Thời gian gần đây, khi những món đồ chơi truyền thống bắt đầu được người dân quan tâm trở lại trong giáo dục nhận thức cho trẻ nhỏ cũng là lúc mà nghề nặn tò he có đất sống hơn so với những năm trước, đặc biệt trong dịp Trung thu.
Bắt đầu từ 15/9, những người làm nghề tò he ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã tất bật, chạy đôn, chạy đáo chuẩn bị để “theo chân” các sự kiện được tổ chức tại công viên, khu trung tâm thương mại, nhà hát lớn hoặc các bảo tàng dân tộc học…
Bởi lẽ, một trong những hoạt động hấp dẫn, bổ ích mà nhiều phụ huynh, trẻ em quan tâm chính là được tìm hiểu và trải nghiệm các công đoạn làm ra những sản phẩm thủ công truyền thống như nặn tò he, làm đèn ông sao bằng giấy, vẽ mặt nạ, làm diều giấy… Đây là cơ hội để nhiều những nghệ nhân tăng thêm thu nhập, “sống khỏe” sau một thời gian dài vắng khách.
Anh Hổ, một nghệ nhân lâu năm tại Phú Xuyên hồ hởi chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, anh được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời về dạy kỹ năng cho các “nghệ nhân nhí”. Như đã thành thông lệ, năm nay cũng vậy, tới đây, vào dịp Tết trung thu, anh sẽ dạy 4 buổi với mức thù lao là 300 nghìn đồng/buổi. Hiện tại, anh đã bắt đầu tham gia huấn luyện cho các tình nguyện viên, dạy họ biết cách để nặn những con tò he đơn giản – những món đồ chơi quen thuộc với hầu hết trẻ em Việt Nam”.
Từ bột đất sét và phẩm màu an toàn, anh Hổ có thể nặn ra một chú tò he hình con gà trống hay chim phượng hoàng sặc sỡ, bắt mắt chỉ trong vòng 3 phút.
Anh Hổ cho biết: Anh bắt đầu theo học bố mẹ và người dân quanh làng từ năm 10 tuổi, có thể khéo léo nặn được hơn 20 loại hình mẫu khác nhau. “Ban đầu phải học nặn thành thạo 12 con giáp trước, sau đó phát triển thêm các hình mẫu khác theo sở thích của các em nhỏ.
Anh Hổ, nghệ nhân làm tò he cho biết: Dịp Tết trung thu anh kiếm được 20 triệu đồng/tháng. Ảnh: P. Ngọc. |
Ngày xưa, trẻ em thích các hình tượng như Lưu Bị, Quan Công,…Có một thời gian, trẻ thích thú với hình tượng thủy thủ mặt trăng và cậu bé sôn gô ku trong “7 viên ngọc rồng”… Còn bây giờ, bé gái thích công chúa Elsa, bé trai thích siêu nhân, người nhện…Vì vậy, tùy theo sở thích của các bé, các nghệ nhân mường tượng ra cách làm, từ đó, nặn hình sao cho thật giống, thật đẹp để thu hút trẻ em”.
Các nghệ nhân nặn tò he Xuân La thường rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán, nhất là khi nơi nào có đình đám, hội hè. Hành trang đồ nghề của họ khá đơn giản: một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, một cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày.
Một chiếc tò he thường được bán với giá từ 10.000 đồng - 20.000 đồng/chiếc. Anh Hổ bật mí: Tiền nguyên liệu (mua đất sét và mua bột màu) tốn khoảng 4.000 đồng/chiếc. Mỗi chiếc tò he được làm ra, người làm được lãi trên 6.000 đồng tiền công.
Nghệ nhân Đặng Văn Hạ tâm sự: “Ngày xưa, chúng tôi làm tò he từ bột, bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ theo tỷ lệ 1/10 nghiền nhỏ dẻo, trắng, tròn và mịn đến độ không dính tay. Màu sắc đều được chế từ cây nhà lá vườn như rau ngót tạo màu xanh, quả gấc tạo màu đỏ, củ nghệ làm màu vàng, nghệ đen cho màu tím...”.
Nhưng thời hiện đại, các nghệ nhân chuyển sang mua đất sét và bột màu công nghiệp để làm nghề.
Trừ tiền mua nguyên liệu, mỗi chiếc tò he, người làm lãi được 6.000 đồng/chiếc. Ảnh: P.Ngọc. |
“Công việc của chúng tôi phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hôm nào nắng, các gia đình và trẻ em đi chơi công viên đông, lượng khách mua tò he cũng tăng lên đáng kể, có thể bán được khoảng 1 triệu đồng/ngày. Ngược lại, hôm nào mưa gió, trời rét, không ai đi chơi, chúng tôi ngồi “dài cổ” vì ế khách. Có hôm chỉ bán được có 100 nghìn đồng/ngày” – một nghệ nhân khác tại làng nghề tò he nổi tiếng Phú Xuyên cho biết.
Tuy vậy, vào tháng 8 (âm lịch), với sự kiện Tết trung thu, cùng lịch “chạy sô” dày đặc, anh Hổ rỉ tai: Thù lao mà anh kiếm được có thể lên tới 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các tháng khác trong năm, thu nhập bình quân của những nghệ nhân làm tò he chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.