Hệ thống phòng không S-300 của Trung Quốc. Nguồn Sina |
Trung Quốc “loay hoay” với mẫu tên lửa SAM-2 của Liên Xô
Vào đầu thập niên 1990, cuộc tấn công của lực lượng liên quân đa quốc gia do Mỹ đứng đầu trong Chiến tranh vùng Vịnh, quân đội Trung Quốc đã nhận ra thế nào là “chiến tranh hiện đại”.
Vào thời điểm đó, Iraq không chỉ được trang bị tên lửa phòng không SAM-2 và SAM-3 mà còn được trang bị hệ thống tên lửa phòng không SAM-6 tiên tiến hơn, mức độ trang bị mạnh hơn rất nhiều so với quân đội Trung Quốc.
Nhưng khi đó, xương sống của lực lượng phòng không Trung Quốc vẫn là tổ hợp tên lửa phòng không Hồng Kỳ-2 (bản sao chép mẫu SAM-2 của Liên Xô), nên năng lực phòng không của Trung Quốc tụt hậu đáng kể so với thế giới, không đáp ứng với nhiệm vụ phòng không hiện đại.
Lính Trung Quốc thao tác tên lửa phòng không Hồng Kỳ-2 (SAM-2). Nguồn Sina |
Mặc dù là quốc gia đầu tiên trên thế giới bắn hạ máy bay trinh sát tầm cao U-2 bằng tên lửa phòng không SAM-2, nhưng cho đến khi Chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ vào những năm 1990, lực lượng phòng không chủ lực của quân đội Trung Quốc vẫn là tên lửa phòng không Hồng Kỳ-2 và phiên bản Hồng Kỳ-2 cải tiến.
Trên thực tế, sau khi “nhái” thành công Hồng Kỳ-1 và Hồng Kỳ-2, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều nguồn lực phát triển các hệ thống phòng không mới. Các hệ thống tên lửa như Hồng Kỳ-3 và Hồng Kỳ-5 dựa trên mẫu Hồng Kỳ-2, nhưng đều không thành công.
Trung Quốc cũng phát triển Hồng Kỳ-4 và Hồng Kỳ-8, nhưng thực tế Trung Quốc chưa nắm vững được công nghệ nguồn, nên các dự án này cũng lần lượt bị dừng lại. Vì vậy, hệ thống tên lửa phòng không SAM-2 đáng lẽ được đưa vào viện bảo tàng, nhưng vẫn là vũ khí phòng không chủ lực của Trung Quốc đến đầu thập niên 2000.
Một trận địa tên lửa phòng không Hồng Kỳ-2 (SAM-2) của Trung Quốc. Nguồn Sina |
Mãi đến năm 1984, việc Mỹ đưa tên lửa phòng không Patriot và Liên Xô đưa S-300 thuộc thế hệ ba vào biên chế, khiến lãnh đạo Trung Quốc lệnh quyết tâm phát triển mẫu tên lửa phòng không thế hệ thứ ba.
Năm 1985, Quân đội Trung Quốc đã quyết định sử dụng Patriot làm “hình mẫu” để phát triển tên lửa phòng không thế hệ thứ ba, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo Scud. Dự án do Viện Nghiên cứu khoa học và công nghiệp số hai phụ trách và dự án được đặt tên là “Dự án số 9”.
Tuy nhiên quyết tâm của Trung Quốc thì cao, nhưng họ vẫn “loay hoay tại chỗ”; vì trên thực tế, khả năng sáng tạo của các chuyên gia Trung Quốc khi đó rất hạn chế.
Trong khi đó, mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang ở thời kỳ “trăng mật”, tuy nhiên những công nghệ quốc phòng hiện đại của phương Tây, thì Trung Quốc không bao giờ có thể chạm tới.
Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ mà Trung Quốc không bao giờ với tới. Nguồn Sina |
Hệ thống phòng không S-300 có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?
Dịp may lại đến với Trung Quốc, đó là vào cuối thập niên 1980, quan hệ Trung-Xô đã được cải thiện; sau gần 30 năm, Trung Quốc lại nhận công nghệ quốc phòng của Liên Xô, trong đó có chiến đấu cơ Su-27 và tên lửa phòng không S-300.
Năm 1991, Trung Quốc đưa vào trang bị hai tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300 và được bố trí bảo vệ thủ đô Bắc Kinh. Sau khi đưa S-300 vào sử dụng, lãnh đạo quân đội Trung Quốc đánh giá đặc biệt cao, đặc biệt là radar Big Bird.
