị Israel tấn công không chỉ là nơi đồn trú của quân đội Syria mà còn có cả các quan chức quốc phòng Nga. Một số nhà quan sát cho rằng thật khó để tưởng tượng phía Nga sẽ “nhắm mắt làm ngơ” cho hành động hiếu chiến của Israel. Trong khi đó, Mỹ - một đồng minh thân cận của Israel cũng đang bị “sa lầy” trong cuộc xung đột tại Syria với việc hỗ trợ cho phe đối lập Syria chống chính phủ tổng thống Bashar al-Assad.

Tuần trước, máy bay chiến đấu của Mỹ đã ném bom các mục tiêu của lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ khi lực lượng này tiến đánh khu vực có nhóm vũ trang do Mỹ hậu thuẫn tại tỉnh Deir al-Zour, phía đông Syria. Nga sau đó đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vụ không kích của Mỹ, cho rằng Mỹ chỉ lợi dụng quân bài chống khủng bố tại Syria để che chắn cho âm mưu chiếm giữ các nguồn lợi kinh tế của quốc gia Trung Đông này.

Trong những diễn biến gần đây, cùng cần phải điểm lại chiến dịch "Nhành Ôliu" của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd tại miền bắc Syria, vốn đã gây nhiều mẫu thuẫn và căng thẳng với các nước liên quan. Quốc gia Syria vốn đang chìm trong bạo lực và bất ổn, nay lại phải chịu đựng cùng lúc nhiều cuộc xung đột mới nổi lên cùng lúc, khiến triển vọng hòa bình ngày càng lu mờ. Thêm vào đó, xung đột trực tiếp Israel và Syria cũng có nguy cơ lôi kéo Lebanon và các nước Arab khác vào một cuộc chiến mới. 

Các bên vẫn chưa dám bước qua “ranh giới đỏ”?

Người phát ngôn quân đội Israel ngày 10/2 tuyên bố “Israel sẵn sàng, đã chuẩn bị và có thể buộc bất cứ ai tấn công chúng tôi phải trả giá đắt, Tuy nhiên, chúng tôi không mong muốn leo thang tại khu vực. Vụ tấn công vào các cơ sở quân sự của Syria là hành động phòng vệ bắt nguồn từ sự gây hấn của Iran. Chúng tôi chỉ bảo vệ không phận, lãnh thổ và người dân Israel”.

Còn một quan chức thân với chính quyền Bashar al-Assad cho rằng việc bắn hạ máy bay F-16 của Israel chỉ là "một thông điệp" dành cho Israel và những căng thẳng hiện nay sẽ không phát triển thành một cuộc chiến tranh khu vực.

Nhà phân tích quân sự Amir Orden nhận định Israel đã không tấn công các mục tiêu trọng yếu của Syria và Iran trong khu vực. “Đó là sự đáp trả có kiềm chế, một dạng đối thoại bằng hỏa lực. Hai phía đã nỗ lực không sát hại đối phương. Có một vài người đã bị thương nhưng đến nay chưa có trường hợp nào tử vong”, ông nói.

Ông Reuven Ben-Shalom, một chuyên gia quân sự khác nhấn mạnh, Israel và Iran đều không muốn gây leo thang căng thẳng. Cả hai bên đều chỉ cố gắng phô trương sức mạnh  nhằm thể hiện uy lực của mình.

Kinh ngạc chiến trường Syria trong mùa Đông băng giá

(Kiến Thức) - Tuyết rơi dày khắp chiến trường, những khẩu pháo bị đóng băng hoàn toàn, đó là những gì đang xảy ra tại chiến trường Syria. 

Kinh ngac chien truong Syria trong mua Dong bang gia
Syria được biết tới là quốc gia có những vùng cao nguyên khô cằn, khí hậu nóng và khô. Các hình ảnh chiến trường Syria bấy lâu này hầu như đều thể hiện đây là đất nước có nhiệt độ cao, nắng suốt ngày. Nguồn ảnh: Yahoo 

Hình ảnh hoành tráng ít thấy của Quân đội Syria

(Kiến Thức) - Khác hẳn với hình ảnh thua trận, ăn mặc lôm côm, trong hoạt động diễn tập Quân đội Syria “lột xác” đạo quân chính quy, chuyên nghiệp. 

Hinh anh hoanh trang it thay cua Quan doi Syria
Cuộc tập trận quy mô lớn này được tiến hành vào năm 2012 khi mà đất nước Syria đã bước vào cuộc nội chiến dai dẳng, tàn khốc kéo dài tới tận hôm nay. Khác hẳn với hình ảnh đạo quân mặc lôm côm, vứt bỏ vũ khí tháo chạy khi giao tranh với phiến quân, Quân đội Syria trong cuộc tập trận trở thành đạo quân chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Ảnh: Trận địa súng cối 160mm. Nguồn ảnh: Oryx 

Tin mới