Thiết giáp Nga hóa giải hỏa lực chống tăng của Ukraine ra sao?
Bất chấp việc các loại hỏa lực chống tăng hiện đại được NATO viện trợ cho Ukraine ngày càng nhiều, số lượng xe tăng Nga bị đánh trúng trên chiến trường dường như đang giảm dần.
Tiến Minh (theo Military Watch, CNN)
Xem toàn bộ ảnh
Trang “Quan sát quân sự” của Mỹ cho rằng, tỷ lệ trúng đích của tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất và máy bay không người lái tự sát (FPV) của quân đội Ukraine, dùng để tấn công xe tăng Nga đang giảm nhanh chóng. Một khi tên lửa và FPV tiếp cận xe tăng Nga, chúng sẽ bị gây nhiễu điện tử mạnh.
Flesch, chuyên gia tác chiến điện tử người Ukraine thì cho rằng, “một quốc gia bí ẩn” đã cung cấp thiết bị điện tử có liên quan cho Nga, giúp Nga lắp đặt mái vòm bảo vệ điện tử trên xe tăng của họ; mặc dù Ukraine cũng đang phát triển hệ thống tương tự nhưng tiến độ tương đối chậm.
Hệ thống phòng thủ chủ động Arena-M mà xe tăng Nga lắp đặt, có thể sử dụng các phương pháp phòng vệ như bom khói, thiết bị gây nhiễu, mồi nhử và giảm tín hiệu đặc trưng để đánh lừa và gây nhiễu đạn đang bay tới, khiến nó bay chệch mục tiêu. Arena-M cũng có thể tự động phóng đạn, để đánh chặn các mục tiêu đang lao tới với tốc độ 1.200 m/s.
Cốt lõi của hệ thống Arena-M là radar và hệ thống tính toán, giám sát 360 độ, giúp định vị chính xác các mục tiêu đang lao tới với tốc độ cao. Như vậy Nga phải có công nghệ phát hiện và nhận dạng liên quan, công nghệ gây nhiễu và chống nhiễu, công nghệ xử lý dữ liệu, công nghệ điều khiển, công nghệ phóng đạn, v.v.
Các chuyên gia Ukraine tin rằng, Nga đã nhập khẩu các phụ kiện và linh kiện điện tử liên quan; giúp tăng cường đáng kể khả năng chiến tranh điện tử, phát hiện và định vị nhanh chóng các mối nguy hiểm đe dọa với xe tăng của họ. Kết quả là nhiều tên lửa và UAV tự sát của Ukraine đã bay chệch mục tiêu.
Có thể thấy số lượng xe tăng Nga bị tổn thất đã giảm tương đối nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là hiếm khi người ta thấy hình ảnh tên lửa chống tăng Ukraine bắn trúng xe tăng Nga. Nó cho thấy mái vòm điện tử bảo vệ trên xe tăng Nga đang hoạt động rất tốt.
Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yuri Ignat cho biết, lợi thế thực sự của Nga là ưu thế về tác chiến điện tử; đây cũng là một trong những yếu tố then chốt khiến Nga luôn nắm thế chủ động trên chiến trường.
Lực lượng tác chiến điện tử của Nga thậm chí còn có khả năng gây nhiễu tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine; cũng như gây nhiễu máy bay không người lái Ukraine từ khoảng cách xa, làm giảm khả năng tấn công và trinh sát của máy bay không người lái Ukraine.
Quân đội Nga có lợi thế đáng kể trong tác chiến điện tử, với các đơn vị tác chiến điện tử chuyên trách của Nga, có khả năng gây nhiễu tín hiệu điện thoại di động, tín hiệu vệ tinh GPS và tần số vô tuyến của quân đội Ukraine. Thậm chí có thể tìm kiếm các tín hiệu liên lạc và điện tử của quân đội Ukraine, sau đó chế áp làm tê liệt các nguồn của các tín hiệu này.
