Quý 1/2020 diễn ra không mấy suôn sẻ khi căng thẳng chính trị Mỹ - Iran ngay những ngày đầu năm và dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Kết thúc phiên cuối quý I, chỉ số VN-Index dừng tại 662,53 điểm, giảm 31% so với thời điểm đầu năm, con số mà không nhà đầu tư nào có thể nghĩ tới trước khi bước sang năm 2020. Tại mức điểm này, định giá P/E của VN-Index chỉ còn 9,8 lần, thấp nhất trong vòng 5 năm.
Thị trường chứng khoán không mấy tích cực có phần khiến cho tình hình kinh doanh của các CTCK không mấy hiệu quả, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng báo lỗ.
Loạt CTCK lỗ nặng
CTCK Bảo Minh (BMS) là một trong những CTCK đầu tiên báo lỗ gần 38 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là vì khoản lỗ tài sản chính ghi nhận theo lãi/lỗ (FVTPL) tăng mạnh hơn 83% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 98 tỷ đồng (chủ yếu là do đánh giá lại tài sản).
Trong khi đó, lãi từ tài sản FVTPL giảm tới hơn 22% về còn 57 tỷ đồng. Không có nguồn thu đáng kể từ mảng cho vay margin cũng như môi giới chứng khoán, BMS chấp nhận báo lỗ.
Tiếp đó là CTCK Bảo Việt (BVS) lần đầu tiên báo lỗ trong quý kể từ năm 2012 với số lỗ gần 23,6 tỷ đồng.
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) ghi nhận lỗ 61 tỷ đồng trong quý 1/2020, đây là quý thứ hai liên tiếp Công ty chứng khoán này báo lỗ.
Đối với CTCK ACB (ACBS) và CTCK Rồng Việt (VDS), hai công ty này ghi nhận kết quả sụt giảm ở các 3 mảng là tự doanh (chủ yếu là do đánh giá lại tài sản FVTPL), môi giới và cho vay margin. Tuy nhiên tự doanh vẫn là mảng gây ra kết quả tồi tệ.
Cụ thể, ACBS ghi nhận lãi từ tài sản FVTPL giảm tới hơn 80% so với cùng kỳ, ở mức hơn 5 tỷ đồng. Lỗ từ tài sản FVTPL gấp hơn 3 lần cùng kỳ, chiếm gần 64 tỷ đồng. Quý 1, ACBS báo lỗ gần 31 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 30 tỷ đồng.
Về phần VDS, Công ty ghi nhận lãi từ tài sản FVTPL gần 3 tỷ đồng trong khi lỗ từ tài sản FVTPL lên tới gần 106 tỷ đồng. Kết hợp với doanh thu môi giới và lãi cho vay, phải thu giảm nhẹ, VDS báo lỗ hơn 88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 21 tỷ đồng.
CTCK gặp khó trong quý 1/2020 do COVID-19. |
CTCK BOS (ART) của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng phải báo lỗ 38 tỷ đồng trong quý 1 trong khi cùng kỳ có lãi 4 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty lỗ gần 110 tỷ đồng khi bán 8,45 triệu cổ phiếu ROS ở mức giá gần 9.700 đồng/cp. Trong khi số cổ phiếu trên được Công ty mua với giá bình quân khoảng 22.600 đồng/cp.
Đáng nói, danh mục tự doanh của Chứng khoán BOS đều là những đơn vị có liên quan đến Tập đoàn FLC đang niêm yết như FLC, HAI, ROS, GAB, KLF và các hai mã cổ phiếu chưa niêm yết là BAV (Bamboo Airways) và FHH (FLCHomes).
Trong khi đó, CTCK FPT (FPTS) báo lỗ gần 88 tỷ đồng trong quý 1. Phần nhiều do đánh giá lại các tài sản tài chính (chủ yếu là khoản đầu tư vào MSH) dẫn tới phải ghi lãi tài sản FVTPL âm hơn 133 tỷ đồng. Trong quý 1, FPTS không ghi nhận lỗ tài sản tài chính FVTPL đáng kể.
Số ít CTCK báo lãi nhưng lãi đổ đèo
CTCK VNDirect (VND) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 35% so với cùng kỳ, đạt 59 tỷ đồng dù cho doanh thu hoạt động đạt 457 tỷ đồng, tăng 42%.
Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) của Công ty đạt 106 tỷ đồng, tăng 76%. Doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn đạt 170 tỷ đồng, tăng trưởng 133%.
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 95 tỷ đồng, tăng 9%. Doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán ghi nhận mức giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 80 tỷ đồng.
Theo báo cáo giải trình của VNDirect, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong quý 1/2020, VN-Index giảm 31%, tác động trực tiếp đến danh mục đầu tư của công ty, dẫn đến chi phí trích lập dự phòng lớn. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tổng chi phí của công ty chứng khoán này tăng cao.
Với CTCK Bản Việt (VCSC), Công ty này ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 379 tỷ đồng, tăng 3,3% so với quý 1/2019. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm tỷ trọng lớn nhất với 197 tỷ đồng, giảm 3,4 tỷ so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản vay và phải thu kỳ này đạt 87 tỷ đồng, tăng 23% và doanh thu từ hoạt động môi giới giảm nhẹ 1,8 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng mạnh lên 214 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với quý cùng kỳ do lỗ FVTPL 167,8 tỷ đồng, trong khi quý 1 năm trước được hoàn 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng tăng mạnh với 64,7 tỷ đồng, gấp 2 lần.
Doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận sự sụt giảm khi chỉ đạt 2,9 tỷ đồng so với mức 4,7 tỷ đồng của quý 1/2019. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, VCSC báo lợi nhuận sau thuế quý 1 gần 119 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.