Thập trụ Bồ-tát

Đại thừa Bồ-tát tu sáu pháp ba-la-mật gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, đó là Bồ-tát của Bát-nhã.

Nhưng Bồ-tát của Hoa nghiêm tu thập ba-la-mật gồm có sáu pháp ba-la-mật vừa nói cộng thêm bốn pháp ba-la-mật là phương tiện, nguyện, lực và trí. Bồ-tát phải có phương tiện, vì không có phương tiện không thể làm được.
Và có phương tiện rồi, phải có nguyện nghĩa là có muốn làm hay không; vì có phương tiện làm được, nhưng nếu không muốn làm mà chỉ muốn an thân mặc dù Phật pháp cần thì cũng hỏng.
Chư Bồ-tát - Tranh PGNN.
 Chư Bồ-tát - Tranh PGNN.

Bước qua lực ba-la-mật, hành giả muốn làm nhưng làm được hay không. Muốn và làm được thì phải có lực ba-la-mật. Muốn mà làm không được gọi là lực bất tòng tâm. Hành giả tu lực để việc nào cũng làm được. Và ba-la-mật thứ mười là trí ba-la-mật. Bát-nhã Ba-la-mật chỉ là hiểu biết lý thuyết trên sách vở, hay biết do công phu tu thiền định. Cái thấy biết ở trường lớp tất nhiên khác với hiểu biết do kinh nghiệm làm đạo gặt hái được. Vì vậy, trí ba-la-mật trong kinh Hoa nghiêm gọi là Nhứt thiết chủng trí do trải qua quá trình hành đạo giáo hóa chúng sanh.

Tôi thấy mười môn ba-la-mật của kinh Hoa nghiêm giống với kinh Nguyên thủy, cho nên có thể khẳng định rằng kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa là một; nhưng vì sự hành đạo và tu chứng có khác nhau nên diễn tả khác. Thực chất cái gốc của Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy là một, không phải là hai luồng tư tưởng khác nhau; nhưng tùy theo trình độ, tùy theo sự hiểu biết, tùy theo sự tu chứng mà giải thích khác nhau, cho nên đừng phạm sai lầm nói Phật giáo Nguyên thủy đúng, Phật giáo Đại thừa sai, hoặc nói Phật giáo Đại thừa đúng, Phật giáo Nguyên thủy sai.

Thập trụ là trụ tâm ở Bồ-tát đạo và tu mười ba-la-mật gọi là Bồ-tát trụ tâm từ nhân hướng quả, tập làm theo Bồ-tát lớn. Chúng ta phát tâm tu thấy kinh ghi làm như vậy thì chúng ta làm theo, nhưng có người làm được, có người làm không được. Người làm được nhờ có điều kiện. Người không làm được vì chỉ có ý chí muốn làm, nhưng thiếu điều kiện nên gặp trở ngại.

“Trụ” là vững tâm rồi thì phân tích thấy người làm đúng, tại sao lại không được gì. Quán sát kỹ như vậy mới tu, mới chọn thầy để dẫn đường, chọn bạn để hợp tác. Khi có thầy là Bồ-tát thập địa, bạn là người trải nghiệm thập hồi hướng, như vậy thì an toàn cho hành giả. Còn mới phát tâm mà nhận lầm ác ma là Phật, chắc chắn chết.

Khi trụ tâm lại, tôi nhắc anh em là càng khó càng phải bình tĩnh để tháo gỡ, may ra có thể vượt được thì chúng ta sống. Nhưng bình tĩnh cũng có thể chết, trong trường hợp nguy cấp này cũng phải biết ta về đâu là có định hướng để ra đi. Nếu còn mạnh khỏe mà biết rõ hướng đi của mình sau khi bỏ thân này, dĩ nhiên là tốt hơn. Còn chết trong hốt hoảng sẽ bị đọa.

Trụ tâm quán sát cuộc đời, thấy người làm được việc nhờ có quyến thuộc tốt, làm không được vì quyến thuộc xấu. Vì vậy, nhìn người hợp tác tốt hay xấu, có năng lực hay không sẽ biết được việc làm của mình phát triển hay đi xuống. Việc làm đạo của chúng ta sẽ được nhiều thuận lợi và dễ dàng thành công, khi được người có quyền thế hỗ trợ và nhà doanh nghiệp thành đạt hằng tâm hằng sản cúng dường. Ta hợp tác với người làm đạo có thắng duyên như vậy thì tương đối tin cậy được. Còn người tốt muốn làm, nhưng không có điều kiện, phải đi vay mượn cũng dễ thất bại.

