Tên lửa siêu âm DF-17 của Trung Quốc liệu có đủ để dọa Mỹ?
Trung Quốc đang bố trí tên lửa siêu thanh DF-17 mới nhất của họ, đến bờ biển phía Đông Nam, gần eo biển Đài Loan; như một phần của động thái "răn đe" với những hành động của Mỹ trong thời gian gần đây.
Tiến Minh
Xem toàn bộ ảnh
Trở ngại lớn nhất của Hải quân Trung Quốc trên con đường "ra biển lớn" chính là các tàu chiến của Hải quân Mỹ. Để có thể khắc phục được chướng ngại vật này, Trung Quốc đang rất cần một loại vũ khí mang tính chiến lược, có thể thực sự đả bại tàu chiến Mỹ chỉ sau một loạt bắn.
Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết: Một hành động được cho là có tính "răn đe", đó là Trung Quốc triển khai tên lửa siêu thanh DF-17 tiên tiến nhất của họ, dọc theo bờ biển Đông Nam của Trung Quốc, với mục đích có thể là một tín hiệu chuẩn bị cho nỗ lực thống nhất với Đài Loan, bằng vũ lực.
Trong một bài báo trên tờ Hoàn Cầu (phụ san của tờ Nhân Dân Nhật báo, do chính phủ Trung Quốc cấp kinh phí) cho biết, loại vũ khí siêu thanh DF-17, sẽ nhằm ngăn chặn “những kẻ xâm nhập nước ngoài” đang tìm cách can thiệp và ngăn chặn công cuộc thống nhất Đài Loan của Trung Quốc.
Tên lửa DF-17 không được sử dụng cho các mục tiêu ở Đài Loan, vì khoảng cách gần giữa hòn đảo và đất liền tương đối gần; để tiến công các mục tiêu trên đảo Đài Loan, Trung Quốc có nhiều tên lửa đạn đạo có tầm bắn phù hợp và máy bay chiến đấu như J-10/11/15/16/20 và Su-27/30/35 đông đảo của Không quân Trung Quốc, sẽ hiệu quả hơn.
Theo phán đoán của SCMP, loại tên lửa tiên tiến như DF-17, nếu được triển khai, nhằm mục đích nhắm vào những "kẻ thù mạnh hơn", cố gắng can thiệp vào vấn đề Đài Loan trong quá trình hoạt động của PLA, chứ không phải mục tiêu trên đảo Đài Loan.
Tờ Hoàn Cầu thì nói thẳng, các bệ phóng tên lửa và tên lửa phóng từ trên không của Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận đảo Đài Loan; còn vũ khí siêu thanh nước này có thể sử dụng chống lại các đối thủ "quyền lực lớn", có khả năng bảo vệ đảo Đài Loan, chẳng hạn như Mỹ.
"Nếu PLA triển khai các tên lửa như DF-17, đó sẽ là vũ khí để tấn công các căn cứ quân sự, hoặc hạm đội của lực lượng quân sự nước ngoài, ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nếu "lực lượng nước ngoài" đó dám can thiệp, vào hoạt động thống nhất hòn đảo của PLA". Thời báo Hoàn Cầu, trích lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc đăng tải.
Hiện chưa bao giờ niềm tin về Trung Quốc có năng lực "ngang bằng" hoặc thậm chí là "vượt" các đối thủ trong dân chúng Trung Quốc lại lớn như hiện nay; thậm chí các nhà lãnh đạo Quân đội Trung Quốc tin rằng, họ hiện đang có lợi thế hơn so với các lực lượng của Mỹ. Ví dụ, Trung Quốc hiện có lực lượng Hải quân lớn hơn Mỹ và có lợi thế trong lĩnh vực vũ khí chống vệ tinh và siêu thanh?
Tuy nhiên một "niềm tin như vậy" được SCMP ví như "một cửa sổ" đang mở; nếu nó còn tồn tại, thì cũng đang nhanh chóng đóng lại. Mỹ đã phát triển và đang thử nghiệm thành công một số vũ khí siêu thanh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vài năm tới.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng đang nhanh chóng lên kế hoạch đẩy nhanh sự mở rộng lực lượng Hải quân, thậm chí có khả năng xây dựng Hải quân 500 tàu; những nỗ lực trên là bước tiếp theo, trong chiến lược hiện thực hóa hạm đội tương lai của Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ đang bổ sung một số lượng lớn vệ tinh Quỹ đạo Trái đất thấp, có tốc độ nhanh hơn, độ cao thấp hơn và được kết nối mạng tốt, để làm lực lượng dự phòng. Những vệ tinh này có khả năng tìm kiếm mục tiêu mặt đất nhanh hơn và là bước chuẩn bị cho cuộc chiến không gian, với hệ thống phòng thủ ASAT mạnh mẽ hơn.
Như vậy việc triển khai các tên lửa siêu thanh ở những vị trí chiến lược này của Trung Quốc, có thể chỉ hiểu đơn giản là một hành động "nắn gân", nhằm kiểm tra mức độ phản ứng của Mỹ ra sao, nếu Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự lên đảo Đài Loan?
Ngoài ra, việc triển khai tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc, cũng có thể là một cuộc chiến tranh tâm lý, để cho Mỹ thấy rằng, DF-17 là loại vũ khí tiến công, mà hiện tại Mỹ chưa có khả năng đánh chặn. Đây cũng được coi như một phần của nỗ lực nhằm "răn đe" hoặc "đe dọa" Mỹ thông qua phô trương vũ lực.
Trong những ngày qua, Trung Quốc đưa gần 30 máy bay quân sự các loại tuần tra trên eo biển Đài Loan. Chỉ vài ngày sau các động thái "nắn gân" của Trung Quốc, một nhóm tàu sân bay gồm hàng không mẫu hạm USS Roosevelt và các tàu khu trục hộ tống đã tiến vào Biển Đông. Nguồn ảnh: Pinterest.