Thịt vịt là món không thể thiếu trên mâm cơm Tết Đoan Ngọ của người dân nhiều tỉnh miền Trung. Ngoài cách chế biến phổ biến là luộc, quay, thịt vịt có thể chế thành “ngàn lẻ một” món ngon khác, càng ăn càng cuốn.
Định Tâm (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Bình thường, nhiều người tránh ăn vịt vào một vài ngày đầu tháng bởi họ quan niệm ăn thịt vịt vào thời gian này sẽ đen đủi, từ đó công việc làm ăn không thuận lợi. Vậy nhưng, thịt vịt lại là món không thể thiếu trên mâm cơm người dân nhiều tỉnh miền Trung trong dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch), lựa chọn này là có nguyên nhân. (Ảnh minh họa)
Theo đó, vịt trong tiếng Hán là “áp”, đồng âm với từ “áp” trong từ “trấn áp” sự xâm nhập của bệnh tật, tà khí. Người dân ăn thịt vịt với mong muốn sẽ mang lại hiệu quả trấn áp bệnh tật, tà khí.
Một lý do khác là thịt vịt rất bổ dưỡng, tính mát. Tết Đoan Ngọ khí trời nóng nực thuộc tiết Đại Thử, ăn các món mát chế biến từ vịt sẽ có tác dụng cân bằng nhiệt, bồi bổ cơ thể.
Trong bữa cơm của người dân nhiều tỉnh miền Trung dịp Tết Đoan Ngọ, vịt quay và vịt luộc chấm mắm gừng là món phổ biến nhất. Ngoài cách chế biến này, vịt còn có thể chế biến thành “ngàn lẻ một” món ngon khác.
Đang thời thu hoạch sấu, vịt om sấu là món rất đáng thử. Ngoài yếu tố nguyên liệu dễ kiếm, tươi ngon, vịt om sấu còn đạt “điểm cộng” nhờ vị vịt béo ngậy, mềm thơm xen vị chua chua thanh thanh. Đặc biệt, những ngày hè thời tiết oi bức thì vịt om sấu vừa thơm ngon, vừa giúp giải nhiệt hiệu quả.
Bún măng vịt cũng là món rất hợp cho bữa sáng dịp Tết Đoan Ngọ. Thời điểm này măng đang thu hoạch rộ, nguyên liệu tươi ngon sẽ giúp món ăn có vị đậm đà, giòn của măng, ngọt từ thịt.
Đang mùa măng, bạn có thể trổ tài nấu măng nhồi thịt vịt chiêu đãi cả nhà. Sự kết hợp hài hòa giữa các gia vị sẽ mang tới người dùng cảm giác cả thế giới ẩm thực hòa quyện trong món ăn.
Vịt rô ti nước dừa rất hấp dẫn và đưa cơm, cách làm cũng không quá phức tạp. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận mùi thơm, ngon ngọt từ thịt vịt và nước sốt dừa.
Cháo vịt ăn sáng là ý tưởng không tồi. Ngoài đầy đủ dưỡng chất, cháo vịt còn dễ nấu. Còn gì tuyệt vời hơn bữa sáng với phần cháo nóng hổi ăn cùng thịt vịt dai dai chấm mắm chua ngọt.
Gỏi vịt thanh mát chứa đựng hương vị đậm đà, dễ dàng thuyết phục thực khách. Sau khi luộc vịt, trộn gỏi, món ăn sẽ có vị giòn sựt của các loại rau như bắp cải, hành tây, chua chua ngọt ngọt, đậm đà của từng thớ vịt ngấm vị.
Vịt om bia là món khá lạ song rất đáng ăn. Bia không chỉ giúp khử mùi tanh của vịt mà còn giúp vịt mềm, đậm hơn nhiều. Chỉ cần ăn một miếng thịt vịt dai mềm, thấm đượm vị bia, cay cay nồng nồng, bạn khó có thể ngừng gắp.
Canh vịt khoai sọ tạo sự khác biệt bởi thịt vịt được ninh nhừ, kết hợp với khoai sọ bùi bùi như tan trong miệng.
Vịt nấu giả cầy thích hợp cho những buổi chiều sau cơn mưa nặng hạt. Cùng với các nguyên liệu như thịt lợn, ngan, vịt, gừng, riềng, tỏi,... vịt giả cầy sẽ có chút lạ miệng cho bữa cơm ngày hè thường chú trọng những món thanh mát.
Các món từ lưỡi vịt thời gian gần đây khá “hot”. Bạn có thể làm nộm lưỡi vịt. Lưỡi vịt nướng sa tế hoặc lưỡi vịt phá lấu, lưỡi vịt chiên giòn. Nhìn chung, khâu sơ chế lưỡi vịt cần đặc biệt chú trọng. Nếu không, món ăn dễ có mùi hôi gây lãng phí nguyên liệu.
Mời độc giả xem thêm video: Món ăn ngon từ... úp nồi | Đặc sản miền sông nước. (Nguồn video: THDT)