Đạt đến vị trí thập trụ mới phát tâm hành Bồ-tát đạo. Có hiểu biết, có sức khỏe và có tiền của là ba điều kiện cần thiết để hành Bồ-tát đạo. Đương nhiên người có trí tuệ phải theo thầy hiểu biết hơn mình. Dù là ác ma thì nó cũng phải theo ác ma dữ hơn nó. Người ta theo Bồ-tát vì phục Bồ-tát hơn họ cái đầu. Vì vậy, Hiền thì phải phò Thánh, không phò ma quỷ. Khi thọ giới, giáo thọ sư nhắc rằng không phải Hiền thì không làm bạn, không phải Thánh thì không thờ. Hiền của nhị thừa, hay của Bồ-tát, ta theo làm bạn; không phải như vậy, chúng ta tránh. Còn theo ma quỷ, họ bày việc xấu, mình bị đọa. Trên bước đường tu, phải làm bạn với hàng Bồ-tát tam Hiền, nếu không, họ thoái chuyển thì ta cũng bỏ cuộc theo. Có thầy xin tôi cầu pháp, vì thầy tế độ đã hoàn tục là mất chỗ dựa, nên phải cầu y chỉ sư để nương theo tu.

Kinh Nguyên thủy nói mười pháp ba-la-mật và kinh Đại thừa cũng nói mười pháp ba-la-mật, nhưng phân tích khác hơn mười ba-la-mật của kinh Nguyên thủy. Kinh Nguyên thủy nói rằng mười pháp ba-la-mật là quá trình tu Bồ-tát đạo của Đức Phật Thích Ca. Điều này cho chúng ta biết rằng Tỳ-kheo tu Thanh văn đạo, nên chỉ đạt đến quả A-la-hán là cao nhất, trong khi Đức Phật tu Bồ-tát đạo. Hiểu như vậy, xuất gia tu hành theo Thanh văn tạng, chúng ta phải trải qua quá trình tu chứng từ Tu-đà-hoàn đến Tư-đà- hàm và A-na-hàm là tam Hiền vị và A-la-hán là Thánh vị. Nhưng kinh Đại thừa triển khai Hiền vị gồm có 30 bậc là Bồ-tát thập trụ, thập hạnh và thập hồi hướng. Bồ-tát thập địa có mười bậc là Thánh vị. Còn theo kinh Nguyên thủy thì có ba bậc Hiền và chỉ có một bậc Thánh. Nếu phân tích sẽ có sự khác biệt như vậy giữa kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa.

Riêng tôi tu Pháp hoa kết hợp cả hai, vì theo Pháp hoa có cái nhìn thống nhất, không riêng biệt, gọi là viên giáo tức trăm sông đều đổ về biển cả. Nghĩa là tất cả các pháp tu đều dẫn hành giả đến quả vị Phật, nhưng vì hoàn cảnh khác, nghiệp khác, hiểu biết khác, tu chứng khác nên có pháp tu khác nhau, nhưng cuối cùng đều thành Phật. Tu hành theo Phật, chúng ta phải thấy mẫu số chung này. Giáo hội chúng ta cũng thấy như vậy, nên có khẩu hiệu là đoàn kết, hòa hợp. Trước kia, tôi nhận trách nhiệm hoằng pháp, đó là một mảng hoạt động của Giáo hội và hiện nay, tôi phụ trách Phật giáo quốc tế. Giáo hội có nhiều lãnh vực hoạt động như hoằng pháp, văn hóa, từ thiện, cư sĩ, hay Phật giáo quốc tế, v.v… tất cả các lãnh vực này phải mạnh đều; nếu chỉ có một mặt mạnh sẽ trở thành khuyết tật. Ta làm việc này, người làm việc khác, cần phải bảo vệ, giúp đỡ nhau, không phải phân hóa, đả phá nhau làm cho Phật giáo suy đồi. Cũng như chúng ta ở chung một chùa, thấy người yếu thì phải giúp đỡ, không công kích, chống đối nhau. Anh em phải nhớ như vậy để khởi tu.

