Thảng thốt tốc độ phát triển máy bay chiến đấu 100 năm qua
(Kiến Thức) - Dù có phần hơi cay đắng nhưng chính chiến tranh đã giúp con người đạt được những thành tựu vượt bật trong phát triển máy bay chiến đấu suốt 100 năm qua.
Trà Khánh
Xem toàn bộ ảnh
Trước Chiến tranh Thế giới thứ 1, máy bay hầu như không phổ biến và nó chỉ là một phát minh khoa học thuần túy phục vụ cho ước mơ bay lên bầu trời của con người. Tuy nhiên mọi chuyện dần thay đổi khi tiềm năng quân sự của loại phương tiện này được phát hiện với các nhiệm vụ ban đầu khá đơn giản là thu thập thông tin và quan sát các hoạt động quân sự của đối phương.
Và đến CTTG 1 vai trò của máy bay được đẩy lên một tầm cao mới khi nó được trang bị súng máy để có thể tiêu diệt những chiếc máy bay khác, từ đó nó dần trở thành một thứ vũ khí không thể thiếu trên chiến trường cùng với đó là sự ra đời của không quân binh chủng thứ ba của mọi quân đội. Định nghĩa phi công ACE cũng xuất hiện trong thời kỳ này khi một phi công có thể bắn hạ 5 máy bay chiến đấu đối phương. Đáng chú ý, phi công ACE đầu tiên trên thế giới thuộc về Roland Garros mặc dù ông chỉ bắn hạ được bốn chiếc.
Sự phát triển mạnh mẽ của Không quân Pháp trong CTTG 1 cũng buộc người Đức xem lại chương trình phát triển máy bay quân sự của mình mặc dù về công nghệ họ hoàn toàn thua kém. Và câu trả lời của người Đức là mẫu tiêm kích Fokker EI vốn được phát triển từ một mẫu máy bay trinh sát.
Từ năm 1914 khi CTTG 1 nổ ra cho đến khi nó kết thúc công nghệ chế tạo máy bay trên thế giới có sự thay đổi to lớn không chỉ về mặt thiết kế mà cả chất lượng của chúng. Bên cạnh đó máy bay không còn là thứ gì đó quá xa lạ khi chúng xuất hiện khắp nơi trên thế giới phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau từ quân sự cho đến dân sự.
Đến Chiến tranh Thế giới thứ 2 lịch sử phát triển máy bay chiến đấu đã sang một trang mới khi với sự ra đời của nhiều dòng máy bay quân sự khác nhau phục vụ cho nhiều mục đích từ chiến đấu, tấn công mặt đất cho đến vận tải quân sự.
Một trong những dòng máy bay chiến đấu thành công nhất trong CTTG 2 có thể kể tới là De Havilland Mosquito do Anh phát triển. Nó gần như là một mẫu chiến đấu cơ đa năng vừa đóng vai trò tiêm kích, tấn công mặt đất, ném bom cho đến trinh sát. Có một điều đặc biệt là khung thân của De Havilland Mosquito được làm hoàn toàn bằng gỗ.
Dù vậy nó có tốc độ tối đa lên tới 668km/h và có thể mang theo 4 tấn vũ khí các loại.
Cuối CTTG 2, ngoài các dòng chiến đấu cơ sử dụng động cơ cánh quạt còn có thêm sự xuất hiện của một số mẫu chiến đấu cơ sử dụng động cơ phản lực và đi đầu trong công nghệ này chính là người Đức với chiếc Messerschmitt Me 262. Nhưng trong thời điểm đó không ai nghĩ những chiếc máy bay như Me 262 sẽ một lần nữa thay đổi lịch sử hàng không.
Máy bay chiến đấu phản lực dần trở nên phổ biến trong những năm 1950, điển hình như chiếc Gloster Meteor được sử dụng rộng rãi trong Không quân Anh lẫn các nước đồng minh. Với hai động cơ phản lực Rolls-Royce Derwent 8 nó có tốc độ tối đa lên tới 965km/h. Những chiến đấu cơ tương tự Gloster Meteor cũng được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Triều Tiên và đây là cuộc chiến đầu tiên trên thế giới máy bay chiến đấu phản lực được sử dụng rộng rãi.
Trong giai đoạn từ 1950 đến đầu 1970, máy bay chiến đấu phản lực ngày càng trở nên tinh vi hơn thậm chí nó còn được trang bị radar và thiết bị hồng ngoại để phát hiện máy bay đối phương. Một trong những mẫu chiến đấu cơ thành công nhất trong thời kỳ này chính là mẫu tiêm kích MiG-21 do Liên Xô chế tạo.
Từ đây thời kỳ của những chiến đấu cơ phản lực hiện đại cũng được mở ra thậm chí chúng còn được cải tiến để có thể cất cánh từ đường băng ngắn hoặc cất hạ cánh thẳng đứng. Đi tiên phong trong công nghệ này vẫn là người Anh với mẫu chiến đấu cơ Harrier được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1969 dây chuyền sản xuất của nó còn hoạt động tới tận năm 2003.
Trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 những công nghệ hàng không tiên tiến nhất vẫn tiếp tục được áp dụng cho sự phát triển của máy bay chiến đấu, nhiều chiếc trong số chúng còn được thiết kế để tàng hình trước hệ thống radar của đối phương và công nghệ này không chỉ có ở Phương Tây mà ngay một quốc gia Châu Á như Trung Quốc cũng sở hữu.
Hầu hết các công nghệ hiện đại nhất đều được tập trung vào dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 năm và nó được phát triển riêng theo học thuyết quân sự của mỗi nước. Nhưng về cơ bản chúng vẫn tập trung vào các yếu tố như khả năng tàng hình, tính cơ động, trang thiết bị điện tử tiên tiến và hệ thống vũ khí tiên tiến.
Chưa dừng lại đó con người tiếp tục cho ra đời các dòng chiến đấu cơ tàng hình không người lái sở hữu các tính năng tương tự một máy bay chiến đấu thông thường, bên cạnh việc được điều khiển bởi con người chúng còn sở hữu cả trí thông minh nhân tạo cho phép xử lý các tình huống nhất định nào đó.
Trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2030 công nghệ hàng không thế giới còn rất nhiều sự thay đổi và kéo theo đó là công nghệ được trang bị trên máy bay chiến đấu. Điều này được thể hiện rõ qua các loại máy bay sử dụng vật liệu mới có độ bền cao hơn và có thể tự phục hồi, ngoài ra công nghệ động cơ phản lực cũng cần có sự thay đổi để giúp những chiếc máy bay có thể đạt tốc độ lớn hơn và đi xa hơn.