Tên lửa hành trình Ưng kích YJ-62 của Trung Quốc khoe sức mạnh vượt trội
Kênh truyền hình CCTV7 của Trung Quốc vừa đăng tải thông tin về hoạt động huấn luyện của quân đội nước này với tên lửa hành trình YJ-62 (Ưng kích 62).
Theo Việt Dũng/Anninhthudo.vn
Xem toàn bộ ảnh
Theo đó, tên lửa hành trình YJ-62 đã được đưa đến Bán đảo Sơn Đông, trong khu vực chịu trách nhiệm của Hạm đội Bắc Hải để tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật.
Đáng chú ý là trước đó Trung Quốc chủ yếu triển khai tên lửa chống hạm YJ-62 nhằm tạo ra khu vực chống tiếp cận/xâm nhập khu vực (A2/AD) trong trường hợp nổ ra chiến sự.
Mặc dù vậy, hiện tại Hải quân Trung Quốc đã đưa tên lửa chống hạm siêu âm YJ-12 và YJ-18 tiên tiến hơn vào biên chế, vì vậy có thể YJ-62 được đẩy sang lực lượng dự bị và triển khai tại địa điểm kém quan trọng hơn.
YJ-62 (bản xuất khẩu gọi bằng cái tên C602) là tên lửa chống hạm tầm xa tốc độ cận âm do Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) nghiên cứu chế tạo, chính thức được giới thiệu vào năm 2005.
Tên lửa YJ-62 có chiều dài 6,1 m; đường kính thân 0,54 m; trọng lượng phóng 1,24 tấn; tầm bắn tối đa 400 km; tốc độ hành trình Mach 0,6 và lên tới Mach 0,8 khi bước vào giai đoạn công kích với độ cao bay 7 - 10 m; mang theo đầu đạn nặng 210 kg.
Ưng kích 62 sử dụng cơ chế dẫn đường kết hợp giữa chế độ bay quán tính có tham chiếu qua hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu trong giai đoạn đầu, đến khi tiếp cận mục tiêu nó sẽ kích hoạt radar chủ động đặt trên tên lửa.
Đối với biến thể xuất khẩu C602, tầm bắn bị rút ngắn xuống còn 290 km để không vi phạm Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa - MTCR. Bên cạnh đó, còn có phiên bản tên lửa hành trình tấn công mặt đất mang định danh CM-602G lắp đầu đạn trọng lượng 400 kg.
Mặc dù thông số lý thuyết được Trung Quốc công bố khá ấn tượng, tuy nhiên tên lửa chống hạm YJ-62 lại bị nhận xét là một bản thiết kế không thành công, thậm chí còn tồn tại đầy khiếm khuyết.
Có thể kể ra đây như kích thước của tên lửa khá lớn nhưng tốc độ bay quá chậm, hơn nữa độ cao hành trình khi tiếp cận mục tiêu chưa đạt yêu cầu khi thông số này lớn gấp đôi các loại tên lửa chống hạm cận âm khác như Uran, Exocet hay Harpoon.
Nhược điểm trên bị đánh giá là không thể sửa chữa do cấu trúc của tên lửa đã đạt trạng thái "tới hạn", khiến YJ-62 rất dễ bị chiến hạm đối phương trang bị hệ thống phòng không tối tân phát hiện từ xa rồi tổ chức đánh chặn.
Thậm chí tên lửa chống hạm YJ-62 còn bị xem như đối tượng lý tưởng cho các hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) như Phalanx hay Goalkeeper của phương Tây "tập bắn".
Trước tình hình trên, Hải quân Trung Quốc đã lên kế hoạch sớm loại biên toàn bộ các tên lửa YJ-62, cả phiên bản trang bị cho tàu chiến lẫn biến thể triển khai từ đất liền, bất chấp việc tuổi đời của vũ khí này vẫn còn “khá trẻ”.