Tân Sơn Nhất tắc nghẽn cả trên trời và dưới đất

Trong những ngày cao điểm giáp tết, tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tối ngày 3/2, đại diện của hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, ngày 3/2, do mật độ khai thác tăng cao với tần suất cất/hạ cánh dày đặc, cộng thêm ảnh hưởng của hướng gió nên chỉ tập trung sử dụng một đường băng (số 07) của sân bay Tân Sơn Nhất để cất, hạ cánh, dẫn đến tắc nghẽn.
Các dãy ghế tại sân bay Tân Sơn Nhất những ngày giáp tết không còn chỗ trống. - Ảnh: Anh Quân
Các dãy ghế tại sân bay Tân Sơn Nhất những ngày giáp tết không còn chỗ trống. - Ảnh: Anh Quân 
Nhiều chuyến bay đến phải bay vòng chờ, "xếp hàng" để hạ cánh; các chuyến bay đi có thời gian lăn bánh và chờ lệnh cất cánh lâu hơn kế hoạch. Theo thống kê từ 7 giờ sáng cho đến 22 giờ 30 phút ngày 3/2, riêng Vietnam Airlines (hãng có thị phần nội địa lớn nhất) đã có 33 chuyến bay buộc phải hạ cánh muộn từ 15-50 phút và 44 chuyến cất cánh muộn từ 15 phút đến 1 giờ.
Đại diện của Vietnam Airlines cũng cho biết thêm, trong những ngày cao điểm tết mặc dù đã cố gắng phối hợp tối đa với nhà chức trách sân bay và tìm các giải pháp giảm thiểu chậm chuyến, nhưng do quá tải về hạ tầng tại Tân Sơn Nhất nên tình trạng chậm chuyến vẫn diễn ra.
Do tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất nên lịch bay của các hãng hàng không bị xáo trộn rất nhiều. Anh Long, một hành khách có vé đi ngày 5-2 chặng TPHCM - Hà Nội, phản ánh với TBKTSG Online rằng, hiện tại anh đã được hãng hàng không Vietjet nhắn tin thay đổi lịch bay đến 3 lần khiến kế hoạch đi lại của anh bị đảo lộn rất nhiều.
Theo ghi nhận của TBKTSG Online, kể từ ngày 20 tháng Chạp đến nay lượng hành khách đi lại qua sân bay Tân Sơn Nhất rất đông. Lượng hành khách không chỉ tăng cao ở ga nội địa mà ở ga quốc tế người Việt ở nước ngoài về nước ăn tết cũng rất đông, cộng với lượng người đi đón người thân tăng cao dẫn đến sân bay bị quá tải.
Trong 2 ngày tới sẽ là ngày cao điểm nhất nên lượng hành khách sẽ còn tăng rất cao và khó có thể tránh khỏi tình trạng tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất.
Theo thống kê của sân bay Tân Sơn Nhất, ngày cao điểm nhất của dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sẽ có khoảng 720 lượt chuyến bay cất, hạ cánh/ngày, tăng khoảng 14,8% so với ngày cao điểm nhất của Tết Ất Mùi 2015; số lượng khách trung bình ngày cao điểm khoảng 99.700 hành khách, tăng 10% so với Tết Nguyên đán 2015.
Để tránh ùn tắc tại Tân Sơn Nhất trong những ngày tới, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan cũng khuyến cáo mọi người chỉ nên đưa đón người thân khi thực sự cần thiết, tránh gây ùn tắc tại khu vực sân bay.

Phát hiện gây sốc về sân bay Tân Sơn Nhất

Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất phát hiện 15 trường hợp nhân viên các đơn vị phục vụ mặt đất lấy đồ vật, tài sản trong hành lý của khách.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, theo báo cáo của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chín tháng đầu năm nay lực lượng an ninh hàng không phối hợp với các công ty phục vụ mặt đất lập biên bản ghi nhận 1.346 trường hợp hành lý rách, vỡ trên hầm hành lý máy bay, khu vực băng chuyền.

Sân bay Tân Sơn Nhất nguy cơ đóng cửa vì ngập nặng

Khu vực sân đỗ tàu bay và Đài Chỉ huy cũ của sân bayTân Sơn Nhất bị ngập cục bộ, có thể gây hậu quả nghiêm trọng do trạm phát điện hư hỏng.

Ngày 16/10, ông Phạm Vũ Cường, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất (TP HCM), cho biết sau các cơn mưa lớn ngày 15, 16/8 và 9/10, sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập cục bộ, sâu khoảng 20 cm. Nước mưa không thoát kịp và tràn vào khu vực đặt máy phát điện trạm nguồn của Đài Chỉ huy, đến nay vẫn chưa được khắc phục.
San bay Tan Son Nhat nguy co dong cua vi ngap nang
Ngập đang đe dọa sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh chụp Đài Kiểm soát không lưu tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 9/10).
Theo ông Cường, sự cố này có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng, toàn bộ hệ thống điều hành bay tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất của Đài Chỉ huy không hoạt động được. “Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ phải đóng cửa sân bay nếu trạm phát điện nguồn của Đài Chỉ huy bị hư hỏng”, ông Cường nói.
Lãnh đạo Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các mương thoát nước xung quanh sân bay đang bị ách tắc dòng chảy nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Cụ thể, mương thoát nước A41 từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Cộng Hòa (phường 14, quận Tân Bình) gồm 2 nhánh là Cộng Hòa 1 và Cộng Hòa 2 có nhiều vị trí bị lấn chiếm, xâm phạm hành lang kênh rạch. Điển hình là khu vực CLB Hàng không với đường Phan Thúc Duyện và đường Giải Phóng, nhiều vị trí lòng mương bị lấn chiếm, chỉ còn 1/2 diện tích so với thiết kế ban đầu. Chưa kể, tình trạng xả rác xuống lòng mương ở khu vực này cũng diễn ra thường xuyên, gây ách tắc dòng chảy tại các vị trí cống ngang.
“Các nhánh mương này giúp tiêu thoát cho khoảng 50% lượng nước ở khu vực đỗ tàu bay và đã được thống nhất trong công tác nạo vét do địa phương thực hiện. Tuy nhiên, từ lâu nay, quận Tân Bình và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP không thực hiện thường xuyên việc nạo vét dẫn đến tình trạng tắc dòng chảy tại các mương thoát nước này” - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nêu.
Trước thực trạng trên, ngày 13/10, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã gửi công văn cầu cứu đến các cơ quan liên quan, trong đó có Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 16/10, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết trung tâm này chưa nhận được thông tin cụ thể về vụ việc. Theo ông, liên quan đến vụ việc này có thể do một đơn vị khác quản lý. “Do chưa nhận được thông tin, văn bản liên quan nên trung tâm chưa đưa ra được giải pháp khắc phục” - ông Long nói.
Những biện pháp tạm thời
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp chỉ đạo việc giải tỏa những khu vực xây dựng lấn chiếm hai bờ kênh rạch, đặc biệt là các vị trí thượng nguồn, đồng thời thực hiện nhanh công tác duy tu, nạo vét để khơi thông dòng chảy tuyến mương A41, bảo đảm tiêu thoát nước cho khu vực ngập trong Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp tạm thời như dùng bao cát, bạt ni-lông... để ngăn nước chảy ra phạm vi rộng hơn, ảnh hưởng đến trạm phát điện nguồn. Nếu sự cố xảy ra, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải đóng cửa thì khi đó hậu quả rất nghiêm trọng” - lãnh đạo Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nhấn mạnh.

Tin mới