Thảm kịch thiên nhiên khiến Trái đất từng không có mùa Hè
Cách đây 209 năm, một thảm kịch thiên nhiên kinh hoàng xảy ra đã khiến Trái đất từng không có mùa Hè. Đó là vụ phun trào núi lửa Tambora ở Indonesia làm thay đổi khí hậu hành tinh xanh.
Tâm Anh (theo LS)
Xem toàn bộ ảnh
Thảm kịch thiên nhiên khiến Trái đất từng không có mùa Hè xảy ra vào năm 1815. Khi ấy, núi lửa Tambora trên đảo Sumbawa ở Indonesia ngày nay đã phun trào dữ dội. Vụ phun trào núi lửa Tambora được đánh giá là thảm họa núi lửa mạnh nhất mà nhân loại từng hứng chịu. Núi lửa Tambora bắt đầu phun trào vào ngày 5/4/1815 và kéo dài trong suốt 4 tháng tiếp theo.
Trong khoảng thời gian đó, núi lửa Tambora phun trào hơn 150 km3 đá và magma, tạo ra hõm chảo đường kính 7 km. Ngọn núi ban đầu có đỉnh cao 4.300m nhưng đã sụp xuống còn 2.850m sau vụ phun trào. Theo tính toán của các chuyên gia, núi lửa Tambora đã phun ra khoảng 120 triệu tấn lưu huỳnh dioxide cao 40.000m vào không trung.
Lưu huỳnh dioxide chuyển thành một loại aerosol axit lưu huỳnh mịn và bao trùm phần lớn Trái đất trong suốt vài tuần. Các chuyên gia cho hay lớp aerosol phản chiếu bức xạ từ Mặt trời vào không gian từ đó tạo ra hiệu ứng mát mẻ trên toàn thế giới. Điều này khiến năm tiếp theo (tức năm 1816) là một trong những năm lạnh nhất trong lịch sử.
Hậu quả do núi lửa Tambora "thức giấc" được giới chuyên gia đánh giá là vô cùng thảm khốc. Đá bọt và tro bụi trút xuống khu vực trong nhiều tuần, lan xa tới tận Nam Sumatra và Borneo ở cách núi lửa khoảng 1.300 km. Toàn bộ hòn đảo bị bao phủ bởi tro bụi và luồng mạt vụn núi lửa sâu tới một mét, phá hủy nhà cửa, hoa màu và bật gốc cây cối.
Nhiều tảng đá bọt lớn rơi xuống biển hình thành bè mảng có bề ngang lên tới 5 km. Những bè mảng này trôi nổi ngoài khơi gây ra nhiều vụ va chạm với tàu thuyền của Anh ở cách đó khoảng 3.600 km. Không những vậy, các hạt tro mịn lơ lửng trong khí quyển suốt vài năm, tạo ra hoàng hôn và chạng vạng màu sắc rực rỡ. Cảnh tượng này có thể nhìn thấy từ nơi xa như thủ đô London của Anh.
Hậu quả dễ nhận thấy nhất của vụ phun trào núi lửa Tambora là nạn đói do mùa màng bị phá hủy. Kéo theo đó là việc nhân loại đối mặt với nhiều dịch bệnh, đặc biệt là tiêu chảy do uống nước ô nhiễm. Tình hình nạn đói nghiêm trọng tới mức người dân ở Sumbawa phải ăn cả lá khô và củ dại có độc để sinh tồn.
Ước tính khoảng 48.000 người ở Sumbawa và 44.000 ở Lombok thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác phải chuyển tới Java, Bali và Nam Sulawesi để tìm cơ hội sống sót. Không chỉ Indonesia, nhiều nơi trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của vụ phun trào núi lửa Tambora. Thời tiết lạnh trái mùa làm nhiều loại thực vật, động vật ở phương bắc chết như Trung Quốc và Tây Tạng.
Tại châu Âu, nhiệt độ thấp và mưa lớn dẫn tới mất mùa. Theo đó, nạn đói nghiêm trọng xảy ra ở Ireland và Wales. Dịch sốt phát ban hoành hành ở nhiều nơi tại châu Âu như: Ireland, Italy, Switzerland, Scotland... Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi năm 1816 không có mùa Hè.
Nhiệt độ giảm mạnh ở Bắc Mỹ, đặc biệt là vùng đông bắc nước Mỹ và Canada. Vào mùa Xuân và mùa Hè, một trận sương mù khô kéo dài làm mờ ánh sáng Mặt trời đến mức có thể nhìn thấy những vệt đen Mặt Trời bằng mắt thường.
Người dân chứng kiến sương giá và tuyết rơi ở các khu vực cao thuộc New Hampshire, Maine, Vermont, và bắc New York ngay giữa mùa Hè. Thời tiết lạnh phá hủy phần lớn hoa màu ở Bắc Mỹ dẫn tới giá cả lương thực tăng cao. Tại Canada, Quebec cạn kiệt bánh mỳ và sữa.