Các nhà phân tích và chính quyền địa phương bày tỏ lo ngại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo sẽ điều động các tay súng đến từ Indonesia, Malaysia và Philippines “chuyển lửa về quê nhà” ở Đông Nam Á.
Các tay súng cực đoan ở Malaysia âm mưu thành lập một phân bộ ISIS ở Đông Nam Á. Ảnh The Straits Times |
Một báo cáo của Viện phân tích chính sách xung đột (IPAC) nhấn mạnh mối đe dọa ngày càng tăng của các nhóm "ủng hộ IS” ở Mindanao, một cụm đảo ở miền nam Philippines gần đảo Borneo.
Báo cáo của IPAC cho biết Philippines là một trong những mắt bất ổn nhất vì từ lâu ban lãnh đạo IS đã coi nước này là phần mở rộng của Vương quốc Hồi giáo (Caliphate) trong khu vực.
Nhà phân tích Sidney Jones - lãnh đạo IPAC có trụ sở tại Jakarta – nhận địnhL "Trong hai năm qua, ISIS đã tạo ra một nền tảng mới cho sự hợp tác giữa các phần tử cực đoan trong khu vực. Sự hợp tác đó có thể được nâng lên một cấp độ mới, khi ISIS bị thua ở Trung Đông và kích động bạo lực ở những nơi khác”.
Theo bà Sidney Jones , nhiều tay súng thánh chiến Hồi giáo có thể tràn vào Philippines , khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo bị thất trận ở Syria và Iraq. Bà nói thêm: "Khi con đường đến Syria ngày càng trở nên khó khăn đối với các phiến quân ở Đông Nam Á, Mindanao có thể là lựa chọn tốt nhất tiếp theo".
Báo cáo trước đó cho thấy có một số lượng không xác định các công dân Indonesia trung thành với ISIS đã đến Mindanao để chiến đấu cùng với các nhóm cực đoan như Abu Sayyaf. Trước đó, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đã bổ nhiệm lãnh đạo Abu Sayyaf là Isnilon Hapilon làm tiểu vương khu vực Đông Nam Á.
Phiến quân Abu Sayyaf chuyên bắt cóc con tin và tuyên bố trung thành với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Ảnh The Jakarta Post |
Các nhà phân tích an ninh cho rằng xung đột kéo dài trong khu vực và số lượng các nhóm cực đoan tôn thờ tư tưởng ISIS gia tăng khiến cho Đông Nam Á trở thành mảnh đất hấp dẫn đối với các mạng lưới cực đoan.
Các nhóm này bao gồm Jemaah Islamiah và mạng lưới khủng bố Jemaah Anshar Khilafah cũng như Abu Sayyaf, Ansarul Khilafah Philippines, nhóm Maute, và Các chiến binh Hồi giáo Tự do Bangsamoro…
Báo cáo IPAC cũng nhấn mạnh rằng trong khi ISIS đã làm cho sự hợp tác giữa các nhóm cực đoan ở Đông Nam Á trở nên sâu sắc hơn, thì hầu hết các cơ quan thực thi pháp luật vẫn duy trì định hướng nội địa, thiếu hiểu biết về các nhóm khủng bố ở bên ngoài biên giới.
Báo cáo viết: "Vào thời điểm khi mà đánh giá chính xác các mối đe dọa an ninh đối với Indonesia hay Malaysia có thể phụ thuộc một phần vào sự hiểu biết về diễn biến ở Philippines, nhược điểm này cần được khắc phục. Điều này là đặc biệt cấp bách vì trong ngắn hạn, ISIS bị thất bại ở Trung Đông có thể làm tăng động lực để chúng thực hiện các hành vi bạo lực ở Đông Nam Á”.
Đông Nam Á đã chứng kiến bạo lực gia tăng của các nhóm cực đoan có liên kết với IS trong năm nay, bắt đầu với các cuộc tấn công táo bạo của bốn phần tử khủng bố ở Jakarta vào đầu năm nay.