Lực lượng người Kurd ở Syria tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng cuộc chiến chống IS, nã pháo vào một thị trấn biên giới do lực lượng này kiểm soát. Cáo buộc nói trên bộc lộ vai trò phức tạp của Ankara trong cuộc nội chiến Syria, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công cả phiến quân IS lẫn lực lượng của Đảng Lao động Kurdistan (PKK), một tổ chức bị cấm nhưng đã tham gia các cuộc hòa đàm với Ankara trong năm 2012.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai đối diện với thị trấn Kobane hiện do người Kurd cai quản. |
Theo tuyên bố của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd, xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo dồn dập vào các vị trí của YPG ở thị trấn Zur Maghar trong lãnh thổ Syria. Vụ nã pháo này làm bị thương bốn chiến binh của YPG và các đồng minh A-rập.
Trong một tuyên bố, YPG nói: "Thay vì nhắm mục tiêu vào các vị trí do các phần tử khủng bố (Nhà nước Hồi giáo) chiếm giữ, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ lại tấn công các vị trí ở hậu phương của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn hành động xâm lược này và tuân thủ luật lệ quốc tế. Chúng tôi yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt việc bắn vào các chiến binh của chúng tôi và vị trí của họ”.
Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận cáo buộc này. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng người Kurd ở Syria “vẫn còn nằm ngoài phạm vi của các nỗ lực quân sự hiện nay”. Ông này nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ điều tra những gì đã xảy ra ở Zur Maghar.
Đài quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), một tổ chức quan giám sát trụ sở tại London, cũng xác nhận vụ nã pháo vào các vị trí của YPG nói trên.
Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả vụ đánh bom tự sát do IS tiến hành tại thị trấn của Suruç làm 32 người chết và 100 người bị thương bằng không kích các mục tiêu IS ở Syria và các căn cứ của PKK ở Iraq. Đáng nói là các chiến binh PKK đang nổi lên là một lực lượng được Mỹ “ủy thác” đánh phiến quân IS.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria xem ra là kết quả của một thỏa thuận ngầm với Mỹ để tạo ra "vùng cấm bay" dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Đây chính là một mục tiêu lâu dài của Ankara và lực lượng nổi dậy Syria đang tìm cách lật đổ chế độ của Tổng thống Assad.
Báo The New York Times nhận định: “Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà lãnh đạo phe đối lập Syria mô tả thỏa thuận (Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ) này chính là điều mà họ từ lâu đã tìm kiếm để chống lại chế độ Assad và thiết lập một vùng cấm bay gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Họ muốn có một khu vực như vậy để hạn chế các cuộc không kích của chính phủ Syria, cho phép người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi hương và tạo ra vùng đệm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng có chiến sự ở Syria. Họ gọi là kế hoạch mới này là thiết lập một ‘vùng an toàn’ giúp họ có thể đạt được một số mục tiêu...”
Quân nổi dậy Syria cũng nhưnhững ủng hộ trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi kế hoạch này là một bước tiến tới việc thành lập một khu vực “an toàn”, không sợ bị Nhà nước Hồi giáo hoặc lực lượng chính phủ Syria tấn công.
Tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu giải thích rằng sau khi kế hoạch nói trên được thực thi, các "vùng an toàn sẽ được hình thành một cách tự nhiên" và người tị nạn Syria có thể trở về các “vùng an toàn” này.
Nhưng báo The New York Times lưu ý rằng các phần tử nổi dậy Syria và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách đạt bằng được mục tiêu này và “gây hại” cho YPG, một lực lượng đang trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống IS ở Syria.