Tân Hoàn Cầu làm ăn thế nào trước khi “bán” dự án điện gió cho Thái Lan?
(Kiến Thức) - CTCP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu vừa sang ta dự án điện gió cho Thái Lan là hạt nhân trong “hệ sinh thái” Tập đoàn Tân Hoàn Cầu của vị doanh nhân Mai Văn Huế.
HĐQT Tập đoàn Eastern Power Group ngày 19/6/2020 thông qua phương án mua 99,8% cổ phần trong hai dự án Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 với tổng giá phí 9,6 triệu USD, tương đương khoảng 220 tỷ đồng.
Bên bán là Tập đoàn Tân Hoàn Cầu, ông Mai Văn Huế và bà Trần Thị Hà My.
Tuy nhiên, đây mới là thông tin từ phía doanh nghiệp Thái Lan, chưa được xác nhận bởi Tân Hoàn Cầu Group. Đồng thời, thương vụ bán dự án nếu đang diễn ra, cũng chưa rõ đã được chấp thuận bởi cơ quan chức năng trong nước hay chưa.
|
Tân Hoàn Cầu bán dự án điện gió cho người Thái. Ảnh minh hoạ |
Như vậy, sau chưa đầy 1 năm được chấp thuận đầu tư (tháng 4/2019 với dự án Hướng Linh 3 và tháng 12/2019 với Hướng Linh 4), đại gia Mai Văn Huế đã nhanh chóng thoái vốn ở cả 2 dự án.
Điều này khiến giới đầu tư không khỏi băn khoăn về tiềm lực tài chính của CTCP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu cũng như các thành viên trong tập đoàn của đại gia Quảng Bình Mai Văn Huế.
Theo Nhadautu.vn, cả CTCP Điện gió Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 từ khi thành lập (năm 2017) đến năm 2019 không ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận thuần. Điều này là dễ hiểu bởi cả 2 dự án điện gió đang trong quá trình triển khai.
Trong khi đó, CTCP Tổng Công ty Hoàn Cầu là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái của doanh nhân Mai Văn Huế.
Theo Viettimes, doanh nghiệp này tiền thân là CTCP Tân Hoàn Cầu, thành lập năm 2005, có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình. Tính tới tháng 10/2015, quy mô vốn của Tân Hoàn Cầu được nâng lên mức 1.166 tỷ đồng.
Còn theo thông tin trên website, tính đến tháng 6/2018, tổng tài sản của Tân Hoàn Cầu đạt 6.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu là 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quy mô của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất năng lượng của Tân Hoàn Cầu Group.
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, Tân Hoàn Cầu năm 2016 và 2017 lần lượt đạt doanh thu thuần 44,4 tỷ đồng và 503,97 tỷ đồng, năm 2018 là 574,66 tỷ và năm 2019 đạt 234,23 tỷ. Dù vậy, 2016 cũng là năm duy nhất Tân Hoàn Cầu ghi nhận lãi (là 25,43 triệu đồng). 3 năm tài chính còn lại, Ttập đoàn này đều rơi vào tình trạng lỗ.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tân Hoàn Cầu đạt 5.587,9 tỷ đồng, tăng 28,33% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu tới cuối năm ngoái là 2.500,14 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu ở mức 1.436 tỷ đồng, cho thấy tập đoàn này nhiều khả năng đã tích góp được nguồn lợi nhuận đáng kể trong các năm qua.
Cũng theo Viettimes, hệ thống doanh nghiệp của của ông Mai Văn Huế còn có 6 thành viên khác: CTCP Tân Hoàn Cầu Bến Tre, CTCP Năng Lượng Quảng Trị, CTCP Đầu tư Thanh Hoa, CTCP Thủy điện Trưeng Sơn, CTCP Thủy điện Trường Sơn Bình Phước và CTCP Nước sạch THC.
Tham vọng ở lĩnh vực năng lượng của Tân Hoàn Cầu Group không chỉ được thể hiện qua số lượng áp đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, mà còn được cụ thể hóa qua loạt dự án điện gió và thủy điện tại các tỉnh miền Trung.
Ở lĩnh vực điện gió, tập đoàn đang đầu tư 3 cụm dự án thủy điện, bao gồm: (1) Cụm dự án điện gió Hướng Linh (Quảng Trị, công suất 150 MW); (2) Cụm dự án điện gió Hướng Hiệp (Quảng Trị, công suất 90MW) và (3) Cụm dự án điện gió Bãi Dinh (180 MW).
Ở lĩnh vực thủy điện, Tân Hoàng Cầu Group đầu tư loạt dự án như: Thủy điện Đakrông 3 (8,8 MW), thủy điện Khe Nghi (9 MW), thủy điện Đức Thành (42 MW), thủy điện Khe Giông (4,5 MW), thủy điện Hướng Phùng (18 MW).
Ngoài ra, tập đoàn cũng hoạt động trong mảng nhà thầu xây dựng với các dự án Nhà máy thủy điện Đăk Psi (Kon Tum); Quốc lộ 1A, khu vực phía Nam, tỉnh Hà Tĩnh; xây dựng một số dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Resort & Villas.