Tam Hiền vị của Thanh văn là quá trình tu từ phàm phu lên Thánh, tất yếu phải đi con đường này. Anh em nghĩ mình tu hành phát xuất từ chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não thì phải giải quyết chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não. Muốn vậy, chúng ta phải phá cái nghiệp của mình và chấm dứt nghiệp để trở thành thanh tịnh Tăng. Trong lúc thực hiện pháp này, có việc chúng ta làm được, có việc không làm được, nhưng cái gì cắt bỏ được thì phải cắt ngay. Người xuất gia cắt bỏ công danh sự nghiệp để dấn thân tu hành, còn đối với thân này thì cắt nghiệp là đoạn dục khử ái. Người thực tu phải đi con đường này như Đức Phật đã làm. Còn cư sĩ thì phải thỏa hiệp với nghiệp để tu, vì còn có gia đình, có công việc; cho nên giờ nào, ngày nào tu được thì tu, giờ khác phải lo cho gia đình và xã hội, không được thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội. Đó là ý nghĩa thỏa hiệp với nghiệp, phải làm bổn phận nghĩa vụ của người dân, của thành viên trong gia đình mới có quyền lợi hợp lý. Nhưng đối với chúng xuất gia đã từ chối quyền lợi, nên không còn nghĩa vụ nữa. Nếu anh em tu mà từ chối nghĩa vụ xã hội nhưng lại muốn hưởng quyền lợi xã hội là sai lầm, phải từ chối quyền lợi thì luật pháp mới chấp nhận mình. Thí dụ Nhà nước cấp đất cho chúng ta xây chùa là đất tôn giáo dành cho người tu, nên chúng ta không phải đóng thuế đất, tức chúng ta không có quyền lợi thì cũng không có nghĩa vụ. Còn nếu thầy mở cửa hàng kinh doanh là có thu nhập thì không được từ chối nghĩa vụ.

Ngài Quy Sơn dạy rằng “Bất năng an quốc trị bang, gia nghiệp đốn quyên kế tự. Miến ly hương đảng, thế phát bẩm sư…”. Nghĩa là người xuất gia không lo việc nước cũng chẳng thừa kế nghiệp nhà, từ bỏ xóm làng, thân tộc, xuống tóc theo thầy học đạo… thì việc của chúng ta là “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức…”, nhưng “nội cần” không có là tu hành không tiến bộ, mà chỉ lo tranh giành quyền lợi, không được thì phiền não nổi dậy; như vậy không phải là người tu.

Chúng ta tu không đạt kết quả tốt đẹp vì phạm sai lầm, nhưng lại nói chúng ta tu Đại thừa. Tu Đại thừa theo Pháp hoa, Hoa nghiêm, Bát-nhã, Phật dạy gì? Kinh Bát-nhã dạy quán Không, bỏ tất cả, chủ yếu là bỏ phiền não, nhưng ta lại ôm phiền não là sai, không phải Đại thừa, tức ta còn buồn giận lo sợ, phải trái hơn thua không ở giải thoát môn. Khi buồn giận liền nghĩ mình đã sai, phải bỏ để tâm vắng lặng là nhập Bát-nhã môn.

Đi theo lộ trình của hàng nhị thừa, chúng ta phát tâm tu phải đạt cho được Hiền vị thì không còn bốn tướng buồn giận lo sợ. Có thầy nói rằng tôi chết đến nơi mà không sợ. Tôi trả lời tu thì còn sợ gì, lo gì. Tôi muốn nhắc anh em chuyện sống chết đối với chúng ta là bình thường. Còn sợ là còn phiền não, không nhập Bát-nhã môn được, hay thân xuất gia mà tâm thế tục thì nguy hiểm.