Cho đến nay, một nửa số máy bay không người lái của quân đội Ukraine bị rơi do hệ thống tác chiến điện tử của Nga can thiệp. Sức mạnh pháo binh mạnh mẽ, khả năng tấn công bằng tên lửa tầm xa và khả năng tác chiến điện tử là 3 lợi thế chiến đấu lớn của quân đội Nga trên chiến trường Nga-Ukraine.
Hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã được triển khai rộng khắp trên toàn bộ chiến tuyến, can thiệp làm tê liệt thông tin chỉ huy, UAV và đạn dẫn đường của quân đội Ukraine; giúp pháo binh Nga áp đảo tiêu diệt các lực lượng tấn công và phòng thủ của quân đội Ukraine. Trong khi đó, tên lửa tập trung tấn công cơ sở hạ tầng, kho đạn, nhà máy quốc phòng và hệ thống điện của Ukraine.
Theo hãng tin Mỹ CNN cho biết, Ukraine sẽ rơi vào tình thế hiểm nghèo, nếu Mỹ không gấp rút viện trợ cho hệ thống phòng không cho Kiev. Kể từ mùa đông năm ngoái, Lực lượng hàng không vũ trụ Nga và lực lượng tên lửa đã bắt đầu tấn công mạnh vào các hệ thống điện và năng lượng của Ukraine.
Đến đầu năm nay, hơn một nửa hệ thống điện của Ukraine đã bị phá hủy. Giao thông đường sắt hiện là phương tiện chủ lực của Ukraine; thậm chí cả điện và hệ thống sưởi trên khắp Ukraine sẽ sớm bị tê liệt hoàn toàn, trước cuộc tấn công mãnh liệt và “không nương tay” của Nga.
Vào thời điểm đó, có thông tin cho rằng quân đội Nga đã sử dụng tên lửa hành trình phóng từ biển, trên không; tên lửa siêu thanh, tên lửa đạn đạo, UAV tự sát tầm xa, v.v. để liên tục tấn công hệ thống năng lượng ở thủ đô Kiev. Kiev bị không kích “đa dạng và mật độ đáng kinh ngạc”.
Thậm chí khi đó, lãnh đạo Ukraine đã bắt đầu lên kế hoạch chuyển tất cả cư dân của Kiev, Kharkov và các thành phố lớn khác ra khỏi thành phố. Nếu cuộc không kích bằng tên lửa của Nga kéo dài thêm 2 tháng nữa, khả năng cao là toàn bộ xã hội và nền kinh tế Ukraine sẽ bị ảnh hướng nặng nề.
Tuy nhiên, Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều cho các hệ thống phòng không của Ukraine, ngay cả khi số đạn tên lửa Patriot, mà Lực lượng phòng không Ukraine tiêu thụ một tháng, bằng Mỹ sản xuất cả năm, thì Mỹ cũng cố gắng bảo đảm đạn tên lửa cho phòng không Ukraine chiến đấu.
Đặc biệt là vào tháng 12 năm ngoái, các loại tên lửa phòng không IRIS-T, NASAMS, S-300 và Patriot trên hướng Kiev đã đánh chặn hiệu quả các đợt tấn công dữ dội nhất của Nga, nhằm vào các hệ thống năng lượng.
Sau mùa xuân năm nay, khi Nga đã sử dụng hàng nghìn tên lửa trong các cuộc không kích mà không đạt hiệu quả cao, họ không còn tập trung vào việc tấn công vào Kiev. Việc giáng đòn vào hệ thống năng lượng và điện của Nga vào Kiev bắt đầu yếu đi.
Nhưng điều thú vị là phía Ukraine cho biết, hệ thống phòng không NASAMS do Mỹ viện trợ, sử dụng tên lửa không đối không tầm xa AIM-120B (đã được sửa đổi để phóng từ mặt đất), đều được sản xuất vào khoảng năm 1994 và hạn sử dụng của những tên lửa này là 2024-2025.