Thấy gì từ việc nguyên Trưởng Ban quản trị chung cư Miếu Nổi bị bắt?
Lần đầu tiên, cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam nguyên trưởng ban quản trị chung cư vì chiếm đoạt tiền quỹ. Đây là lời cảnh tỉnh cho ai muốn “kiếm ăn” từ việc tham gia BQT nhà chung cư.
Hải Ninh
Mới đây, Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt giam Phạm Phương, nguyên Trưởng ban quản trị và Đinh Việt Cường, Phó Ban quản trị chung cư Miếu Nổi, Phan Dương Đại, nhân viên Công ty thang máy Đại Tiến cùng về tội “Tham ô tài sản”.
Từ vụ việc trên, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho biết, việc thành viên ban quản trị nhà chung cư bị xử lý về tội tham ô tài sản đã được ông cảnh báo tại nhiều hội thảo trước đó.
Chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: SGGP
Theo luật sư Tú, nhà chung cư đang phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây do nhu cầu nhà ở tại các đô thị tăng cao. Tuy nhiên, kéo theo đó là các tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến chung cư cũng liên tục xảy ra. Bất chấp nỗ lực hoàn thiện chính sách của các cơ quan quản lý, xung đột giữa người dân và chủ đầu tư dự án nhà chung cư vẫn nổ ra, ngày càng gay gắt. Phổ biến là các tranh chấp về việc thành lập BQT, tranh chấp về quyền sở hữu chung sở hữu riêng, tranh chấp về việc quản lý quỹ bảo trì chung cư và xung đột chính những người dân với BQT do mình bầu ra.
Về phía cư dân, việc bầu thành viên BQT rất quan trọng. Tuy vậy, có những người nhiệt tình nhưng không đủ hiểu biết cần thiết để đảm nhiệm vị trí thành viên BQT. Lại có những người tham gia BQT vì mục đích cá nhân, đi ngược với bản chất đây là công việc thiện nguyện vì cộng đồng hoặc họ có ứng xử bất lợi cho cư dân, dẫn đến xung đột giữa chính cư dân và BQT do mình bầu ra. Các mâu thuẫn này thường liên quan đến các vấn đề như: tính minh bạch của các khoản thu, chi quỹ chung cư, chiếm đoạt quỹ chung cư sử dụng cho mục đích cá nhân, không công bằng trong quyết định và giải quyết mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư. Không tuân thủ đúng các Quyết định và Nghị quyết được thông qua trong các cuộc họp nhà chung cư…
Về cơ chế giải quyết dân sự, mặc dù việc tranh chấp trong chung cư thời gian qua rất nhiều, tuy nhiên những vụ nhóm cư dân khởi kiện BQT còn rất hiếm. Một trong những vướng mắc lớn nhất đó là vấn đề chi phí theo đuổi vụ việc, bao gồm tiền tạm ứng án phí và chi phí thuê luật sư nếu nhóm cư dân không cử được người trực tiếp tham gia tố tụng. Các khoản chi phí này thường là khá lớn, trong khi phương án đưa vụ việc ra Toà án để giải quyết không phải lúc nào cũng đạt sự đồng thuận của tất cả các cư dân.
Cho nên, nếu muốn theo đuổi vụ kiện, những người này phải tự bỏ tiền túi của mình ra và nếu kết quả không thuận lợi, những người này bị mất tiền riêng của mình. Ngược lại, nếu kết quả thuận lợi, thì lợi ích có được từ vụ kiện sẽ được toàn bộ cư dân thụ hưởng chung, bao gồm cả những người không phải bỏ tiền của mình ra. Do vậy, rất ít người chấp nhận chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên việc khởi kiện ra Tòa để giải quyết tranh chấp với BQT gần như không thể thực hiện được.
Phạm Phương (hình trên) và Đinh Việt Cường (dưới).
Về chế xử lý hình sự, trong báo cáo gửi Chính phủ trước đây, Bộ Xây dựng kiến nghị đối với hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì, quỹ chung cư Bộ Công an cần chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm.
Luật sư Tú cho rằng, việc khởi tố vụ án để điều tra đối với Trưởng BQT chung cư Miếu Nổi và các đồng phạm về Tội tham ô tài sản là “phát súng đầu tiên” thể hiện sự quyết tâm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết vấn nạn “nhờn luật” của những người tham gia BQT nhằm mục đích “kiếm tiền” bất chính, xem đây là công việc tạo thu nhập, đẩy xung đột, mâu thuẫn giữa cư dân và BQT ngày càng lên cao.
Không ít người nghĩ rằng mối quan hệ giữa cư dân và BQT chỉ thuần tuý là mối quan hệ về pháp luật dân sự, tranh chấp phát sinh (nếu có) sẽ được điều chỉnh theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự. Mọi tranh chấp sẽ được giải quyết bằng con đường thương lượng, hoà giải hoặc khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chính lối suy nghĩ này, phần nào đã làm cho những thành viên BQT thiếu thiện chí trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh vì đó là “chuyện riêng của cư dân”. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Nhà ở 2014 và hướng dẫn tại Thông tư 02/2016/TT-BXD (đã được sửa đổi bởi Thông tư 06/2019/TT-BXD) của Bộ Xây dựng, thì sau khi được hội nghị nhà chung cư bầu, BQT có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị công nhận tại UBND cấp huyện nơi có nhà chung cư và UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra và ban hành Quyết định công nhận hoặc ủy quyền cho UBND cấp xã nơi có nhà chung cư kiểm tra hồ sơ và ban hành Quyết định công nhận BQT.