Tiếp sau đó, Quân đội Trung Quốc đưa vào trang bị theo đợt 14 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300, với tổng trị giá gần 3 tỷ USD. Các tổ hợp tên lửa phòng không này đã được triển khai tại các thành phố quan trọng như Bắc Kinh, Thượng Hải và khu vực eo biển Đài Loan.
Một hệ thống phòng không S-300 của Trung Quốc bảo vệ thủ đô Bắc Kinh. Nguồn Sina |
Có thể nói, việc Trung Quốc mua được của Liên Xô (sau này là Nga) các hệ thống tên lửa phòng không S-300, đã giúp cải thiện rất lớn khả năng phòng không quốc gia của Trung Quốc, và đưa Trung Quốc bước vào kỷ nguyên “phòng không khu vực”.
Nhưng quan trọng hơn, việc sở hữu S-300 cũng “cung cấp ý tưởng” cho Trung Quốc phát triển hệ thống tên lửa phòng không nội địa. Sau hơn 30 năm “giậm chân” tại chỗ với Hồng Kỳ-2, S-300 đã giúp Trung Quốc rút ngắn thời gian để phát triển thế hệ tên lửa phòng không mới, đầu tiên đó là mẫu Hồng Kỳ-9.
Hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ-9, một sản phẩm sao chép từ S-300 của Liên Xô/Nga. Nguồn Sina |
Nhìn bề ngoài, Hồng Kỳ-9 và S-300 có nhiều điểm giống nhau về ngoại hình; tuy nhiên một số hệ thống của Hồng Kỳ-9, đã có sự pha trộn với ý tưởng từ hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.
Sau khi Trung Quốc sở hữu S-300, nhóm nghiên cứu và phát triển Hồng Kỳ-9 đã nghiên cứu kỹ lưỡng các thiết kế khác nhau của tên lửa S-300, từ đó thực hiện một số cải tiến lớn cho Hồng Kỳ-9.
Như vậy dự án Hồng Kỳ-9 bắt đầu từ năm 1985, được hoàn thiện vào năm 2005 và được đưa vào biên chế Quân đội Trung Quốc năm 2006 với các phiên bản lục quân và hải quân.
Hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ-9, một sản phẩm sao chép từ S-300 của Liên Xô/Nga. Nguồn Sina |
Sau đó, trên cơ sở Hồng Kỳ-9, Trung Quốc đã cho ra đời phiên bản Hồng Kỳ-9B cải tiến; so với S-300, tính năng của Hồng Kỳ-9B mới đã được cải thiện rất nhiều.
Trên cơ sở S-300, các kỹ sư Trung Quốc đã phát triển các phiên bản phòng không mới như Hồng Kỳ-16 và Hồng Kỳ-12 với các tầm bắn khác nhau.
Tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2022, Hồng Kỳ-9 đã trưng bày một phiên bản tên lửa phòng không nhỏ hơn, bệ phóng với 4 ống phóng ban đầu đã trở thành 4 bệ phóng kép (8 đạn tên lửa).
Hệ thống tên lửa phòng không nâng cấp Hồng Kỳ-9B. Nguồn Sina |
Tuy nhiên khi kích thước đạn tên lửa nhỏ hơn sẽ dẫn đến tầm bắn bị rút ngắn và chiều cao phòng không cũng sẽ giảm; nhưng bù lại, số lượng tên lửa đã tăng gấp đôi, điều đó có nghĩa là hệ thống Hồng Kỳ-9 linh hoạt hơn, có thể đối phó với nhiều mục tiêu hơn.
Gần đây, trên Internet cũng xuất hiện những bức ảnh cho thấy Hồng Kỳ-9 phóng hai loại đạn tên lửa phòng không cùng lúc; điều này cho thấy cấu hình của Hồng Kỳ-9 linh hoạt hơn và tính đa dạng trên chiến trường cũng mạnh hơn.
Hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ-9, một sản phẩm sao chép từ S-300 của Liên Xô/Nga. Nguồn Sina |
Đánh giá chung, hệ thống phòng không S-300 của Liên Xô/Nga đã đóng một vai trò rất quan trọng, là nền móng trong quá trình phát triển hệ thống phòng không thế hệ thứ ba Hồng Kỳ-9 nói riêng và các hệ thống phòng không hiện đại của Trung Quốc nói chung.
S-300 vừa giải quyết được nhu cầu cấp thiết về hiện đại hóa hệ thống phòng không của Trung Quốc đã bị lạc hậu. Nhưng quan trọng hơn, S-300 là mẫu tên lửa để Trung Quốc sao chép và phát triển các hệ thống phòng không mới. Và cái giá 3 tỷ USD là quá rẻ, để Trung Quốc sở hữu được công nghệ tên lửa phòng không quan trọng như vậy.