Thiếu hỏa lực pháo binh, Nga biến pháo hải quân thành pháo mặt đất
Mới đây, truyền thông Nga Vodohrai đã tung ra đoạn video chiến đấu của đơn vị pháo binh Nga thu hút sự chú ý của giới chuyên môn, khi biến hải pháo AK-130 thành pháo mặt đất M-46.
Tiến Minh (Theo Defence-ua.com)
Xem toàn bộ ảnh
Trong video này, binh sĩ Nga sử dụng hệ thống pháo lai độc đáo. Giá pháo là từ pháo xe kéo 130mm M-46 đã bị Quân đội Liên Xô loại khỏi biên chế chiến đấu từ rất lâu; thân pháo là từ pháo AK-130 của hải quân. Quân đội Nga đã sử dụng loại "pháo lai" này, để chiến đấu ở chiến trường Ukraine.
Truyền thông phương Tây cho rằng, sự xuất hiện của những loại vũ khí hỗn hợp như vậy trong chuỗi trận chiến của Quân đội Nga chứng tỏ đầy đủ rằng, Quân đội Nga đã tỏ ra cũng “đuối lực” và chỉ có thể sử dụng những loại vũ khí kết hợp tạm thời như vậy để bù đắp cho sự tổn thất về hỏa lực tầm xa.
Pháo xe kéo 130mm M-46 là loại pháo dã chiến, được Liên Xô phát triển vào giữa thập niên những 1940. Nó được biết đến với hiệu suất đáng tin cậy và kết cấu chắc chắn. Đây cũng là vũ khí chính của lực lượng pháo binh Liên Xô trong nhiều thập kỷ.
Pháo M-46 áp dụng thiết kế của pháo binh cổ điển, khi có bánh xe phụ ở phía trước (tiền xa). Mặc dù có trọng lượng nặng, nhưng mang lại sự ổn định trong quá trình cơ động và thuận lợi cho việc di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau. Vào những năm 1980, khi pháo xe kéo 152mm 2A36 Hyacinth B bắt đầu được trang bị cho Quân đội Liên Xô, pháo M-46 dần được cho loại khỏi biên chế chiến đấu và được chuyển vào kho niêm cất.
Truyền thông phương Tây trước đó đưa tin, với sự hỗ trợ của Iran và Triều Tiên, lực lượng pháo binh Nga đã tái khởi động sử dụng pháo 130mm M-46 làm vũ khí hỗ trợ tầm xa. Trong các video trước đó, người ta thấy lính Nga nạp đạn 130mm vào nòng pháo. Màu sắc của đạn là màu đen, khác với màu tiêu chuẩn của Quân đội Nga, người ta suy đoán rằng đây là mẫu do Triều Tiên sản xuất.
Điều đáng chú ý là pháo M-46 sử dụng khóa nòng then ngang và loại đạn nạp rời (đầu đạn và ống thuốc phóng nạp riêng). Nhưng trong video này, người xem có thể thấy cấu trúc khóa nòng hoàn toàn khác với cấu trúc của pháo M-46. Qua so sánh, có thể biết đây chính là đặc điểm của hải pháo AK-130.
AK-130 là loại pháo hải quân tự động hai nòng, được Liên Xô phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vào đầu thập niên 1970, được sử dụng để thay thế cho pháo hải quân SM-2 cũ và trở thành pháo chính của các tàu khu trục, tuần dương hạm mới.
AK-130 có tốc độ bắn chiến đấu lên tới 90 phát/phút và có thể bắn trúng các mục tiêu di chuyển nhanh, nên có thể sử dụng để phòng không và tác chiến trên mặt nước (tầm bắn chống lại mục tiêu trên mặt nước là 23 km). AK-130 là loại pháo hải quân mạnh nhất đang được sử dụng và là một trong số ít pháo hải quân hai nòng hiện đại.
Trong quá trình phát triển pháo hải quân AK-130, loại đạn của pháo xe M-46 được sử dụng, nhưng theo yêu cầu của pháo hải quân tự động, loại đạn nạp rời được chuyển sang loại đạn cố định (đầu đạn cố định luôn vào ống thuốc phóng). Kiểu thiết kế đạn này giúp đơn giản hóa cơ chế nạp đạn và tăng tốc độ chiến đấu của đạn.
Pháo AK-130 được sử dụng rộng rãi làm pháo hải quân trên các tàu chiến cỡ lớn thời Xô Viết. Tuy nhiên, các tàu chiến cỡ lớn trong Hải quân Nga hiện nay khá hiếm, nên các nòng pháo hải quân AK-130 và đạn pháo trong kho đã không còn được sử dụng. Điều này gợi ý cho Quân đội Nga vốn đang rất cần vũ khí hỗ trợ tầm xa, nhìn thấy cơ hội và đưa “hải pháo” xuống làm pháo mặt đất.
Vì đạn của AK-130 có cùng cỡ nòng với M-46, nên giúp kết hợp hai hệ thống pháo khác nhau thành loại "pháo lai". Đồng thời, do thiết kế sử dụng nòng của AK-130, nên loại “pháo hybrid” này vẫn sử dụng loại đạn của AK-130. Loại đạn này nặng đến mức phải hai người lính mới có thể khiêng được để hoàn thành công việc nạp đạn.
Những gì xuất hiện trong video có lẽ là viên đạn nổ phá OF-44 được sử dụng trên hải pháo AK-130. Tổng viên đạn nặng 52,8 kg, dài 1.364 mm; đầu đạn nặng 33,4 kg, chứa 3,56 kg thuốc nổ TNT, sử dụng ngòi nổ 4MRM.
Là pháo xe kéo, để đáp ứng nhu cầu nạp đạn thủ công, nên pháo M-46 sử dụng loại đạn nạp rời, để giảm gánh nặng cho pháo thủ. Nhưng để đáp ứng yêu cầu chiến đấu lúc này, pháo thủ của loại pháo lai này phải làm việc vất vả hơn trong nạp đạn.
Theo đánh giá, loại pháo lai này có hỏa lực tương đương pháo hải quân AK-130 và duy trì khả năng cơ động của pháo M-46, mà không tăng thêm quá nhiều trọng lượng; trong khi vẫn duy trì được khả năng cơ động, linh hoạt của pháo xe kéo. Như vậy Quân đội Nga đã giải quyết được bài toán, vừa tận dụng tối đa nòng pháo và đạn AK-130 có trong kho của Hải quân Nga, giải quyết phần nào vấn đề thiếu pháo hỗ trợ tầm xa ở tiền tuyến.
Có thể dễ nhận thấy, cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra giữa Nga và Ukraine không chỉ khiến Ukraine phải tìm kiếm sự giúp đỡ khắp nơi, mà còn khiến Nga cảm thấy căng thẳng, khi phải đưa ra giải pháp “thời vụ” như vậy.
Đây không phải là lần đầu tiên Quân đội Nga sử dụng pháo hải quân làm vũ khí trên bộ. Trước đó, có thông tin cho rằng Quân đội Nga đã lắp đặt pháo hải quân tự động 25 mm 2M-3M nòng đôi trên xe vận tải bọc thép bánh xích MT-LB. Lý do cũng giống như AK-130 lần này, là nhằm tận dụng tối đa kho vũ khí, đạn dược hiện có để bổ sung cho nhu cầu chiến đấu ở tiền tuyến. (Nguồn ảnh: Sina, Sputnik, Wikipedia).
Khẩu pháo lai giữa AK-130 và M46 của Quân đội Nga đang khai hỏa ở chiến trường Ukraine. Nguồn: Sputnik.