CTCP Đầu tư Hải Thạch B.O.T vừa bán thành công hơn 41,76 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) theo hình thức thỏa thuận trong thời gian từ 16/1-8/2. Mục đích giao dịch được Hải Thạch B.O.T đưa ra là để huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của Hải Thạch B.O.T tại HHV giảm từ 33.68% (tương đương 103,66 triệu cổ phiếu) xuống còn 20,11% (61,9 triệu cổ phiếu).
Mặc dù giảm sở hữu, song giữa Hải Thạch B.O.T và HHV vẫn có những mối quan hệ khác. Trong đó, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Hải Thạch B.O.T Võ Thụy Linh cũng đang là Thành viên HĐQT HHV. Đồng thời, Thành viên HĐQT Hải Thạch B.O.T Nguyễn Hữu Hùng cũng là Phó Chủ tịch HĐQT HHV. Ngoài ra, trên báo cáo tài chính 2022, Hải Thạch B.O.T cũng từng là bên cho HHV vay hàng trăm tỷ đồng.
Trong khi Hải Thạch B.O.T bán bớt vốn tại HHV thì ở chiều ngược lại, ngày 18/1, ông Phạm Đình Thắng đã mua vào 9,5 triệu cổ phiếu HHV tăng sở hữu lên hơn 17,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,62% và chính thức trở thành cổ đông lớn.
Như vậy, cơ cấu cổ đông lớn của HHV bắt đầu có sự biến động trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm 2022 của HHV cũng không như kỳ vọng khi doanh thu tăng 13% với gần 2,095 tỷ đồng, nhưng lãi ròng chỉ nhích nhẹ lên gần 275 tỷ đồng và mới thực hiện được 69% kế hoạch năm.
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động thu phí và vận hành các trạm BOT chiếm chủ yếu tới 71% khi đạt 1.491 tỷ đồng; tiếp theo đó là hoạt động thi công xây lắp, doanh thu 530 tỷ đồng, chiếm hơn 25% tổng doanh thu năm 2022. Đây là hai hoạt động góp phần nhiều nhất vào sự tăng trưởng lợi nhuận của HHV, với biên lợi nhuận gộp lần lượt là 62% và 13%.
Dù vậy, bức tranh tài chính của HHV cũng cần lưu ý nhiều vấn đề. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của HHV tăng thêm ngàn tỷ lên tới 27.250 tỷ đồng (chiếm 76% tổng tài sản). Trong đó HHV vẫn duy trì hơn 20.000 tỷ là nợ vay tài chính dài hạn tại các tổ chức tín dụng VietinBank (19.329 tỷ) và VietABank (940 tỷ), cùng các đơn vị như Hải Thạch B.O.T và CTCP Đầu tư Hạ tầng miền Bắc để tài trợ cho các dự án BOT.
Một trong các dự án của HHV |
Triển khai loạt dự án lớn, vốn từ đâu?
Việc HHV vay nợ lớn có lẽ là điều dễ hiểu khi đang đầu tư loạt dự án lớn. Song nhìn vào quy mô các gói thầu sắp tới của HHV cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó thì HHV sẽ còn phải tăng năng lực tài chính hơn hiện tại.
Cụ thể, một số dự án theo hình thức BOT của HHV như dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo (13.690 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành 2024; dự án Tân Phú – Bảo Lộc (17.200 tỷ) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án Hữu Nghị - Chi Lăng (10.013 tỷ) đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh (13.174 tỷ) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, HHV còn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và liên doanh tham gia xây lắp như các gói thầu thuộc cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (1.400 tỷ) đang thi công; gói xây lắp 1 cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (3.862 tỷ) đã trúng thầu; hay 2 dự án dự kiến tham gia là cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (17.200 tỷ) và cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (13.174 tỷ).
Trong bối cảnh nhu cầu nguồn vốn lớn, nhưng HHV lại vừa phát hành thêm cổ phiếu nhưng cổ đông không mấy mặn mà khi chỉ bán được hơn 15% trong tổng số hơn 267 triệu cổ phiếu đưa ra.
Cụ thể, vào cuối năm 2022, HHV phát hành hơn 267,4 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng chỉ có hơn 40 triệu cổ phiếu được phân phối, chiếm 15,12% tổng lượng phát hành. Như vậy, đợt phát hành của HHV còn dư tới gần 227 triệu cổ phiếu.
Đây là lần đầu tiên HHV chào bán cổ phiếu ra công chúng kể từ khi bắt đầu giao dịch trên UPCoM vào năm 2015, nhưng lại ghi nhận kết quả không như ý. HHV chỉ thu về hơn 404 tỷ đồng sau đợt phát hành, trong khi kế hoạch dự thu lên tới 2.674 tỷ đồng, và sẽ tăng vốn lên gấp đôi hơn 5.347 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, số tiền thu được từ việc chào bán, HHV dự kiến dùng 182.3 tỷ đồng góp vốn vào các doanh nghiệp khác để thực hiện dự án; 392.4 tỷ đồng đầu tư bất động sản sẵn và đưa vào khai thác; 492 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động bao gồm trả nợ, mua sắm thiết bị...
Ngoài ra, 1.670 tỷ đồng còn lại được HHV dùng để hợp tác đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam và cùng công ty mẹ là Tập đoàn Đèo Cả đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1.
Như vậy, nguồn vốn sắp tới cho các kế hoạch này của HHV sẽ được sắp xếp từ đâu khi thị giá cổ phiếu HHV hiện cũng chỉ quanh mức 13.000 đồng/cp, ghi nhận mức giảm hơn 44% trong vòng 1 năm qua. Dù thanh khoản của HHV cũng rất sôi động khi bình quân hơn 3 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Tuy nhiên theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), HHV có dòng tiền dồi dào từ hoạt động vận hành thu phí. HHV hiện đang quản lý, vận hành khoảng 15 trạm thu phí dịch vụ cùng 25 km đường bộ, hơn 265 km đường cao tốc và quốc lộ. Với 300 - 400 tỷ đồng mỗi năm từ các trạm thu phí, HHV có thể duy trì khả năng trả cổ tức tiền mặt và đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh ngay cả khi thị trường đi vào giai đoạn khó khăn.
Trong dài hạn, HHV cũng sẽ được bổ sung nguồn thu từ các dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc và Hữu Nghị - Chi Lăng.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận hoạt động thu phí dự kiến được cải thiện trong dài hạn nhờ khả năng tăng giá vé 15-18% mỗi 3 năm. Đồng thời lưu lượng xe qua cao tốc tăng qua các năm cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, phổ biến xe hơi và xu hướng chuyển dịch sử dụng cao tốc cho các chặng di chuyển dài thay thế cho các tuyến quốc lộ.