Trên những mảnh vườn mới xuống giống cây cà phê, cây tiêu, những người nông dân xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã trồng xen một loại cây đặc biệt: cây nha đam. Cây nha đam được trồng với mô hình “lấy ngắn nuôi dài”, giúp nhà nông tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất.
Ông Vũ Văn Cao - Trưởng thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) vừa thu được lứa nha đam trồng xen trong vườn tiêu.
Ông nhận xét: “Cây tiêu trồng trên trụ, năm thứ hai đã bắt đầu được thu bói. Nhưng khoảng thời gian cây tiêu kiến thiết, cây rất nhỏ, diện tích đất trống còn nhiều.
Vì vậy, nông dân chúng tôi đã tìm tòi, xem có thể trồng xen loại cây trồng nào để có thu hoạch, chờ cây tiêu lớn. Và cây nha đam đã được nhiều bà con trong thôn lựa chọn, trong đó có gia đình tôi”.
Ông Vũ Văn Cao cho biết, ông đã tìm hiểu về mô hình trồng cây nha đam của một số nông dân huyện Đức Trọng, nơi có liên kết trồng nha đam với doanh nghiệp tại Ninh Thuận.
Trồng nha đam xen trong vườn cà phê lấy ngắn nuôi dài ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). |
Tìm hiểu kỹ thuật trồng nha đam, mô hình canh tác, đầu ra, ông yên tâm xuống giống hai sào nha đam xen trong vườn tiêu đang thời kỳ kiến thiết.
“Nha đam rất dễ sống, chỉ cần đảm bảo nước tưới đầy đủ hàng ngày là cây lớn khỏe.
Điểm cần lưu ý đặc biệt là nha đam ưa ẩm nhưng không được úng, dễ thối cây, thối bẹ. Vì vậy, mùa khô, gia đình tưới hằng ngày, mùa mưa giảm lượng tưới, mỗi lần tưới chỉ cần ướt đất”, ông Vũ Văn Cao cho biết.
Cây nha đam lớn nhanh, chỉ 7 - 8 tháng sau trồng là bắt đầu được thu. Hiện tại, do cây còn nhỏ, gia đình ông cắt mỗi tháng 1 lần, năng suất trung bình đạt 4 tấn. Sau khi cắt, doanh nghiệp tới tận vườn thu hoạch và thanh toán cho nông dân, gia đình không cần băn khoăn lo chuyện đầu ra.
Ông cũng cho biết, doanh nghiệp hướng dẫn nông dân rất chi tiết, từ kỹ thuật trồng nha đam cho tới kỹ thuật cắt và thanh toán rất nhanh chóng.
Nếu gia đình ông Vũ Văn Cao trồng xen nha đam trong vườn tiêu thì gia đình bà Võ Thị Hương, thôn Phúc Tiến, xã Phúc Thọ trồng xen nha đam trong vườn cà phê vừa được tái canh.
Bà Võ Thị Hương cho biết, tháng 6/2024, gia đình đã làm đất, trồng mới vườn cà phê. Cây cà phê Robusta được trồng đúng quy định, cây còn nhỏ nên diện tích đất trống rất nhiều. Học tập theo một số nông hộ trong xã, bà Hương đã xuống giống trồng nha đam.
Bà Hương chia sẻ: “Cây cà phê, ba năm mới xoè bóng và cho thu hoạch ổn định. Trong thời gian đó, nông dân không có thu nhập cho gia đình cũng như chi phí chăm sóc cà phê. Học theo nhiều nông hộ xung quanh, tôi đã xuống giống trồng nha đam để có thu nhập hàng tháng.
Cây nha đam sống khỏe, dễ chăm, cho thu hoạch rất nhanh. Số tiền thu được từ vườn nha đam, gia đình sử dụng để sinh hoạt hằng ngày cũng như mua phân bón cho vườn cà phê. Theo tôi nhận xét, trồng nha đam xen trong vườn cà phê mới tái canh khá hiệu quả”.
Ông Đào Văn Sang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, mô hình trồng nha đam xen trong các vườn cây mới xuống giống là một mô hình mới của nông dân xã Phúc Thọ.
Việc nông dân tái canh, trồng mới cây ăn trái, cây cà phê, cây tiêu được bà con thường xuyên thực hiện. Và, người nông dân đã sáng tạo ra cách trồng xen do các cây tiêu, cây cà phê phải từ 3 - 4 năm mới bắt đầu rợp bóng.
Trong thời gian đó, trồng nha đam xen giữa các bãi đất trống mang lại thu nhập đều đặn cho người nông dân.
“Nông dân chúng tôi trồng nha đam đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác do doanh nghiệp hướng dẫn. Đây cũng là một hướng sản xuất mới an toàn bởi nông dân đều trồng nha đam theo hợp đồng, có liên kết chặt chẽ với đơn vị thu mua.
Khi xuống giống, nông dân không cần lo lắng đầu ra, chỉ cần chăm sóc tốt để đạt năng suất cao. Xã Phúc Thọ đánh giá, đây là một mô hình hiệu quả, mang lại thu nhập cho người nông dân trên cùng một diện tích đất”, ông Đào Văn Sang đánh giá.
Theo ông Sang, hiện tại, các mô hình trồng xen nha đam trong vườn tiêu, vườn cà phê mới xuống giống đều phát triển rất tốt, nhiều nông hộ đã cho thu hoạch đều đặn. Từ hiệu quả thực tế, nhiều nông hộ trong xã đã bắt đầu phát triển rộng mô hình này, mang lại một hướng mở mới cho người nông dân.