Khi tu Đại thừa theo kinh Hoa nghiêm, ta không sợ, vì tin có Phật che chở ta, tin vào việc tu hành của ta là đúng đắn. Niềm tin của chúng ta như vậy thật vững chắc, không có gì khác hơn, bấy giờ trí Bát-nhã sanh. Đối với tôi, dùng trí Bát-nhã sẽ thấy đối trước cái chết mà sợ cũng chết, không sợ thì may ra có lối thoát. Và nếu sợ thì chết đọa địa ngục, không sợ để lên Niết-bàn, hay còn sống để hành đạo. Đối đầu với khó khăn nguy hiểm, tôi không sợ mới hành đạo được đến ngày nay, xin chia sẻ với anh em. Người hay sợ thường không dám làm gì, kể cả làm việc tốt. Tu hành phải nhớ rằng việc đáng làm thì làm, sống chết không quan tâm. Lập trường của tôi là khi hiện hữu trên cuộc đời vào lúc Phật pháp cần người gánh vác thì ta có cơ hội làm, đối với tôi đó là niềm hãnh diện, là niềm may mắn, sung sướng. Nếu sanh trong thời bình yên sẽ không có việc khó cho ta làm. Nhờ lập trường Đại thừa này, từng bước tôi đi lên. Anh em suy nghĩ kỹ lý này để lập cước tu hành.

Bước qua kinh Hoa nghiêm, mới phát tâm là thành Phật, kinh gọi là sơ phát tâm thủy thành Chánh giác. Trong khi kinh Nguyên thủy nói rằng chúng sanh là Phật sẽ thành, Đức Thích Ca là Phật đã thành. Như vậy, ta có ý niệm mình sẽ thành Phật mới tu. Nhưng qua Hoa nghiêm, phát tâm là thành Phật rồi. Chúng ta hiểu sao về điều này. Nguyên thủy và Đại thừa có mâu thuẫn không. Chắc chắn là không mâu thuẫn, nhưng cả hai là một. Vì theo Nguyên thủy thấy quả tu nhân, tức thấy Phật đã thành Phật, chúng ta quyết tâm tu theo Phật để mình sẽ thành Phật. Nhưng từ nhận thức này qua nhận thức theo kinh Hoa nghiêm cao hơn. Kinh Hoa nghiêm nói sơ phát tâm thủy thành Chánh giác. Vậy phát tâm của kinh Hoa nghiêm là gì, ai phát tâm và thành như thế nào.

Theo Đại thừa, Thanh văn có bốn hạng. Hạng một gọi là thị hiện Thanh văn, tức Phật, Bồ-tát thị hiện lại làm Thanh văn tất nhiên phải khác với Thanh văn bình thường. Điển hình như Đức Quan Âm là Phật hiện lại, nên Ngài có thể hiện đủ loại hình, cần hiện thân Tỳ-kheo, hay Tỳ-kheo-ni thì Ngài hiện thân đó; nghĩa là bề ngoài mang hình thức Thanh văn, nhưng bên trong là Phật, Bồ-tát.

Ta bắt đầu tu Đại thừa mở mắt quan sát cuộc đời xem ai là thị hiện Thanh văn. Phật, Bồ-tát, Thánh hiện lại, nên các Ngài có cốt cách của Phật, Bồ-tát. Thí dụ Phật hiện lại làm Thái tử Sĩ Đạt Ta là trong con người đó đã có Phật rồi. Hoặc Phật hiện lại trong con người Ỷ Lan thứ phi thì bên trong của bà đã có cốt Quan Âm. Người Nhật tin rằng Huệ Tư thiền sư hiện lại làm Thánh Đức thái tử. Vì cốt lõi bên trong của ông là thiền sư đắc đạo tái sanh lại, cho nên ông đã thành tựu những việc làm phi thường ngay từ lúc tuổi còn trẻ. Thật vậy, 16 tuổi, ông đã cầm binh dẹp giặc và thống nhất đất nước. 20 tuổi ông giảng kinh Pháp hoa và kinh Thắng man. 25 tuổi ông soạn Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản. Và người Trung Quốc cũng cho rằng ngài Huệ Tư hiện thân làm Thánh Đức thái tử, vì nhận thấy cung cách của ông giống ngài Huệ Tư.

