Tên lửa siêu thanh Zircon chính thức lộ diện trên tàu chiến Nga
Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên tiết lộ những gì có vẻ là thiết kế thực của tên lửa hành trình siêu thanh Zircon trong cuộc tập trận hải quân ở Địa Trung Hải; nó có khác gì với miêu tả trước kia?
Tiến Minh (Theo Bulgarian Military)
Xem toàn bộ ảnh
Đoạn video được công bố vào ngày 3/12/2024 cho thấy hình ảnh “thoáng qua” về tên lửa Zircon đang hoạt động, đánh dấu sự thay đổi lớn so với các bản phác thảo khái niệm và hình ảnh suy đoán, vốn thống trị các cuộc thảo luận về loại vũ khí còn đang trong vòng bí mật tuyệt đối của Nga.
Cho đến nay, tất cả hình ảnh về Zircon đều là những “diễn giải nghệ thuật” của các photoshop hoặc phỏng đoán về hình dạng của nó. Ngay cả trên trang Wikipedia chính thức về 3M22 Zircon, vẫn không có hình ảnh xác minh nào được đưa ra.
Tiết lộ mới này cung cấp cái nhìn đầu tiên từ thế giới thực, về một tên lửa được giữ bí mật, làm tăng thêm sự tò mò cho một hệ thống vũ khí, được coi là nền tảng trong kho vũ khí siêu thanh của Nga. Hình ảnh cho thấy, tên lửa siêu thanh Zircon được phóng đi từ một bệ phóng trên tàu hải quân.
Trái với mọi phỏng đoán, tên lửa Zircon hình trụ thon gọn, cho thấy mục đích chính là giảm thiểu lực cản và tối đa hóa hiệu quả khí động học, yếu tố cần thiết để đạt được tốc độ siêu thanh trên Mach 5. Thiết kế của Zircon, phản ánh yêu cầu tên lửa bay ở tốc độ cực cao, với bề mặt nhẵn. Lớp phủ chịu nhiệt, giúp tên lửa chịu được nhiệt độ cao, sinh ra trong quá trình bay tốc độ cao, do ma sát với không khí.
Tuy nhiên, thiết kế này không chỉ là về tốc độ, hình dạng khí động học và phần nhô ra tối thiểu, cho thấy việc giảm tiết diện radar, khiến Zircon trở thành mục tiêu đầy thách thức đối với các hệ thống phòng thủ. Việc không có các cánh lái truyền thống cho thấy tên lửa có thể dựa vào các hệ thống dẫn đường tiên tiến, giúp điều khiển chính xác ngay cả ở tốc độ siêu thanh. Điều này sẽ cải thiện khả năng tránh bị đánh chặn, tăng cường tính sát thương khi tấn công các mục tiêu có giá trị cao.
Tên lửa Zircon được phóng đi từ hệ thống phóng thẳng đứng (VLS), một cấu hình tích hợp tên lửa Zircon với các tàu chiến hiện đại của Nga, như tàu khu trục lớp Đô đốc Gorshkov. Thiết kế này giúp triển khai tấn công nhanh chóng, linh hoạt vào cả mục tiêu trên mặt nước và trên bộ, chứng minh tính linh hoạt của Zircon.
Cấu hình phóng thẳng đứng cũng đơn giản hóa quá trình tích hợp trên nhiều loại tàu khác nhau, nghĩa là Zircon có thể được triển khai trên nhiều nền tảng phóng khác nhau, mà không cần sửa đổi đáng kể. Giúp nó có thể được phóng nhanh chóng và từ nhiều loại phương tiện khác nhau.
Về động cơ, Zircon sử dụng 2 hệ thống đẩy, động cơ tên lửa rắn để tăng tốc ban đầu và động cơ phản lực tĩnh siêu âm để duy trì tốc độ siêu thanh. Hệ thống đẩy hai tầng này mang lại cho Zircon tầm bắn và tốc độ vượt trội, giúp nó tấn công các mục tiêu ở xa với tốc độ đáng kinh ngạc, khiến hệ thống phòng thủ gần như không có thời gian để phản ứng.
