Tận diệt rong mơ, dân Việt lại mắc bẫy thương lái TQ

Những ngày qua, khi cơn sốt "đá đen" vẫn chưa hạ nhiệt, người dân xã Bình Hải lại bị cuốn vào một ma trận khác của thương lái Trung Quốc.

Món lợi "béo bở" mà con buôn đưa ra đã khiến những người dân nơi đây bỏ việc, bỏ cả ruộng vườn để đổ ra biển mò "lộc trời". Từ đây, rong mơ bắt đầu trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết...
Khai thác hàng chục tấn mỗi ngày
Từ sáng sớm, trên bãi Gành Yến (thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), hàng chục con người đã tất bật chuẩn bị cho một chuyến "ra khơi" thu "lộc trời" mới. Từng tốp người hối hả tay chèo, tay thúng rời bờ. Anh Trần Đình Tuấn (SN 1976, trú thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải), một người có kinh nghiệm bốn năm trong nghề hái rong mơ cho biết: "Thường thì tôi và vợ ra biển từ lúc 6h sáng. Lúc trước rong mơ còn nhiều đi trễ cũng không sao, nhưng bây giờ ngày càng hiếm nên phải đi sớm và tìm vị trí thuận lợi thì mới hái được nhiều".
Người dân Quảng Ngãi "quay cuồng" trong cơn sốt rong mơ.
Người dân Quảng Ngãi "quay cuồng" trong cơn sốt rong mơ.
Theo lời kể của anh Tuấn, nghề hái rong mơ xuất hiện ở Bình Hải cách đây khá lâu, nhưng mãi đến thời gian gần đây "nghề" này mới thực sự gây sốt. Trước sự "tận tình" của thương lái Trung Quốc, cùng với việc giá rong mơ ngày càng được đẩy lên cao, rất đông người dân đã bỏ việc, bỏ ruộng vườn đổ xô ra bãi khai thác rong mơ. Mỗi ngày có đến hàng trăm người đến đây. Đến xế chiều, có hàng chục chiếc thuyền thúng chất đầy rong mơ cập bờ".
Anh Nguyễn Quang Thanh (SN 1990, trú thôn An Cương, xã Bình Hải) là người trẻ nhất trên bãi khai thác rong mơ. Anh thú thật: "Trước đây, tôi làm nghề sửa xe nhưng vì không có vốn mở tiệm nên thu nhập chẳng đáng là bao. Nghe hàng xóm nói đi hái rong mơ bán được nhiều tiền nên tôi xin đi theo. Hàng ngày tôi chèo thuyền thúng ra khơi, lặn ngụp từ sáng đến xế chiều là có thể hái được đầy thúng. Loại rong mơ một nắng thương lái mua với giá 5.000 - 6.000 đồng/1kg. Vì vậy mỗi ngày tôi kiếm cũng được 300.000 - 400.000 đồng".
Trước nguồn thu nhập "khủng" từ khai thác rong mơ, rất đông bà con đổ xô ra Gành Yến để "kiếm tiền". Các buổi sáng, hàng chục chiếc thuyền tự chế và hàng trăm thuyền thúng của người dân địa phương ra khơi khai thác hàng chục tấn rong mơ mỗi ngày. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực gần bờ (vốn là nơi sinh sống của rong mơ) đã không còn thấy bóng dáng của loại rong tảo này. Anh Thái Ngọc Chung (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) thở dài tiếc nuối: "Vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch là mùa khai thác chính của rong mơ. Ngày xưa, mỗi lần vào mùa, chỉ cần đi dọc Gành Yến là có thể vớt được cả trăm ký. Nhưng bây giờ muốn hái thì phải chèo thuyền thúng ra khơi xa rồi lặn sâu xuống nước thì mới hái được".
Được biết, khu vực Gành Yến là một thắng cảnh du lịch đẹp của vùng đất Bình Hải. Nhưng do vị trí nằm cách xa trung tâm thành phố nên ít người lui tới. Chính vì vậy, Gành Yến vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ của mình. Tuy nhiên, từ khi cơn sốt rong mơ "đổ bộ" đến đây, bộ mặt vùng biển đã thay đổi hoàn toàn.
Đe dọa... cả làng chài
Mặc dù vẫn biết những hậu quả khó lường từ việc khai thác "lộc trời" nhưng nhiều người vẫn bất chấp để ra Gành Yến kiếm vài ba trăm nghìn mỗi ngày. "Việc khai rong mơ nơi đây diễn ra từ sáng đến chiều tối và đã tồn tại nhiều năm nay, cũng giống như việc khai thác đá đen, đá san hô. Vẫn biết khai thác ồ ạt, tràn lan như vậy sẽ khiến môi trường sinh thái biển bị đảo lộn, nhưng do thu nhập ngày công quá cao, làm ruộng thì biết đến bao giờ mới kiếm được 400.000 - 500.000 ngàn một ngày nên người dân vẫn ồ ạt ra khơi hái rong", một người dân ở Bình Hải chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, rong mơ, hay có tên gọi khác là mơ trứng chuồn hay mơ trứng cá. Đây vừa là nguồn thức ăn, vừa là chỗ để các loại hải sản sinh sống ven bờ trú ngụ và sinh sản, đồng thời cũng là môi trường thuận lợi cho hàng chục loại san hô phát triển. Tuy nhiên, trước tình trạng khai thác ồ ạt của người dân địa phương, loài rong tảo quý báu này đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Trong ký ức của nhiều người dân chài nơi đây, vùng biển Bình Hải vốn là nơi "bốn mùa cá tôm", là "kho hải sản" nuôi sống nhiều gia đình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi rong mơ bị khai thác tràn lan thì "ngôi nhà" của các loài thủy hải sản cũng dần bị mất đi. Chính vì vậy, cuộc sống của nhiều gia đình kiếm sống bằng nghề chài lưới trở nên vô cùng bấp bênh.
Gia đình anh Nguyễn Tí ở thôn An Cường, xã Bình Hải là một trong số đó. Giọng trầm buồn, xen lẫn nhiều lo lắng, anh Tí cho biết: "Gia đình tôi làm nghề sông nước đã bốn đời nay. Ngày xưa, cha ông chúng tôi cũng mưu sinh bằng con tôm, con cá ở vùng biển này. Nhưng đến thời điểm này, đi đánh lưới từ lúc trời chưa sáng nhưng đến cuối ngày họa hoằn lắm mới được dăm ba con cá. Chắc tôi phải đổi nghề, hoặc kéo nhau đi khai thác rong mơ như mọi người thôi chứ đánh bắt như thế này thì không biết lấy gì nuôi vợ, nuôi con".
Những trăn trở của anh Tí cũng là nỗi niềm chung của ngư dân vùng biển Bình Hải. Tuy nhiên, dù muốn dù không, những ngư dân nghèo khó nơi đây vẫn phải chấp nhận sự thật chén cơm của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Họ buộc phải lựa chọn, hoặc bỏ nghề truyền thống gia đình hoặc tiếp tục bám biển để chạy ăn từng bữa. ông Nguyễn Văn Thanh, một ngư dân chuyên hành nghề đánh bắt cá gần bờ tại xã Bình Hải cho biết, nếu chính quyền các cấp ở xã, huyện không kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác rong mơ đang diễn ra như hiện nay thì chỉ trong một thời gian ngắn loại rong tảo này sẽ bị tận diệt và nguồn hải sản sinh sống ven biển cũng không có nơi để trú ngụ, sinh sản, hệ sinh thái quanh Gành Yến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Treo biển kỳ thị: Gậy Trung Quốc đập trúng lưng Trung Quốc

