Ngày 30/1, thiên thạch 2017 BS32 thuộc nhóm tiểu hành tinh Aten được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện cách trái đất khoảng 160.000 km. Đây là tiểu hành tinh thứ 4 lởn vởn gần trái đất (gọi bằng thuật ngữ NEA) kể từ đầu năm 2017. Đáng chú ý, một số tiểu hành tinh của Aten được phân loại “nguy hiểm” vì chúng tồn tại gần trái đất.
Tính đến ngày 4/2 trong năm nay, tổng cộng 4 thiên thạch lởn vởn gần trái đất, làm dấy lên mối lo ngại hành tinh xanh của chúng ta có thể bị thiên thạch va trúng.
Đến 20h23 phút ngày 3/2 (giờ GMT), 2017 BS32 bay gần trái đất hơn cả mặt trăng và ở khoảng cách đủ gần để các nhà thiên văn học quan sát được. Tiểu hành tinh này có đường kính 12 m, to bằng một chiếc xe buýt hai tầng và di chuyển với vận tốc 11,56 km/giây.
2017 BS32 to bằng một chiếc xe buýt hai tầng. Ảnh: DAILY MAIL |
Nhà thiên văn học Paul Cox cho rằng 4 tiểu hành tinh tiếp cận trái đất chỉ trong một khoảng thời gian ngắn khiến người ta lo ngại trái đất có thể bị một NEA va trúng. Ông cũng cho biết sẽ điều tra kỹ lưỡng trường hợp này.
Trước 2017 BS32, một thiên thạch khác tên mã 2017 BX – kích thước bằng một chiếc xe buýt - cũng bay gần trái đất vào ngày 24-1 với vận tốc 26.700 km/h. Các nhà khoa học phát hiện ra 2017 BX một vài ngày trước khi nó tiếp cận hành tinh xanh.
Cách đó vài tuần, một tiểu hành tinh lớn bằng một tòa nhà 10 tầng cũng “xẹt” qua trái đất. Tiểu hành tinh này tên gọi 2017 AG13, do khoa Khảo sát bầu trời Catalina của Trường ĐH Arizona nhìn thấy đầu tiên. Có chiều dài khoảng 15-34 m, 2017 AG13 lướt qua trái đất vào ngày 9-1, vận tốc 19 km/giây.
Theo nhà thiên văn học Eric Feldman, 2017 AG13 chuyển động rất nhanh và rất gần trái đất, đi qua quỹ đạo của hai hành tinh: sao Kim và trái đất.