Từ năm 2000, Ngày Sữa học đường thế giới được chọn là thứ tư cuối cùng của tháng 9 (năm 2018 rơi vào ngày 26/9). Mục tiêu của ngày này là nâng cao nhận thức về lợi ích sức khỏe mà sữa mang lại cho trẻ em.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) thông tin, năm 2004, trên 30 quốc gia đã tôn vinh Ngày Sữa học đường thế giới và số lượng quốc gia phát triển mỗi năm, gồm Áo, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Pháp...
Thái Lan được đánh giá là một trong những quốc gia châu Á triển khai thành công chương trình sữa học đường.
Lịch sử quá trình đưa sữa vào trường học Thái Lan
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học quốc gia (NCBI), các sản phẩm từ sữa vốn không thuộc chế độ ăn uống truyền thống của người Thái, thường được sử dụng bởi tầng lớp thượng lưu.
Năm 1962, sữa được giới thiệu là cơ hội để nông dân Thái Lan đầu tư vào ngành chăn nuôi mới, thay thế một số sản phẩm nhập khẩu bằng sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, sau khi đưa sữa vào thị trường Thái Lan, ngành công nghiệp này phải đối mặt với một số khó khăn trong việc kích thích nhu cầu, chủ yếu là do rào cản trong văn hóa ăn uống, gây ra tình trạng dư nguồn cung sữa.
Chính phủ đã áp dụng một số biện pháp khuyến khích tiêu thụ sữa, gồm chiến dịch nổi tiếng với khẩu hiệu “Hôm nay bạn đã uống sữa chưa?”, nhằm nhấn mạnh sữa là thực phẩm thiết yếu hàng ngày cho người Thái. Các biện pháp khác bao gồm cung cấp giống bò sữa cho nông dân, sử dụng thuế nhập khẩu để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Tuy nhiên, tình hình không cải thiện nhiều và nông dân đã kiến nghị chính phủ hỗ trợ nhiều hơn.
Bài viết của tiến sĩ Issara Suwanabol trên website của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, các cuộc biểu tình của nông dân năm 1984 do không bán được sữa đã dẫn đến sự thành lập Ban Chiến dịch Uống sữa quốc gia (NMDCB) vào năm 1985. Một chương trình thí điểm được thực hiện tại một số khu vực ở Bangkok và Chiangmai nhằm bán sữa cho phụ huynh với mức giá rẻ hơn 25%, thông qua phiếu giảm giá hàng tháng của con ở trường tiểu học và mẫu giáo.
Chương trình sữa học đường ở Thái Lan góp phần giúp tiêu thụ sản phẩm sữa địa phương. Ảnh: Bangkok Post. |
Đây là nguồn gốc của chương trình sữa học đường ở Thái Lan, ra đời từ năm 1992, áp dụng cho trẻ em độ tuổi 3-12. Chương trình được mở rộng qua nhiều năm và hiện cung cấp 200 ml sữa miễn phí cho mọi trẻ ở trường công lập trên cả nước mỗi ngày đi học. Số ngày cung cấp sữa được mở rộng từ 200 lên 230 một năm, trong đó 30 ngày rơi vào những dịp nghỉ lễ.
PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.
Theo bà Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày.
Bà Nhung khẳng định việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn của bữa ăn hàng ngày. Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm
Theo bà Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày.
Bà Nhung khẳng định việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn của bữa ăn hàng ngày. Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm
Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, phát triển ngành công nghiệp sữa
Trước đây, Bộ Y tế Công cộng đã liên tục bày tỏ lo ngại về vấn đề phát triển dinh dưỡng và nhận thức của trẻ em. Do đó, chương trình sữa học đường được xem là một cách hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển thể chất lành mạnh của trẻ, từ đó nâng cao sức khỏe người dân. Quốc gia Đông Nam Á cũng tăng cường quảng bá tác dụng của sữa đối với việc cải thiện chiều cao.
Lượng sữa tiêu thụ trên mỗi trẻ đã tăng từ 2 lít mỗi năm vào năm 1984 lên 23 lít vào năm 2002. Cùng với chương trình bữa trưa học đường, chương trình sữa học đường nằm trong kế hoạch giảm đói nghèo của Thái Lan, đã góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi từ 51% năm 1980 xuống còn 20% năm 1990 và dưới 10% vào năm 2006.
Hiệu quả dễ nhận thấy khác của chương trình là đảm bảo đầu ra cho ngành sản xuất sữa ở Thái. Bằng cách cung cấp sữa cho trẻ ở giai đoạn đầu, hương vị sữa sẽ dần hoàn thiện theo thời gian và góp phần tạo thị trường tiềm năng cho tương lai.
Từ năm 2013, chỉ có sữa tươi tiệt trùng và siêu tiệt trùng (công nghệ UHT) được phân phối trong trường học. Cả nước chia sữa học đường thành ba khu vực là 1, 2 và 3. Nguyên tắc là người tiêu dùng và nhà cung cấp sữa phải ở cùng một khu vực, chẳng hạn sữa thô (chưa tiệt trùng) ở khu vực 1 phải được chế biến bởi một trại sản xuất sữa thuộc khu vực 1 và được tiêu thụ bởi các trường trong khu vực 1. Việc phân vùng này nhằm đảm bảo cân bằng về cung và cầu, hỗ trợ phân bổ nguồn lực hợp lý hơn.
Trại sản xuất sữa nào muốn thành nguồn cung cho chương trình sữa học đường phải được xác nhận bởi Bộ Công nghiệp, lấy giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hợp lệ từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) và ký hợp đồng dài hạn để mua sữa thô từ địa phương. Tất cả sữa cung cấp cho trường phải được làm từ sữa tươi nguyên chất chứ không phải từ bột. Từ năm 2004, mọi nhà cung cấp sữa học đường phải được chứng nhận HACCP (an toàn thực phẩm).
Năm 2014, tờ Rappler của Philippines xem Thái Lan là ví dụ thành công ở châu Á về chương trình dinh dưỡng học đường. Theo tờ báo này, một trong những điểm nổi bật của mô hình Thái Lan là sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về chương trình bữa trưa và sữa học đường. Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp đã cùng nhau cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em, cũng như giải quyết vấn đề sinh kế của nông dân và nhà sản xuất địa phương.
Chính phủ Thái Lan hỗ trợ nhiệt tình, không chỉ về mặt tài chính. Vì sự phát triển bền vững của các chương trình dinh dưỡng học đường, Thái Lan đặt mục tiêu hoạt động theo hướng cải thiện nền nông nghiệp. Các tiểu nông được quan tâm đúng mức, học sinh được khuyến khích tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về nông nghiệp ở trường.