Cộng đồng mạng Việt Nam và các nước trên thế giới đang truyền nhau với những lời bình luận về bức ảnh do một người Mỹ gốc Hoa- bà Rose Tang đăng tải trên trang facebook cá nhân. Bức ảnh này được bà Rose Tang chụp hôm 22/2 nhân dịp ghé thăm Bắc Kinh cho thấy, ngay trước cửa chính của tiệm bán thức ăn nhanh “Beijing Snacks” có treo tấm bảng ghi bằng hai thứ tiếng: Anh ngữ và Hoa ngữ “Nhà hàng không tiếp khách người Việt, người Nhật, người Philippines và chó”.

Trao đổi với Kiến Thức, Giáo sư Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Namm Á cho rằng nội dung của tấm biển này gợi lại quá khứ đau buồn của chính người Trung Quốc những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ngay trong các tô giới thuộc lãnh địa một số nước phương tây ở Thượng Hải: "Ở đây, cấm người Trung Quốc và chó". 

Từ chối vụ kiện của VN, TQ tổn thất nặng nhất là gì?

(Kiến Thức) - Khởi kiện Trung Quốc là một quá trình lâu dài. Nếu Bắc Kinh từ chối thì cái mất nặng nhất thuộc về Trung Quốc là uy tín quốc gia...

