TP Hà Nội vừa xin phép Thủ tướng được thu phí trên đại lộ Thăng Long. Như vậy, người dân có thể sẽ phải trả tiền nếu muốn tiếp tục sử dụng làn đường cao tốc của đại lộ dài và hiện đại nhất Việt Nam, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long này.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, nếu được Thủ tướng đồng ý, thành phố sẽ bỏ tiền ngân sách để xây dựng hệ thống thu phí nhằm tiến tới thu phí khép kín hoặc theo từng loại xe và quãng đường cụ thể đối với các phương tiện đi trên phần đường cao tốc của đại lộ Thăng Long. Phương tiện đi vào hệ thống đường gom không phải đóng phí.
Người dân có thể sẽ phải trả tiền nếu muốn tiếp tục sử dụng làn đường cao tốc của đại lộ Thăng Long. |
Theo lý giải của Hà Nội, việc thu phí nhằm vào những đối tượng tham gia giao thông muốn có dịch vụ chất lượng cao như tăng tốc độ chạy xe, được cung cấp các thông tin về tình trạng giao thông trên đường… Trường hợp người tham gia giao thông không muốn đóng phí thì có thể lựa chọn hệ thống đường gom hai bên.
Việc các phương tiện khi đi vào hệ thống đường gom không phải đóng phí gây lo ngại rằng hệ thống đường gom trên đại lộ Thăng Long sẽ rời vào cảnh ùn tắc, quá tải.
Đề án thu phí đại lộ này đã được thành phố Hà Nội xây dựng từ năm 2011, sau khi Chính phủ cho phép. Theo thành phố, trong phương án được duyệt trước khi đầu tư dự án cũng có nội dung cho thu phí để hoàn vốn bởi đây là tuyến đường được đầu tư (phần lớn) từ nguồn ngân sách thành phố, với số tiền lên đến gần 5.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ thông tư 197/2012 về quản lý, sử dụng phí đường bộ của Bộ Tài chính lại có nội dung không cho phép thu phí (đường bộ) đối với các tuyến được đầu tư bằng tiền ngân sách.
Trong khi, Đại lộ Thăng Long được xây dựng với tổng mức đầu tư là 7.527 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách Trung ương là 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của thành phố Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.
Như vậy, Đại lộ Thăng Long không nằm trong danh mục “ngoại trừ” trong thông báo triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện của Bộ GT-VT (có hiệu lực từ 1/1/2013).
Thế nhưng, Hà Nội vẫn kiến nghị Thủ tướng được thu bởi thành phố thiếu khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm cho đầu tư hạ tầng cũng như khó khăn trong bố trí kinh phí duy tu, quản lý tuyến đường sau khi nhận bàn giao từ bộ Giao thông vận tải vào đầu năm 2013.
Trả lời câu hỏi nếu đề án thu phí trên tuyến Đại lộ Thăng Long được thông qua, liệu có vấp phải phản ứng của dư luận không khi mà người tham gia giao thông đang phải chịu một thực tế là “phí chồng lên phí”?, ông Trần Hữu Bảo cho biết trên tờ VOV: “Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu phía Sở GT-VT nghiên cứu kỹ về đề án thu phí này. Để đảm bảo làm sao cho phù hợp mà không phí chồng phí, gây bức xúc cho nhân dân, việc xây dựng đề án này phải nghiên cứu sao cho phù hợp”.
TS Doãn Minh Tâm, chuyên gia cao cấp về giao thông đường bộ cho biết, hiện nay, Bộ GT-VT đang chỉ đạo một số các trạm thu phí kết thúc việc thu phí. Đây là việc làm đúng với chủ trương sau khi quỹ bảo trì đường bộ ra đời. Bên cạnh đó, trước đây, ngày 11/9/2009, Bộ GT-VT cũng đã từng có quyết định ngừng hoàn toàn việc thu phí trên Đại lộ Thăng Long. Vậy, xung quanh đề án thu phí trên Đại lộ Thăng Long, đơn vị lập dự án, và chủ đầu tư phải giải thích rõ cho nhân dân lý do thu.
Đồng quan điểm với TS Doãn Minh Tâm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng lo ngại: Từ ngày 1/6, phí Quỹ bảo trì đường bộ bắt đầu có hiệu lực, chỉ tính riêng đối với ôtô, người sở hữu sẽ phải chịu tới 3 mức thuế cùng 7 loại phí. Việc thu phí trên Đại lộ Thăng Long cần phải được giải trình rõ xem có hợp lý hay không. Bản thân Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam không đồng tình với đề án này.
Đại lộ Thăng Long dài hơn 29km, có tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của thành phố Hà Nội là 5.687 tỷ đồng. Dự án đi vào khai thác từ tháng 10/2010.
Từ ngày đi vào sử dụng, đại lộ Thăng Long đã rất nhiều lần bị hư hỏng. Cụ thể, cuối tháng 11/2010, những khối bê tông đúc sẵn dày chừng 10 cm trên hành lang cầu Sông Tích thuộc đại lộ Thăng Long đã bị sụt lún, trơ ra phần bê tông dưới nền. Đoạn lan can gần đó cũng bị hư hỏng.
Sau nửa năm đưa vào sử dụng, khoảng đầu tháng 4/2011, trên bề mặt xuất hiện nhiều vết nứt sâu chạy cắt ngang phần đường dành cho xe ô tô cùng với đó là ổ gà, đặc biệt là nhiều điểm lún ngập nước khi mưa xuống.
Không chỉ đại lộ Thăng Long, các công trình giao thông trên địa bàn Hà Nội mặc dù số tiền đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ trên nhiều tuyến đường nhưng hầu hết đều xuất hiện tình trạng hư hỏng, sụt lún sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng và hiệu quả hoạt động cũng không được đánh giá cao.