Công ty cổ phần Tập đoàn Vivatex Việt Nam là doanh nghiệp có tên trong danh sách được Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội công bố các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… từ 1 tháng trở lên trên địa bàn tháng 10/2024 (số liệu tính đến hết ngày 31/10/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/11/2024).
Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Vivatex Việt Nam có số tháng đóng chậm BHXH là 41 tháng, với số tiền hơn 684 triệu đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Vivatex Việt Nam tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Vivatex Việt Nam. |
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Tập đoàn Vivatex Việt Nam tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Vivatex Việt Nam, được thành lập ngày 4/3/2014. Địa chỉ trụ sở chính tại xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Tổng giám đốc kiêm người theo đại diện pháp luật của công ty là bà Nguyễn Thị Thuý, sinh năm 1987.
Theo VietnamFinance, vốn điều lệ của Tập đoàn Vivatex Việt Nam là 6 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập có 3 người, gồm: Nguyễn Thị Thuý góp 3,06 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 51% vốn điều lệ); trong khi đó, hai cổ đông Nguyễn Đình Chiến và Tạ Thị Diễm không được đề cập về vốn góp.
Tháng 10/2017, công ty tăng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Cổ đông vẫn là 3 cái tên nêu trên. Trong đó, Nguyễn Thị Thuý góp 15,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 51% vốn điều lệ); còn hai cổ đông Nguyễn Đình Chiến và Tạ Thị Diễm không được đề cập về vốn góp. Đồng thời, công ty cũng đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Vivatex Việt Nam.
Đến tháng 2/2024, người đại diện theo pháp luật của công ty được chuyển từ Nguyễn Thị Thuý sang Phạm Quốc Chiến, sinh năm 1987, chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty. Tổng số lao động theo đăng ký thuế là 15 người.
Vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật BHXH 2024 cũng đã bổ sung quy định xử lý tình trạng này.
Theo đó, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Theo Luật BHXH 2024, biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH gồm: Bắt buộc đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Riêng đối với hành vi trốn đóng BHXH còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.