Có Thánh tăng hiện thân lại thì Phật pháp hưng thạnh; không có các ngài, Phật giáo suy đồi. Vì vậy, tôi cầu nguyện nơi nào cũng có Thánh tăng trụ trì. Khi vị Thánh tăng viên tịch, phàm tăng lên thì sinh hoạt Phật pháp chỉ bình thường; nhưng nếu nghiệp tăng lên sẽ khiến cho Phật giáo suy đồi. Thực tế chúng ta thấy các tổ đình rơi vào tình trạng suy đồi khi trụ trì là phàm tăng không đắc đạo, hoặc có nghiệp tăng đòi hỏi nhiều nhưng không đóng góp. Khi Phật giáo đóng góp và đòi hỏi bằng nhau thì sinh hoạt ở mức bình thường. Trường hợp Phật giáo đóng góp nhiều hơn đòi hỏi, Phật giáo hưng thạnh. Đó là sự biểu hiện của ba thời kỳ Chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Mạt pháp sanh thì có nghiệp tăng nhiều. Chánh pháp sanh thì có Thánh tăng lãnh đạo. Quan sát bức tranh xã hội, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Tu Thanh văn thể nghiệm giới định tuệ, đạt được đỉnh cao là trí tuệ sẽ thấy chính xác, đắc quả A-la-hán; nhưng nếu đắc La-hán rồi mà không thấy Phật và Bồ-tát hiện lại cũng không biết thì đó không phải là La-hán.

Theo kinh Pháp hoa, hàng thị hiện Thanh văn là A Nan, La Hầu La. A Nan có điểm đặc biệt là Phật thuyết pháp, ngài nhớ tất cả không sót, nhưng ngài thị hiện không đắc La-hán để ở trong Hiền vị theo hầu Phật Thích Ca. Trong thực tế cuộc sống, tôi thấy người bạn đồng học với tôi là cố Hòa thượng Minh Thành có hạnh giống ngài A Nan. Thầy này tu từ lúc 6 tuổi, đến 21 tuổi không thọ Tỳ-kheo. Thầy nói rằng nếu thọ Tỳ-kheo thì không được làm thị giả hầu Hòa thượng Giám đốc, vì theo luật, một Tỳ-kheo không hầu Tỳ-kheo được. Sa-di tập sự mới theo ở với Tỳ-kheo. Tôi nhận ra sở dĩ A Nan không đắc La-hán là để làm thị giả hầu Phật. Vì vậy, đến khi Phật Niết-bàn, A Nan đắc La-hán liền. Ngài là thị hiện Thanh văn tu pháp nội bí ngoại hiện, tức bên ngoài là Thanh văn, nhưng bên trong là Bồ-tát. Phải mở mắt huệ của A-la-hán mới thấy sự khác biệt, còn mắt phàm chỉ thấy chức vụ lớn nhỏ tranh nhau ngôi thứ. Nói đến đây gợi tôi nhớ đến truyện Tề Thiên hiện cái gì thì Nhị Lang cũng biết vì ông đã hiển Thánh. Tề Thiên hiện làm cái miếu để trốn, nhưng Nhị Lang thấy cái miếu đoán ngay là Tề Thiên, vì cây cờ phải cắm trước cái miếu, nhưng Tề Thiên không biết nên đã cắm cây cờ đằng sau cái miếu.

Đắc La-hán phát tâm Bồ-đề là Bồ-tát thị hiện Thanh văn. Ngoài ra còn có thoái chuyển Thanh văn, tức tu Bồ-tát đạo rồi, nhưng gặp việc khó khổ nên không làm nữa, mà xuống tu Thanh văn, như vậy là đã thoái tâm Bồ-đề. Điển hình là Xá Lợi Phất 60 tiểu kiếp trước đã gặp Phật Thích Ca và phát tâm Bồ-đề hành Bồ-tát đạo, nhưng thoái tâm, không tu Bồ-tát đạo nữa. Đến khi sanh lại cuộc đời này, ông rất thông minh và thấy Mã Thắng oai nghi thanh tịnh khiến ông nhớ lại đời trước của mình và khi thấy Phật thì ông nhớ đời trước mình đã đắc La-hán rồi.

Thấy Phật phát tâm tu hành có hai trường hợp. Một là Bồ-tát từ nhân hướng quả. Hai là thấy Phật thì nhớ lại đời trước mình đã phát tâm. Ý này được ngài Nhật Liên thí dụ như con chim trong lồng thấy con chim ngoài trời hót khiến nó có ý muốn xổ lồng bay ra nhằm chỉ Bồ-tát lớn tái sanh trên cuộc đời này mang thân ngũ ấm thì bị ngũ ấm ngăn che, cho nên khi mang thân phàm phu mới nghĩ mình là phàm phu. Kinh Nguyên thủy diễn tả ý này với thí dụ có một con sư tử vừa sanh ra thì sư tử mẹ chết và sư tử con được đàn cừu nuôi dưỡng, nó sống chung với đàn cừu, cho nên nghĩ rằng mình cũng là con cừu. Tới khi nó nhìn thấy con sư tử thiệt, nó mới nhận ra mình là sư tử, không phải là con cừu. Điều này chỉ cho Bồ-tát sanh lại nhân gian mang thân ngũ ấm bị mê muội nếu không được khai ngộ thì không biết mình là Bồ-tát.

