Vay nợ mới trả nợ cũ
Báo cáo của Chính phủ về nợ công cho thấy nợ công Việt Nam ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng nợ công.
Về mặt số liệu, thì nợ công so với GDP đã giảm. Báo cáo cho thấy: Các chỉ tiêu nợ đến ngày 31/12/2018 đều đạt và thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu nợ công đã được Quốc hội cho phép. Cụ thể, nợ công chỉ còn 58,4% GDP (mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP).
Dù nợ công so với GDP giảm là điều đáng khích lệ, song khả năng trả nợ lại là vấn đề cần phải lưu ý.
Nhiều khoản nợ vay chưa được sử dụng hiệu quả. |
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2018 phải trả tổng cộng khoảng 250 nghìn tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trong nước là 198.907 tỷ đồng. Ngoài ra, trả nợ nước ngoài là hơn 51 nghìn tỷ đồng.
Trong số gần 200 nghìn tỷ đồng trả nợ trong nước thì có gần 1 nửa là để trả lãi. (trả gốc là 101.657 tỷ đồng, trả lãi là 97.250 tỷ đồng).
“Việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt tại các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết”, Chính phủ đánh giá.
Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ của ngân sách đang ngày càng tăng lên.
Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, một trong các vấn đề tác động đến sự an toàn nợ công của Việt Nam là việc các khoản vay sắp đến hạn trả. Ví dụ, nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay, tức là 2020 - 2021 tới đây; một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020… làm gia tăng áp lực trả nợ vào thời gian tới.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, nhu cầu trả nợ gốc tăng nhanh trong một vài năm gần đây, năm 2017 là 144.000 tỷ đồng, 2018 là hơn 146 nghìn tỷ đồng. Năm 2019 dự kiến là 181.970 tỷ đồng, nếu tính cả chi trả nợ gốc của ngân sách địa phương, tổng số chi trả nợ gốc năm 2019 là xấp xỉ 200 nghìn tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý là, dù thu ngân sách hàng năm vẫn liên tục tăng cao, nhưng vẫn không bù nổi chi. Thu ngân sách vẫn thấp hơn số chi ngân sách.
Cho nên, để có tiền trả nợ, Chính phủ phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Điều này được thể hiện rõ nét tại dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 09/11/2018.
Do thu ngân sách năm 2019 dự kiến vẫn thấp hơn chi ngân sách 222 nghìn tỷ đồng, cho nên Chính phủ vẫn phải vay nợ thêm để bù đắp cho phần “chi nhiều hơn thu” này.
Cụ thể, dự kiến tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm cả vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và chi trả nợ gốc năm 2019 lên tới hơn 425 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vay để bù đắp bội chi là 224 nghìn tỷ đồng còn vay để trả nợ gốc là trên 200 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, con số này của năm 2018 được Quốc hội giao mới ở con số hơn 363 nghìn tỷ đồng. Năm 2017 số dự toán vay là hơn 340 nghìn tỷ đồng.
Lo khả năng trả nợ
Báo cáo về định hướng thu hút, quản lý sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cảnh báo Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay tín dụng ưu đãi IDA của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7/2017, cũng như của Ngân hàng châu Á - ADB vào 1/1/2019. Khi đó, Việt Nam có khả năng phải áp dụng điều kiện tăng trả nợ gốc vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới và ADB hiện hành lên gấp đôi.
Kết thúc chương trình vay ưu đãi kể trên, Việt Nam phải chuyển sang vay ưu đãi gần điều kiện thị trường. Việc tốt nghiệp các nguồn vốn vay ưu đãi sẽ làm nghĩa vụ trả nợ gốc của Chính phủ tăng lên gấp đôi. Đồng thời rút ngắn thời gian vay đối với các khoản nợ hiện hành, đặc biệt là điều chỉnh lại các hợp đồng cho vay lại.
Ngoài ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Việc tiếp cận với một số khoản vay mới theo điều kiện thị trường có lãi suất thả nổi làm tăng rủi ro cũng như chi phí vay của Chính phủ.
Khi thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước 2017 mới đây, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng lưu ý việc tổng số nợ công năm 2017 vẫn tăng thêm so với 2016 với số tiền trên 200 nghìn tỷ đồng, quy mô nợ tiếp tục tăng qua các năm.
Đáng chú ý, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Ngân sách Trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ; bên cạnh đó ứng trước dự toán ngân sách trung ương lớn (hết 2017 là 86.339 tỷ đồng) có xu hướng tăng tuy không tính trong nợ công nhưng là nghĩa vụ bố trí của ngân sách nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau,...
“Chính phủ cần quan tâm để tiếp tục kiểm soát nợ công và cải thiện dần khả năng trả nợ trực tiếp từ thặng dư ngân sách”, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội lưu ý.