Kỳ vọng vào một nhịp phục hồi ngắn hạn
CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch 27/3, sự bứt phá của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VCB, SAB, VRE và CTG là yếu tố chính giúp chỉ số VN-Index duy trì được sắc xanh, trong đó VIC là cổ phiếu tác động tích cực nhất khi tăng hơn 6%.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 1,85 điểm (+0,27%), đóng cửa ở mức 696,06. Thanh khoản HoSE ở mức gần 330 triệu cổ phiếu, giá trị gần 6.000 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (107 mã tăng/ 239 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ mua ròng gần 18 tỷ đồng trên HoSE, tập trung chủ yếu vào VNM (khoảng 61 tỷ).
Về kỹ thuật, đồ thị tuần VN-Index xuất hiện cây nến xanh nhỏ dạng “Dragonfly doji”, cho tín hiệu đảo chiều tăng giá mạnh. Do đó Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 700 – 720 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 740 – 760 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 660 – 680 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 620 – 640 điểm.
Aseansc cho rằng nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một nhịp phục hồi ngắn hạn trong tuần tới, trong đó vùng kháng cự gần dự báo ở mức 700 – 720 điểm. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 70% cash/30% stocks.
Chưa nên vội gia tăng tỷ trọng ở thời điểm hiện tại
CTCK Tân Việt (TVSI): VN-Index đóng cửa tại 696,06 điểm, tăng 1,85 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá. Trong khi đó thanh khoản đạt 2.877 tỷ, tăng 6,7% nhưng vẫn duy trì dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất.
Chỉ số chịu áp lực điều chỉnh ngay thời gian mở cửa, mặc dù vậy lực cầu trở lại, đặc biệt tại nhóm vốn hóa lớn giúp chỉ số nhanh chóng lấy lại sắc xanh. Tuy nhiên hiệu ứng tích cực không có sự lan tỏa cho thấy tâm lý dòng tiền vẫn tỏ ra thận trọng. Điều này sẽ gây áp lực lên đà hồi phục của thị trường. VN-Index có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 650 – 685 điểm trước khi hồi phục trở lại.
TVSI cho rằng nhà đầu tư chưa nên vội gia tăng tỷ trọng ở thời điểm hiện tại. Vùng hỗ trợ 650 – 685 điểm, vùng kháng cự 740 – 760 điểm.
Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:
- Nhóm Chứng khoán duy trì xu hướng giảm giá ngắn hạn.
- Nhóm Dệt may giảm trở giá trở lại sau phiên tăng mạnh trước đó cho thấy dòng tiền vẫn tỏ ra thận trọng đối với khả năng hồi phục của nhóm này. Xu hướng giảm giá ngắn hạn dự báo tiếp tục duy trì.
Mua khi nhịp điều chỉnh xuất hiện trong thời gian tới về sát vùng hỗ trợ ngưỡng 600 điểm
CTCK MB (MBS): Thị trường chứng khoán trong nước kết thúc tuần 23-27/3 với phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp.
Tin tích cực nhất là khối ngoại đã trở lại mua ròng cùng với hỗ trợ của nhóm cổ phiếu Vingroup, ngân hàng đã giúp VN-Index giữ vững đà tăng. Tuy nhiên phần lớn các mã vẫn giảm sàn khiến cho chỉ số VN30 không vượt qua mốc tham chiếu.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 1,85 điểm lên 696,06 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 4,47 điểm xuống 642,23 điểm. Tiếp tục một phiên “xanh vỏ đỏ lòng”, toàn thị trường có 107 mã tăng/239 mã giảm, ở rổ VN30 có 12 mã tăng, 18 mã giảm.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp tuy nhiên đã cải thiện so với phiên hôm qua với giá tṛi khớp lệnh đạt gần 2.878 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại là điểm sáng trong phiên hôm nay khi trở lại mua ròng với tổng giá trị 30 tỷ đồng trên toàn thị trường.
MBS cho rằng nhịp tăng của thị trường có thể sẽ khó duy trì động lực trong tuần tới do phần lớn đà tăng đến từ nhóm Vingroup là chính và nhà đầu tư nước ngoài tạm dừng mạch bán ròng 33 phiên liên tiếp.
Diễn biến hồi kỹ thuật ngắn hạn đã có tín hiệu hạ nhiệt vào phiên cuối tuần và thanh khoản cũng không duy trì được mức cao cho thấy dòng tiền còn khá dè dặt. Do đó, chiến lược ngắn hạn vẫn xem xét trading T+ khi hàng về tài khoản.
Đối với nhà đầu tư trung hạn, nếu nhịp điều chỉnh xuất hiện trong thời gian tới về sát vùng hỗ trợ 600+/- điểm có thể là cơ hội mua cho chu kỳ từ 6 đến 8 tháng tới.
Giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn
CTCK Phú Hưng (PHS): Theo quan điểm kỹ thuật, VN- Index có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp. Khối lượng giao dịch tuy có giam tăng nhưng vẫn dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn khá thận trọng.
Không những vậy, xu hướng chính của chỉ số vẫn là giảm điểm, khi chỉ số duy trì đóng cửa dưới MA20 và chùm MA5,10,20 phân kỳ âm tiếu cực.
Thêm vào đó, trên đồ thị nến, cây nến tăng vừa qua có thân thu hẹp so với các cây nến trước, cho thấy đà tăng của nhịp hồi kỹ thuật từ phiên 25/3 đang có tín hiệu suy giảm, cho thấy nhịp hồi có thể sớm kết thúc và chỉ số có thể sẽ sớm quay lại xu hướng giảm chính.
Vùng hỗ trợ gần của chỉ số VN- Index có thể quanh 652 điểm (đáy gần đây).
Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tiêu cực hơn. Chỉ số có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp và duy trì đóng cửa dưới MA20, cho thấy xu hướng giảm vẫn đang tiếp diễn, ngưỡng hỗ trợ gần có thể quanh vùng 95 điểm (vùng đáy tháng 7/2018).
Nhìn chung, nhịp hồi kỹ thuật do hiện tượng quá bán có thể sẽ sớm kết thúc, thị trường có thể sẽ sớm quay lại xu hướng giảm trong những phiên tới.
Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn nhằm hạn chế rủi ro bất ngờ từ thị trường.