Với tốc độ cao, mức độ phản xạ radar thấp, điều này không chỉ khiến đối phương khó phát hiện và đánh chặn hơn, mà còn mang lại cho Nga lợi thế đáng kể trong các cuộc tấn công bất ngờ, khi tầm bắn và tốc độ của tên lửa cho phép nó tấn công, trước khi hệ thống của đối phương kịp phản ứng.
Sự kết hợp giữa tốc độ, khả năng tàng hình và tính linh hoạt, đảm bảo rằng, Zircon có thể trở thành vũ khí cực kỳ hiệu quả trong chiến tranh hiện đại, có khả năng áp đảo cả hệ thống phòng thủ và quá trình ra quyết định của đối phương, bằng độ chính xác và tác động nhanh chóng.
Tên lửa 3M22 Zircon, còn được gọi là Tsirkon, là một trong những thành tựu được công bố rộng rãi nhất của Nga về vũ khí siêu thanh. Tên lửa này, được cho là có khả năng đạt tốc độ vượt quá Mach 8 và có khả năng là Mach 9. Zircon được thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng không truyền thống và thực hiện các cuộc tấn công tàn khốc vào các mục tiêu trên biển và trên bộ có giá trị cao.
Mặc dù thông tin chi tiết về khả năng kỹ thuật của Zircon vẫn còn là suy đoán, vì phần lớn thông tin xuất phát từ các tuyên bố chính thức của Nga và các cảnh quay thử nghiệm “thoáng qua”; nhưng nó đã thu hút được sự chú ý đáng kể trên toàn cầu, như một vũ khí có khả năng thay đổi cuộc chơi trong chiến tranh hiện đại.
Theo những gì đã được tiết lộ, Zircon là tên lửa hành trình siêu thanh chạy bằng động cơ scramjet. Động cơ của nó giúp tên lửa bay siêu thanh liên tục qua bầu khí quyển, tận dụng lực đẩy-hút không khí dòng thẳng để duy trì tốc độ cực đại, trong khi vẫn giữ được khả năng cơ động.
Thiết kế này phân biệt Zircon với các đầu đạn siêu thanh lướt, dựa vào quỹ đạo đạn đạo, trước khi quay trở lại bầu khí quyển. Tầm bắn được thông báo của Zircon lên tới 1.000 km, khiến nó trở thành một trong những tên lửa siêu thanh có tầm bắn xa nhất hiện được công khai, làm tăng đáng kể bán kính đe dọa đối với tàu hải quân và các mục tiêu cố định.
Hiện hệ thống nhắm mục tiêu của Zircon chưa rõ, nhưng có suy đoán rằng, tên lửa Zircon sử dụng kết hợp các hệ thống dẫn đường quán tính tiên tiến (INS), dẫn đường vệ tinh và có khả năng là một đầu dò radar chủ động, để nhắm mục tiêu ở giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, Zircon vẫn còn nhiều điều nghi vấn; nhiều nhà phân tích phương Tây tranh luận, liệu nó có thực sự đạt được tốc độ và phạm vi như quảng cáo hay không, trong khi vẫn duy trì được khả năng dẫn đường đáng tin cậy và hiệu quả đầu cuối?
Hơn nữa, số lượng tên lửa Zircon đang hoạt động trong kho vũ khí của Nga vẫn chưa rõ ràng, làm dấy lên nghi ngờ loại vũ khí này có phải là một vũ khí chiến lược, hay chỉ là vũ khí thông thường, được sử dụng rộng rãi? Tuy nhiên, cho đến khi có thông tin cụ thể hơn, phần lớn khả năng thực sự của Zircon vẫn còn được giữ kín, sau bức màn bí mật quân sự và thông điệp địa chính trị.
Nhưng có một điều rõ ràng đó là, tên lửa 3M22 Zircon dường như đang chuẩn bị trở thành một thành phần quan trọng trong chiến lược răn đe bất đối xứng của Nga. Khả năng xuyên thủng ngay cả những hệ thống đánh chặn hiện đại nhất của nó có thể thay đổi đáng kể chiến thuật hải quân, hay lục quân, buộc đối thủ phải đầu tư mạnh vào khả năng đánh chặn siêu thanh. (Nguồn ảnh: Bulgarian Military, Topwar, TASS).