BQT có nhiều quyền và trách nhiệm theo quy định như Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này; Báo cáo kết quả hoạt động, thu, chi tài chính của BQT, kết quả công việc bảo trì và việc thu, chi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư để hội nghị nhà chung cư kiểm tra, giám sát; Chịu trách nhiệm trước các chủ sở hữu nhà chung cư về nhiệm vụ được giao; chấp hành đúng quy chế hoạt động, quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị.
Bên cạnh đó, thành viên BQT được hưởng thù lao tương xứng với trách nhiệm, nghĩa vụ trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng tòa nhà, cụm nhà chung cư và từng địa phương, trừ trường hợp thành viên BQT từ chối nhận thù lao.
Như vậy, đối chiếu với định nghĩa người có chức vụ tại Khoản 2 Điều 352 Bộ luật Hình sự 2015 “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”, thì thành viên BQT là người có chức vụ. Đồng thời, Khoản 6 Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm
Do đó thành viên BQT là một trong các chủ thể của Tội tham ô tài sản quy định Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, nếu những người này lợi dụng chức vụ, quyền hạn này để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý (như tiền quỹ chung cư), thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tham ô tài sản, với mức hình phạt cao nhất lên đến tử hình. Đồng thời, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nhằm phòng ngừa những tranh chấp có thể phát sinh giữa BQT và cư dân, tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc về mặt hình sự có thể phải gánh chịu, chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp hướng đến mục tiêu chính là tạo ra một hệ thống quản lý chung cư minh bạch và công bằng, đồng thời tăng cường sự tham gia và tinh thần trách nhiệm từ cả cộng đồng cư dân và BQT.
Điều tra cho thấy, năm 2018, Phương giữ vị trí Trưởng Ban quản trị chung cư Miếu Nổi ở quận Bình Thạnh, bàn với Đại lắp 2 thang máy cho lô B và 2 thang máy lô C với giá rẻ, nâng khống giá trị thang máy trong hợp đồng để "ăn chặn" tiền của cư dân.
Đại cho biết, muốn lắp thang máy giá rẻ thì dùng một số linh kiện nhập ngoại, phần còn lại sẽ mua vật liệu gia công hoặc thuê công ty khác làm. Giám đốc công ty thang máy ra giá: 2 thang lô B tải trọng 1.600 kg giá 800 triệu đồng/cái; còn lô C tải trọng 1.000 kg có giá 700 triệu đồng/cái. Hai người này thỏa thuận nâng giá mỗi thang thêm khoảng 200 triệu đồng. Để sự việc thuận lợi, Phương rủ Phó Ban quản trị là Cường cùng nhau chiếm đoạt.
Sau khi nhận tiền thay thế 4 thang máy cho chung cư, Đại chuyển cho Phương 235 triệu đồng, Cường 100 triệu, phần còn lại Đại giữ. Ngoài ra, Đại chỉ cho lắp đặt 3 thang, còn một thang bên Lô C thì bỏ không. Sợ bị phát hiện, Phương phải tự thuê thợ điện, cơ và mua linh kiện về lắp đặt.
Ngoài ra, Phương còn bị cáo buộc "lạm quyền" khi không xin ý kiến cư dân mà mang phần sử dụng chung của chung cư cho người khác thuê kinh doanh. Khi chính quyền phát hiện, yêu cầu tháo dỡ, người thuê đã buộc Phương phải đền 50 triệu tiền hợp đồng. Tuy nhiên, Trưởng Ban quản trị lại dùng tiền đóng góp của cư dân trong hạng mục thu thẻ từ sử dụng thang máy để đền bù hợp đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận bị đình chỉ do liên quan vụ án tham ô hơn 5 tỉ đồng
Bạc Liêu: 2 cựu chủ tịch xã bị đề nghị truy tố tội tham ô
Hai cựu chủ tịch xã ở Bạc Liêu bị cáo buộc tham ô, lập hồ sơ sửa chữa đường mà không sửa, lấy tiền tư túi chi xài cá nhân.
Ngày 12/12, nguồn tin từ Cơ quan điều tra Công an huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu cho hay cơ quan này đã hoàn tất hồ sơ điều tra, chuyển VKS đề nghị truy tố hai cựu chủ tịch xã Vĩnh Bình về tội tham ô tài sản.
Thái Bình: 2 cựu cán bộ ngân hàng tham ô tài sản bị bắt tạm giam
Hai cựu cán bộ Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về tội Tham ô tài sản.
Ngày 9/1, thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tuế (42 tuổi), cựu chuyên viên thu giữ tài sản Ngân hàng PVcomBank và Phan Văn Dương (32 tuổi), cựu chuyên viên quản lý khách hàng cá nhân Ngân hàng PVcomBank để điều tra tội Tham ô tài sản, quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự.