Thổ Nhĩ Kỳ đang ở “ngoài vòng cương tỏa“
(Kiến Thức) - Theo cựu quan chức CIA Larry Johnson, Thổ Nhĩ Kỳ đang ở “ngoài vòng cương tỏa”, khi Ankara chỉ theo đuổi lợi ích riêng và không hề quan tâm đến Mỹ.
Washington thông báo rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ 12 máy bay chiến đấu được điều đến nước này trước đó một tháng, bao gồm 6 tiêm kích F-15 Eagle và 6 cường kích F-15 Strike Eagle.
Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới thăm căn cứ quân sự Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Geoff Davis cho biết, đây chỉ là sự trùng hợp. Động thái này không có nghĩa là Mỹ thay đổi lập trường trong cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ và trong cuộc chiến chống IS.
Giới phân tích hiện đang băn khoăn về việc không quân Mỹ rút 12 máy bay chiến đấu F-15 khỏi một căn cứ không quân ở
Thổ Nhĩ Kỳ là do có chủ ý hay bị Ankara xua đuổi. Những chiếc chiến đấu cơ tiêm kích F-15 này đã được triển khai hồi tháng trước (trên cơ sở tạm thời) để bảo vệ không phận Thổ Nhĩ Kỳ và chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria, sau vụ máy bay ném bom Su-24 bị bắn hạ.
|
Cựu quan chức CIA Larry Johnson: Vviệc rút máy bay F-15 ít liên quan đến bảo vệ không phận Thổ Nhĩ Kỳ mà liên quan nhiều hơn đến việc chính phủ Mỹ kêu gọi Ankara “lùi bước” trong việc trấn áp người Kurd. |
Trả lời mạng tin RT của Nga về quyết định nói trên của Lầu Năm Góc, cựu quan chức CIA Larry Johnson cho rằng việc rút máy bay F-15 ít liên quan đến bảo vệ không phận Thổ Nhĩ Kỳ mà liên quan nhiều hơn đến việc chính phủ Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “lùi bước” trong việc trấn áp người Kurd. Đây là một phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara bất mãn trước việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách buộc máy bay chiến đấu Mỹ rút đi, Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm thiểu khả năng yểm trợ trên không cho các lực lượng trên chiến đấu mặt đất chống IS ở Syria. Một lần nữa, Thổ Nhĩ Kỳ lại gián tiếp thừa nhận việc hỗ trợ ISIS, chứ không sẵn sàng tiêu diệt tổ chức khủng bố này.
Về việc Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò tích cực hơn trong chiến dịch không kích do Mỹ cầm đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo và kêu gọi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ “xâm nhập trái phép” rời khỏi Iraq, ông Johnson nhận định: Điều này cho thấy ảnh hưởng của Tổng thống Barack Obama đối với Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu nghiêm trọng. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta đánh giá chính quyền Obama là khá bất lực. Đây chỉ là một ví dụ khác cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không mấy quan tâm đến những lời kêu gọi của Mỹ . Không có biện pháp trừng phạt nào được đưa ra khi Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ những đòi hỏi của Mỹ. Người Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích riêng và họ đang theo đuổi lợi ích cá nhân bất kể Washington muốn hay không muốn.
|
Cuộc nói chuyện giữa Tổng thống TNK Erdogan và Tổng thống Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20. Trong con mắt của Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Obama là khá bất lực. |
Đánh giá về những hành động mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Johnson cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Erdogan đang ngả về phía các thế lực Hồi giáo Sunni cực đoan. Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út chia sẻ mục tiêu chung là kiềm chế Iran. Hai nước này rất lo ngại ảnh hưởng của Iran nói riêng và của người Hồi giáo Shia lan truyền khắp Trung Đông, một phần là do việc Mỹ lật đổ Saddam Hussein ở Iraq. Hiện thời, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út đang phối hợp với nhau trong việc hỗ trợ các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Vụ Thổ Nhĩ Kỳ phục kích bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga là có chủ ý.
Vì vậy, theo quan điểm của cựu quan chức CIA Larry Johnson, Thổ Nhĩ Kỳ đang ở “ngoài vòng cương tỏa” và một số quốc gia, trong đó có Mỹ, sẽ phải tìm cách đưa nước này vào khuôn phép.