Trong một báo cáo gần đây, Nghị sĩ Quốc Dân Đảng (Đài Loan) Lâm Úc Phương cho rằng, Trung Quốc đã điều tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-16 tới vùng duyên hải đối diện Đài Loan.
Trước đó, báo chí quốc tế đã từng đưa tin việc Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo DF-16 tới duyên hải Đông Nam nhằm ứng phó với tình hình căng thẳng ở Điếu Ngư/Senkaku.
Theo ông Lâm, căn cứ tên lửa DF-16 đặt tại Kỳ Môn (thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy). Nhưng Quân đoàn Pháo binh số 2 đã triển khai tên lửa DF-16 tới khu vực ở bờ biển Đông Nam Trung Quốc.
“Việc di chuyển tên lửa đặt ra các mối đe dọa đặc biệt đối với an ninh Đài Loan khi tầm bắn của nó là 1.000 km cũng như độ chính xác cao mà nó sở hữu”, ông Lâm nói.
Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Đài Loan (NSB) Thái Đức Thắng thừa nhận, tên lửa đạn đạo DF-16 đã được điều tới duyên hải Đông Nam. Và NSB đang theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển cũng như triển khai loại vũ khí này của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Thái cũng đưa ra tuyên bố mang tính trấn an rằng, có thể việc di chuyển DF-16 chỉ nhằm mục đích đào tạo, huấn luyện. Hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng để chứng minh loại tên lửa này được triển khai lâu dài trong khu vực ven biển phía Đông Nam của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-16 đang làm Đài Loan "thấp thỏm, lo âu". |
Theo các nguồn tin quân sự, tên lửa DF-16 được cho là có sức mạnh hủy diệt và tầm bắn xa hơn đáng kể so với các loại tên lửa tầm trung khác mà Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào Đài Loan.
Trong một diễn biến khác, đề cập đến kế hoạch phát triển tàu sân bay của Trung Quốc, Cục trưởng Thái nhấn mạnh, tàu sân bay Liêu Ninh (Hải quân Trung Quốc) đã trải qua 9 chuyến thử nghiệm biển xa.
Đồng thời, tiêm kích hạm trang bị cho tàu sân bay Trung Quốc đã hoàn thành các cuộc cất cánh và hạ cánh thử nghiệm. “Tuy nhiên, họ sẽ phải mất thêm 3-4 năm nữa để xây dựng nhóm tác chiến cho tàu sân bay Liên Ninh”, ông Thái nhấn mạnh.
Ngoài ra, trả lời mối quan khoăn, liệu Trung Quốc có thể chế tạo tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân hay không. Cục trưởng Thái cho rằng, ông không loại trừ khả năng đó.
"Thực tế, Trung Quốc có một kế hoạch như vậy", ông Thái nói. Đồng thời ông này nói thêm rằng, Bắc Kinh có thể hiện thực hóa kế hoạch trên hay không còn phụ thuộc vào sự phát triển và trưởng thành trên lĩnh vực công nghệ của họ.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: