Mối đe dọa của tên lửa vác vai di động (MANPADS) ở chiến trường Ukraine
Tư lệnh Lục quân Nga, tướng Oleg Salyukov, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 30/9 rằng, gần 1/3 máy bay chiến đấu Ukraine đã bị bắn hạ bằng tên lửa vác vai Igla-S và Verba.
“Trong trường hợp đột ngột xuất hiện các mục tiêu trên không ở độ cao thấp và cực thấp, tên lửa Igla và Verba đã chứng tỏ tính năng kỹ chiến thuật rất tốt, bắn hạ 1/3 số máy bay có người lái của Quân đội Ukraine”; ông Salyukov nói với Krasnaya Zvezda, tờ báo của Bộ Quốc phòng Nga.
Ngoài ra, tướng Salyukov cũng nhấn mạnh vai trò của các hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn, mà theo ông là rất cần thiết để chi viện cho bộ đội mặt đất của Nga trong Chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra ở Ukraine.
Đặc biệt, các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300V4, Buk-M2 (M3) và Tor-M2 (M2U) đã cho thấy hiệu quả cao nhất, theo Salyukov.
MANPADS Igla-S và được sử dụng để chống lại máy bay cánh quay và cố định bay thấp, UAV và tên lửa hành trình bay ở cự ly 500 đến 6.000 mét và độ cao từ 10 đến 3.500 km.
Đến thời điểm hiện tại, không có gì ngạc nhiên khi MANPADS là nguyên nhân dẫn đến hầu hết các vụ bắn hạ máy bay chiến đấu Ukraine của Nga. Ngay cả Quân đội Ukraine cũng đã sử dụng MANPADS ở mức độ lớn trong nỗ lực chống lại các máy bay chiến đấu của Nga.
Đáng chú ý, MANPADS Igla-S có xuất xứ từ Liên Xô cũng được quân đội Ukraine sử dụng và vào cuối tháng 9, khi Quân đội Ukraine bắn hạ một chiếc tiêm kích bom Su-34 của Không quân Nga, bằng chính tên lửa Igla.
Một phi công chiến đấu người Nga đã nghỉ hưu (yêu cầu giấu tên), thừa nhận tính hiệu quả của MANPADS mà Quân đội Ukraine sử dụng trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ EurAsian Times của Ấn Độ.
"Hầu hết các máy bay Su-35, Su-24 và Su-34 của chúng tôi đã bị bắn trúng khi bay ở độ cao thấp".
Do đó, kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2, hàng nghìn MANPADS thuộc các loại khác nhau, từ một số quốc gia đã được cung cấp cho Quân đội Ukraine. Ví dụ, chính phủ Mỹ đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 1.400 hệ thống phòng không MANPADS Stinger.
Tuy nhiên, những MANPADS này sẽ trở nên vô dụng, nếu không có các hệ thống phòng không tầm trung đến cao hơn, để buộc máy bay địch phải bay ở độ cao thấp hơn.
Ảnh: MANPADS Stinger mà Mỹ viện trợ cho Quân đội Ukraine. |
Tầm quan trọng của tên lửa đất đối không tầm cao
Như EurAsian Times đã đưa tin, các lực lượng phòng không tầm trung và tầm xa do Ukraine triển khai ở phía trước, như S-300 và Buk-M1, đang buộc các máy bay chiến đấu của Nga phải bay ở độ cao dưới 4.500 mét, ngay trong tầm bắn hiệu quả của MANPADS.
Do đó, Ukraine và Nga cần tên lửa đất đối không tầm cao để loại bỏ ưu thế trên không của nhau.
Theo lời của Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, Tướng James Hecker, “Chúng (S-300 & Buk-M1) rất khó bị phá hủy và thực sự là như vậy. Với máy bay tàng hình thế hệ thứ năm và lực lượng không quân mạnh hơn, nhưng chúng tôi cũng sẽ rất khó để đánh trúng chúng”.
Ảnh: Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, Tướng James Hecker. |
Theo tướng Hecker, Quân đội Nga đã gặp khó khăn trong nỗ lực tập trung để phá hủy các hệ thống phòng không của Ukraine ngay từ đầu cuộc xung đột. “Đó sẽ là nhiệm vụ ưu tiên của chúng tôi”, Hecker phát biểu trong hội nghị hàng năm của lực lượng Không quân NATO vào tháng 9.
Trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, một trong những yêu cầu lớn nhất của Ukraine là bổ sung cho Ukraine thêm tên lửa S-300 và Buk-M1.
Ảnh: Hệ thống phòng không tầm trung Buk-M1 của Ukraine. |
Ukraine đang cạn nguồn dự trữ tên lửa S-300?
Số lượng tên lửa đất đối không (SAM) tồn kho tầm xa của Ukraine dường như đang cạn dần; điều này có thể gây ra một vấn đề đe dọa lớn đối với quân đội Ukraine.
Vào tháng 3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quốc hội Mỹ để mua thêm các hệ thống S-300, nhấn mạnh tầm quan trọng của nó và có thể chỉ ra rằng quân đội Ukraine có thể bị thiếu hụt nghiêm trọng các tổ hợp SAM tầm xa.
Theo số liệu mới nhất do trang theo dõi quân sự Oryx tổng hợp dựa trên các xác nhận trực quan, Quân đội Ukraine dường như đã mất khoảng 24 bệ phóng S-300 và sáu xe phóng Buk-M1 sau hơn sáu tháng tham chiến.
Con số thiệt hại thực tế có thể cao hơn; tuy nhiên, việc các hệ thống phòng không của Ukraine bị tổn thất và hao hụt, đặc biệt là hệ thống S-300 tầm xa, có thể là mối quan tâm lớn đối với các quan chức ở Kiev.
Theo những thông tin trước đây của EurAsian Times, Ukraine đang hao hụt tên lửa S-300 với tốc độ ít nhất là 3 hoặc 4 quả mỗi tuần.
Ảnh: Hệ thống phòng không tầm xa S-300 của Ukraine. |
Nga tung UAV của Iran để tiêu diệt hệ thống S-300 của Ukraine
Nếu Ukraine đang cạn nguồn S-300 thì ngược lại, Nga hiện có một kho dự trữ khổng lồ tên lửa S-300 cũ từ thời Liên Xô; thậm chí có nguồn tin cho rằng Quân đội Nga đã sử dụng tên lửa S-300 cho các cuộc tấn công mặt đất .
Tổng cục trưởng Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine ước tính rằng, Nga vẫn còn khoảng 7.000 tên lửa cũ như vậy, có thể chiến đấu trong 3 năm nữa nếu lượng tiêu thụ với tốc độ hiện tại ở Ukraine.
Theo tình báo Ukraine, cho đến nay, Nga đã bắn hơn 500 tên lửa S-300 ở Ukraine.
Ngoài ra, vì bệ phóng của những tên lửa này thường rất gần mục tiêu, nên có rất ít thời gian để phòng không đối phương kịp phản ứng với chúng.
Hơn nữa, quân đội Nga gần đây đã nghĩ ra một cách khác để đối phó với các hệ thống tên lửa phòng không tầm cao của Ukraine, đó là sử dụng UAV do Iran sản xuất.
Ảnh: UAV tự sát Shahed-136 của Iran. |
UAV do Iran sản xuất cung cấp cho Nga một giải pháp thay thế hiệu quả và tiết kiệm cho các máy bay có người lái cũng như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo quý giá và đắt tiền.
Quân đội Nga có thể sử dụng UAV ở những khu vực mà máy bay có người lái của họ không thể hoạt động hoặc những khu vực gặp rủi ro cao.
Ngoài ra, nếu được sử dụng với số lượng lớn, những loại UAV như Shahed-136 do Iran sản xuất, có thể áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine, đặc biệt là số tên lửa phòng không tầm cao quý giá của nước này.
Ảnh: UAV tự sát Shahed-136 của Iran. |
Những giải pháp khắc phục của Ukraine
Quân đội Ukraine dường như đã tìm ra cách giải quyết vấn đề khi số lượng tên lửa tầm cao của họ giảm rõ rệt mà chưa có nguồn bổ sung.
Các thông tin gần đây từ Ukraine cho thấy, lực lượng Ukraine đang sử dụng tên lửa phòng không tầm ngắn 9K33 Osa từ thời Liên Xô kết hợp với hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard do Đức cung cấp.
Ảnh: Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn 9K33 Osa. |
Osa AK là một hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm ngắn, có tính cơ động cao; được tích hợp với các radar tương tác và dẫn đường bằng hệ thống quang điện. Osa AK có tầm bắn hiệu quả tối đa 14 km và độ cao phòng không khoảng 13 km.
Trong khi Gepard là loại pháo tự hành hoạt động trong mọi thời tiết, được trang bị hai khẩu pháo tự động Oerlikon KDA 35 mm, mỗi khẩu có thể bắn đạn đường kính 35 mm với tốc độ 550 phát/phút; tầm bắn hiệu quả từ 100 đến 4.000 mét. Ngoài ra, nó còn có hai radar có thể xác định mục tiêu ở khoảng cách lên tới 15 km.
Ảnh: Pháo phòng không tự hành Gepard của Đức. |
Hai hệ thống vũ khí trên sẽ bổ sung khả năng cho nhau. Theo David Axe, một nhà bình luận quân sự người Mỹ, Osa có thể được sử dụng để thực hiện cú đánh đầu tiên và pháo của Gepard bắn sau; như vậy có thể tiêu diệt bất kỳ vật thể bay nào trong phạm vi sát thương của chúng.