Vì vậy, thị hiện Thanh văn và thoái chuyển Thanh văn nếu gặp được thiện tri thức khai ngộ thì liền phát tâm và thời gian họ tu không bao lâu, nhưng gặt hái được kết quả rất lớn. Điển hình như Thái tử Sĩ Đạt Ta chỉ tu trong năm năm là thành tựu quả vị Phật. Còn chúng ta tu hàng chục năm thậm chí cho đến một trăm tuổi cũng không làm Phật. Hai hàng Thanh văn thị hiện và thoái chuyển vì có sẵn quá trình đã tu, nên được khai ngộ là họ liền đắc A-la-hán, gọi là sơ phát tâm thủy thành Chánh giác, nói cách khác, cội gốc của họ là Phật. Thật vậy, A-la-hán là một trong mười hiệu của Phật. Phật và A-la-hán là một, nên với cốt lõi là A-la-hán khi được khai ngộ là thành Phật. Kinh Pháp hoa gọi là khai tri kiến. Họ có sẵn tri kiến, khi được khai ngộ là trí tuệ bừng sáng. Có tri kiến mới khai được như Xá Lợi Phất, A Nan.

Đối với những người như chúng ta không có tri kiến, không khai được thì phải đi theo phương tiện tu hành. Ngài Quy Sơn diễn tả là “ôn tầm bối diệp”, nghĩa là lật từng trang sách để học. Bốn chữ khai thị ngộ nhập nghe đơn giản, nhưng rất khó.

Hàng Thanh văn thứ ba là thú tịch Thanh văn, tức người tu hành có đạo đức, có trì giới, tu hành nghiêm mật, nhưng không làm được gì. Trong khi thoái chuyển và thị hiện Thanh văn làm được việc lợi ích cho đạo, việc tốt đẹp cho đời, hàng thú tịch Thanh văn chuyên tu và mục tiêu cuối cùng của họ là lên Niết-bàn. Họ rất ngại dấn thân, sợ phiền não, tránh đụng chạm, ngồi yên tu để đắc Thánh quả Vô sanh, an trụ Niết-bàn. Tu như vậy cũng tốt.

Hàng Thanh văn thứ tư là tăng thượng mạn Thanh văn. Hạng này không có căn lành, đời trước không phải là Bồ-tát, đời này mới tu nhưng không nhiếp tâm, mà chỉ nghĩ đủ thứ, phiền não phát sanh. Họ cứ nghĩ mình giỏi hơn mọi người và không chấp nhận mọi điều hay lẽ phải. Một số người tu lâu, học giỏi và có bằng cấp dễ xem thường người khác, coi chừng bị đọa. Anh em học giỏi thì tốt, nhưng biết khiêm tốn còn sống được. Cuộc đời tôi đã thấy những người học giỏi nhưng không dùng được.

Trong bốn hạng Thanh văn, đối với hàng thú tịch Thanh văn muốn ẩn cư về Niết-bàn thì cứ để yên họ như vậy. Còn hạng tăng thượng mạn Thanh văn coi như loại ra. Chúng ta nhắm vô thị hiện Thanh văn và thoái chuyển Thanh văn, nếu họ được khai ngộ thì liền thành Phật, gọi là sơ phá tâm thủy thành Chánh giác. Theo kinh Pháp hoa, những người này đã đắc A-la-hán mới phát tâm tu Bồ-tát đạo.