Trung Quốc: Uy tín quốc gia
Vấn đề Việt Nam có kiện Trung Quốc hay không vẫn chưa có câu trả lời tuyệt đối vì khi vụ kiện xảy ra, mỗi bên không ai biết trước được khả năng thắng hay thua, dù Việt Nam có nhiều bằng chứng, cơ sở thỏa đáng và thuyết phục.
Dù vậy, nhiều chuyên gia luật pháp quốc tế cũng như về Biển Đông tin rằng, mang giàn khoan vào vùng biển mà theo Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) quy định thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam thì Trung Quốc đã liều lĩnh với con bài chủ quyền lỏng lẻo khi chủ quan cho rằng, Tòa án quốc tế không thể can dự vào vấn đề này vì Bắc Kinh có quyền chọn lựa chấp nhận tham dự vụ kiện hay không.
Nói cách khác, khả năng tự quyết tham dự hoặc không vụ kiện khiến nhiều người lo ngại rằng, đưa Trung Quốc ra tòa là tốn công sức và làm vấn đề nặng nề hơn. Tuy nhiên, khi nhìn vào Philippines, nước đã mạnh mẽ đưa hành động xâm lăng của Trung Quốc ra tòa quốc tế thì Việt Nam có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm nếu nghiêm túc tiến hành những bước cần thiết cho vụ kiện.
Khi Philippines chấp nhận mang Trung Quốc ra tòa quốc tế có nghĩa là Manila chấp nhận việc Trung Quốc từ chối. Dù vậy, Philippines cũng hiểu rằng, sự từ chối sẽ làm Trung Quốc mất nhiều thứ trong khi họ chẳng mất điều gì.
Cái mất nặng nhất thuộc về Trung Quốc là uy tín quốc gia. Nguyên nhân là hiện nay, Trung Quốc đã, đang đầu tư nhiều công sức, tiền của để kiến tạo quyền lực mềm, gây ảnh hưởng văn hóa trên khắp thế giới, chinh phục thế giới với triết lý Đông phương, vốn theo đuổi quan niệm hòa nhã, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín... nhưng chưa thấy rõ hiệu quả. Trong bối cảnh đó, nếu không tham gia vụ kiện của một nước nhỏ hơn, Trung Quốc phải đối diện với mất mát to lớn về uy tín đối với các nước khác, đặc biệt là những nước nhỏ, đang dựa dẫm vào kinh tế Trung Quốc để phát triển. Sự tin cậy cần thiết của các nước sẽ không còn khi biết rằng, người bạn khổng lồ rất khó để mà đặt lòng tin vào, ngay cả lòng tin của một hợp đồng mua bán.
Các nước lớn hơn như Mỹ hay Liên minh châu Âu, Nhật Bản sẽ đưa ra những ràng buộc có tính kỹ thuật để hàng hóa Trung Quốc gặp trở ngại với lý do trả đũa vì Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong lúc Nhật đã và có biện pháp mạnh với Trung Quốc, hành động bất tuân luật pháp của Bắc Kinh trong các vụ kiện sẽ giúp cho Tokyo có thêm lý do thuyết phục người dân nước họ thay đổi quan niệm về một Trung Quốc hiền hòa, vô hại như trước đây họ từng nghĩ. TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan nhận định: “Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động với đội ngũ luật sư, luật gia của Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài kể cả những người yêu chuộng Việt Nam, yêu chuộng hòa bình, công lý, hoàn toàn có thể xây dựng bằng được hồ sơ để đưa Trung Quốc ra tòa về hai phương diện thủ tục và nội dung pháp lý”.
Không tham gia vụ kiện, uy tín quốc gia Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng.
Không tham gia vụ kiện, uy tín quốc gia Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng.
Việt Nam: Chắc chắn thắng
Giáo sư Erik Franckx cho rằng, vào năm 1958, khi công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được đưa ra, nhiều nước cũng ra tuyên bố mở rộng lãnh hải 12 hải lý. Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng “ủng hộ cho việc mở rộng đó của Trung Quốc” mà không hề đề cập cụ thể đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”; vì vậy, không thể cho rằng, Việt Nam xác nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa hay Trường Sa.
Thạc sỹ Luật Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu về Biển Đông cho rằng, khởi kiện Trung Quốc là một quá trình lâu dài vì đây là một vấn đề phức tạp. Phán quyết của tòa dù có lợi cho Việt Nam đi chăng nữa thì cũng không có cơ quan tài phán quốc tế nào buộc Trung Quốc phải thi hành. Tuy nhiên, việc này cho thấy quyết tâm của Việt Nam để thế giới có thái độ ủng hộ rõ ràng hơn đối với Việt Nam.
Còn nếu chỉ xét về luật biển UNCLOS 1982, ngay cả Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp đi nữa thì việc đem giàn khoan vào vùng biển ấy cũng khiến Trung Quốc thua kiện trước tòa án quốc tế. Giáo sư Phạm Quang Tuấn chia sẻ, nếu kiện vụ giàn khoan thì hầu như Việt nam chắc chắn thắng vì luật biển quy định rõ ràng, khi mà có một vùng biển đang tranh chấp giữa hai quốc gia thì hai bên phải tránh làm bất cứ điều gì có vẻ khiêu khích hay đơn phương hành động mà phải thương lượng với nhau trước đã. Vụ này rõ ràng rằng, Trung Quốc không thương lượng với Việt Nam trước khi đem giàn khoan vào vùng đó, mà đó là vùng đang tranh chấp giữa hai quốc gia, thành ra Trung Quốc làm như vậy là chắc chắn trái với luật quốc tế. Đã có những vụ án trong quá khứ xảy ra tương tự như vậy và cũng được tòa xét xử.
Kiện Trung Quốc để giành phần thắng có thể gian nan vì những lập luận không có cơ sở mà Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa thì Việt Nam đương nhiên lợi. Thế giới sẽ thấy được hai mặt của vấn đề mà mặt tích cực sẽ được Việt Nam giành trọn.

Tin mới