Xem toàn bộ ảnh
Người xây dựng bảo tàng vũ khí cổ độc đáo là ông Robert Taylor (70 tuổi, quốc tịch Anh, cư ngụ tại số 98, đường Trần Hưng Đạo, phường 1 (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu). Công dân Vương quốc Anh từng là kỹ sư phục vụ trong ngành cơ khí. Năm 1991, ông đến Việt Nam làm việc và đứng ra lập công ty chuyên thi công các công trình chống ăn mòn, cách nhiệt, cách âm và đào tạo nhân lực... Năm 1996, ông định cư tại TP Vũng Tàu và biến giấc mơ lập Bảo tàng vũ khí cổ thành hiện thực. |
Theo ông Robert, từ nhỏ, ông là người đam mê sưu tầm vũ khí, trang phục quân đội của các quốc gia trên thế giới. "Năm 18 tuổi, tôi dùng khoản tiền tương đương 80 USD do mình làm ra để mua thanh kiếm 100 năm tuổi. Về sau, khi làm kỹ sư cho tập đoàn lớn của Thái Lan, tôi có điều kiện đến nhiều quốc gia, giao lưu nhiều người có chung đam mê. Tôi dùng gần hết số tiền lương để mua các món đồ mà mình yêu thích", ông chủ bảo tàng nói. |
Hiện, người đàn ông 70 tuổi sở hữu 2.500 hiện vật bao gồm súng, kiếm, nỏ, trang phục quân đội... Trong đó, có khoảng 1.500 hiện vật là súng ngắn, súng trường có độ tuổi 200 - 300 năm của các nước Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Italia, Hà Lan... |
Khẩu súng lục của Anh sản xuất từ năm 1790 (226 năm) nguyên vẹn, bóng đẹp được ông Robert đính thông tin, trưng bày trong bảo tàng vũ khí của ông. |
Gần đó là khẩu súng lục của Mỹ với cỡ nòng 15 mm được sản xuất từ năm 1851. |
Trong "kho" vũ khí cổ của chủ bảo tàng có nhiều khẩu từng là món đồ sở hữu của giới quý tộc, danh tướng. Nhiều khẩu được dát bạc và khảm trai trên báng súng. |
Những khẩu súng ngắn, súng trường châu Phi có báng cong, khảm trai được sản xuất trong thời gian từ năm 1820 - 1850. |
Theo ông Robert Taylor, năm 1996, ông bắt đầu làm các thủ tục đưa số vũ khí cổ về Việt Nam. "Lúc đó rất khó khăn trong việc xin giấy phép. Phải mất 4 năm để giải quyết thủ tục. Khi được đồng thuận từ chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi bán toàn bộ nhà cửa, tài sản ở Anh để lập bảo tàng ở Vũng Tàu. Năm 2012, giữa tôi và người vợ Việt Nam xảy ra mâu thuẫn, ly hôn và tranh chấp tài sản nên bảo tàng phải đóng cửa", ông Robert nói. |
Năm 2015, ông Robert được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho mượn tòa nhà cổ, kiến trúc Pháp tại số 98 Trần Hưng Đạo (phường 1, TP Vũng Tàu) để mở lại bảo tàng. Ông cho biết, khi nhận được quyết định cũng là lúc tiền bạc, tài sản cạn kiệt. Đến tuổi hưu trí nhưng ông vẫn xin làm thêm cho một công ty ở Thái Lan để kiếm kinh phí tu sửa, làm các phòng bày biện hiện vật. Người đàn ông 70 tuổi nói: "Tôi rất may mắn khi nhận được sự đồng thuận từ chính quyền. Đặc biệt, người vợ sau của tôi đã động viên tinh thần, giúp đỡ vật chất để tôi thực hiện ước mơ". |
Ngoài số vũ khí cổ, ông Robert còn sở hữu nhiều khẩu súng được quân đội các quốc gia sử dụng trong chiến tranh ở thế kỷ 20. |
Chủ bảo tàng dành riêng một góc để bày biện súng, đạn, lựu đạn, lưỡi lê... thế kỷ 20 - 21. |
Những thanh kiếm của các dân tộc trên thế giới thuộc thế kỷ 19. |
Trang phục Đội quân thánh (Thập tự chinh) châu Âu thế kỷ 14-15 được chủ bảo tàng tái hiện sống động như người thật. |
Sau khi sở hữu các bộ quân phục, vũ khí, ông Robert thuê thợ thiết kế hình nộm với tỷ lệ bằng người thực để phục dựng. Gương mặt, màu da, màu tóc thậm chí màu mắt được chủ bảo tàng dựa trên người bản địa để thiết kế. |
Áo giáp thép Gothic của người La Mã cuối thời Trung Cổ thế kỷ 15. Theo người sở hữu, mỗi bộ giáp có trọng lượng 50 kg. Binh sĩ mặc giáp này được trang bị trường kiếm mũi nhọn. |
Theo ông Robert Taylor, bảo tàng bắt đầu mở cửa đón khách trong và ngoài nước từ ngày 21/4. Ông thổ lộ: "Tôi hy vọng bộ sưu tập sẽ mang lại sự thích thú cho du khách, tạo điểm nhấn du lịch cho Vũng Tàu và Việt Nam. Bảo tàng sẽ là nơi mọi người hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc và sự phát triển của thế giới". |