Thật vậy, họ tu giới định tuệ miên mật và phát huệ, đắc A-la-hán mới phát Bồ-đề tâm, nghĩa là quả vị của họ khởi từ Không tánh mới phát tâm là chơn tâm nằm ngoài sanh diệt, không phải phát trên vọng tâm còn ở trong trạng thái hiểu biết phân biệt. Nếu từ chơn tâm mà ta phát Bồ-đề tâm thì trong giới Bồ-tát ghi rõ là phải thỉnh Di Lặc làm Giáo thọ, thỉnh Văn Thù làm Yết-ma, nhưng Văn Thù này không nói, là trí tuệ, do đắc La-hán có trí tuệ thì tự ta phát tâm, không phải ai bảo. Văn Thù làm Yết-ma, Đức Thích Ca làm Hòa thượng chứng minh. Văn Thù bạch Đức Thích Ca, nhưng ta không thấy Thích Ca, cũng không thấy Văn Thù thì ai bạch cho ta và ai chứng cho ta.

Điều này ngài Nhật Liên dạy rằng hành giả phải ở trong giới đàn vô tướng, nâng con người tâm linh của mình lên tầng cao, bấy giờ không thấy bằng mắt, mới thấy được Văn Thù, Di Lặc và Phật Thích Ca thì Văn Thù mới thay ta bạch Phật và Phật Thích Ca nhận lời, ta mới trở thành Bồ-tát. Vì vậy, sơ phát tâm thủy thành Chánh giác là sơ phát tâm của La-hán phát từ chơn tâm, tiếng nói từ đáy lòng, không phải từ tham vọng, dù có nói hay không.

Riêng tôi, phát tâm đọc: “Trước Phật đài con xin phát nguyện. Cõi Ta-bà thị hiện độ sanh. Thọ trì đọc tụng chơn kinh. Quyết lòng tế độ chúng sanh muôn đời”. Tự đáy lòng tôi nghĩ như vậy. Trước kia tôi tu Tịnh độ, nghĩ niệm Phật để vãng sanh; nhưng khi tu Pháp hoa, tôi tự nghĩ trong lòng mình nhất quyết cứu độ chúng sanh muôn đời. Nghĩ như thế rồi, nhưng trở lại thân phận mình thấy chúng sanh cang cường thì sợ, thấy Ta-bà ô trược thì ngán chứ. Cõi Ta-bà này mình muốn ra vào độ chúng sanh muôn đời, nhưng lúc mệt mỏi cũng muốn về Tịnh độ.

Phát tâm rộng lớn đời đời kiếp kiếp cứu chúng sanh và giữ tâm này được thì kinh Hoa nghiêm gọi là trụ tâm. Còn phát tâm rồi, một lát thấy khó khổ, mình sợ. Đối với Bồ-tát lớn, phát tâm rộng lớn và giữ vững tâm này thì dễ; nhưng chúng ta mới thấy Phật, Bồ-tát một cách lờ mờ, hoặc thực tế thấy Bồ-tát lớn thì ta theo. Như vậy gọi là sơ phát tâm trụ, nhờ trụ vào đây mà từng bước hành đạo, ta thấy khác.

Thật vậy, khi tôi trụ tâm vững vàng thì thấy ánh quang Phật rọi vào đỉnh đầu mình. Kinh Hoa nghiêm nói khi Văn Thù bạch Phật xong, ánh quang Phật rọi vào đỉnh đầu hành giả thì bấy giờ, đầu chúng ta sáng hơn, nhìn cuộc đời chính xác hơn, thấy việc và người rõ ràng hơn, thấy kỹ vị trí của mình trong xã hội, từ đó mới bắt đầu hành Bồ-tát đạo. Không phải thấy theo tham vọng, nên thấy kỹ theo Phật pháp, biết được ai là thầy để mình theo học, ai là bạn để mình hợp tác. Phải thấy được thầy bạn của mình. Và anh em thấy thêm là chỗ nào làm đạo được, chỗ nào không nên tới.

Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng chỗ chúng sanh cần, chúng ta tới. Họ cần ta, ta mới tới. Tuy nhiên, tôi bổ sung thêm rằng họ cần nhưng ta đáp ứng được thì mới tới; đó là kinh nghiệm của tôi, không phải họ cần là mình tới, phải xét coi tới có làm được hay không. Có một thầy thỉnh tôi tới thuyết pháp để Phật tử đến nghe pháp, cúng dường xây chùa, hay làm gì đó. Tôi xét mình có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không. Nếu không đáp ứng được, tôi từ chối.

Phật dạy rằng trái chưa chín đừng hái. Chỗ chưa đúng lúc giáo hóa mà đến làm mất Bồ-đề tâm của người, hãy để họ khát ngưỡng giáo pháp, về sau có người khác làm. Điển hình là có một phạm tăng đi ngang chùa Nam Hoa và nói rằng năm trăm năm sau sẽ có một vị Tăng đến đây phát triển đạo. Quả tình đúng như vậy, Tổ Huệ Năng đã xuất hiện và làm chùa ở đó, xây dựng tông Lâm Tế. Không làm vì có trí tuệ thấy biết được việc xảy ra như vậy. Hoặc chùa Huê Nghiêm 2 do Hòa thượng Hồng Tín mua đất, nhưng không xây chùa được. Đúng một trăm năm sau, tôi mới xây được chùa Huê Nghiêm 2. Không làm được mà cố gắng làm, phiền não trần lao nghiệp chướng phát sanh thì phải chết. Thực tế chúng ta thấy có nhiều thầy phát tâm làm chùa chưa xong mà chết, hoặc làm xong rồi thì chết. Còn xây xong chùa và phát triển được đạo rất ít. Chưa đến lúc, không nên làm, phải để người khác làm.

Phát tâm trụ vững ở hạnh nguyện cứu độ chúng sanh muôn đời, vì có ánh quang Phật rọi vào đỉnh đầu ta. Vì vậy, lúc hoàn cảnh khó nhiều, anh em cần bình tĩnh hơn, nghĩa là tập trung tư tưởng xem có nên làm, hay nên đi đến đó. Đối với tôi đối trước việc khó, nhưng tôi muốn đi và tin tưởng Phật sẽ hộ niệm, thì tôi đi và thành công. Nhưng có lúc lòng tôi hơi do dự, hơi lo, không quyết tâm, tôi nghĩ đó là điềm báo hiệu nghiệp dữ, nên tôi không đi.

Phật hộ niệm tới cho chúng ta suy nghĩ đúng đắn. Thầy Tỳ-kheo thanh tịnh có ba trường hợp báo trước. Một là chúng ta đắc La-hán có trí tuệ thấy trước việc sẽ xảy đến. Hai là chưa đắc La-hán, nhưng nhờ Phật hộ niệm thấy lờ mờ rằng việc yên ổn. Ba là nhờ Hộ pháp Long thiên mách bảo, nên ta vô tâm làm theo gọi là may mắn bất ngờ. Nhiều lúc tự nhiên trong giấc mơ thấy có người gọi mình nói cho biết điều đó. Theo tôi, đây là Hộ pháp báo trước để giúp chúng ta thoát nạn. Đó là những kinh nghiệm bản thân tôi trên bước đường hành đạo xin chia sẻ với anh em.

Danh xưng Quán Thế Âm và Quán Tự Tại

Hỏi: Danh xưng Quán Thế Âm Bồ tát và Quán Tự Tại Bồ tát là một vị Bồ Tát hay hai vị Bồ Tát khác nhau?

Trả lời: Chỉ là một vị Bồ tát Quán Thế Âm chứ không phải hai. Sở dĩ có tên gọi khác nhau như thế, là vì đứng trên hai phương diện mà nói. Gọi Quán Thế Âm là đứng về mặt tu nhân. Vì Bồ tát Quán Thế Âm khi còn ở địa vị tu nhân, thì Ngài dùng nhĩ căn để tu, gọi là : “Phản văn văn tự tính”, có nghĩa là Ngài nghe lại tính nghe của chính mình.

Mẹ tôi & câu niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát”

Mẹ tôi cầu Bồ tát không vì mình (vô ngã) mà chỉ vì mọi người, con cháu, người thân...

Mẹ tôi tin “chắc như đinh đóng cột” vào sự linh ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Mẹ nhất quyết: bất cứ ai, hễ gặp bất trắc, tai nạn khổ đau mà thành tâm niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì Ngài sẽ cứu độ cho tai qua nạn khỏi; nếu không được ngay thì sớm muộn mọi sự cũng hanh thông tốt đẹp! Mẹ tôi nhắc nhở con cháu và mọi người quen lạ nên thành tâm cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm! Và câu niệm “Nam-mô Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát” đã nhập tâm và theo mẹ tôi suốt cho đến cuối đời.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Tin mới