Thử thách Momo nghi khiến bé 8 tuổi tử vong: Cha mẹ cần làm gì?
(Kiến Thức) - Mới đây, vụ việc bé trai 8 tuổi tử vong ở Đồng Nai nghi do học theo thử thách Momo gây xôn xao dư luận. Cảnh sát nhiều nước trên thế giới cảnh báo thiếu niên, trẻ nhỏ tránh xa trò chơi xúi giục tự sát này.
Ngày 25/11, Công an tỉnh Đồng Nai phát thông tin cảnh giác về vụ việc bé trai V.P.L. (8 tuổi, ngụ ở Trảng Bom) tử vong nghi do học theo thử thách Momo.
Theo kết quả điều tra ban đầu, tối 21/11, bé L. vào nhà vệ sinh để tắm. 30 phút sau, mẹ và anh trai không thấy bé trở ra nên gọi thì không trả lời.
Mọi người phá cửa xông vào và phát hiện L. trong tình trạng treo lơ lửng ở sát tường bằng áo thun màu xanh dương đang mặc. Cổ áo nạn nhân vướng trên móc treo quần áo.
Gia đình liền đưa bé trai đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Người thân L. cho hay bé rất hiếu động, thường thích móc áo, quần trên người vào cành cây để treo lủng lẳng thân mình. Nguyên nhân tử vong nghi do học theo thử thách Momo.
Thử thách Momo xúi giục trẻ em tự sát thường ẩn chứa bên trong các video tưởng chừng vô hại trên YouTube Kids. Trò chơi trên YouTube này bắt đầu từ cuối tháng 8/2018. Thế nhưng gần đây, Momo xuất hiện ẩn bên trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnight, Peppa Pig. Thậm chí, một số bậc phụ huynh phát hiện Momo còn hiển thị trên ứng dụng xem video an toàn cho trẻ em YouTube Kids. Còn trên Facebook và WhatsApp, Momo xuất hiện trong hình ảnh ghê rợn của người phụ nữ ma quái, mắt lồi, miệng rộng và tóc đen.
|
Thử thách Momo xuất hiện trở lại thông qua các video trên YouTube và YouTube Kids. Ảnh: Internet. |
Thử thách Momo hiển hiện dưới bóng một nhân vật hoạt hình đang tràn lan trên Youtube Kids khiến cho nhiều trẻ em hoảng loạn, thậm chí có những bé đã tìm đến cái chết theo sự sai bảo của Momo.
Trước những hiểm họa từ thử thách Momo trên, cảnh sát nhiều nước trên thế giới cảnh báo thiếu niên, trẻ nhỏ tránh xa trò chơi xúi giục tự sát này.
“Đừng tham gia Momo!”, lực lượng dân phòng Tây Ban Nha đăng tải cảnh báo trên mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, Cảnh sát Ireland cũng đưa ra quan ngại về Momo, kêu gọi người lớn giám sát trẻ em và những người dễ bị tổn thương trên mạng.
ThS Trần Mạnh Hoàng, chuyên gia tâm lý tại Trung tâm Tư vấn và Bồi dưỡng kỹ năng mềm, khuyên cha mẹ cần hết sức cẩn trọng khi cho con tự ý sử dụng mạng Internet và truy cập các kênh thông tin. Trường hợp thấy con có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, cha mẹ có thể kiểm tra điện thoại, máy tính, các thiết bị kết nối mạng của con, tìm hiểu lịch sử truy cập mạng để tìm ra nguyên nhân nỗi sợ. Đương nhiên, để làm việc này cha mẹ cần hết sức khéo léo, để trẻ hiểu tất cả xuất phát từ tình thương và trách nhiệm, chứ không phải kiểm tra, kiểm soát con vì thiếu niềm tin.
|
Các bậc cha mẹ cần giám sát khi cho con xem các video trên mạng xã hội. Ảnh: Internet. |
Đặc biệt, cha mẹ nên nhanh chóng nói chuyện với con để con hiểu rằng việc giữ im lặng để bảo vệ cả gia đình là lầm tưởng. Không đứa trẻ nào phải bảo vệ cha mẹ mà chính cha mẹ mới là người cần tạo cảm giác an toàn, được yêu thương, được bảo vệ cho con. Khi xác định con đang vướng vào thử thách Momo, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu đây chỉ là một tượng gỗ điêu khắc của người Nhật Bản, là một trò chơi không thể có quyền năng nguyền rủa hay giết hại ai.
Điều quan trọng nhất, dù bận đến đâu, cha mẹ cũng cần thường xuyên giao tiếp với con, gần gũi quan tâm để nắm bắt được con xem gì trên YouTube hay trên mạng xã hội. Chỉ khi gần bên con, cha mẹ mới có thể nắm bắt được những thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi, những suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề, để có thể kịp thời giúp con điều chỉnh những lệch lạc không đáng có. Cha mẹ nên tiếp cận gần gũi với con, tạo dựng sự tin tưởng, thương yêu để con thành thực khi trò chuyện và sẵn sàng chia sẻ các vấn đề của mình.
Cha mẹ nên hòa mình vào thế giới online, thường xuyên chia sẻ cởi mở với con những sở thích, thói quen khi lên mạng, đánh giá của con về những chuyện đang diễn ra trong cộng đồng mạng,... Với vai trò một người bạn như vậy, cha mẹ có thể hiểu được cách mà con mình đang lên mạng, đồng thời giúp con nhìn nhận những đúng sai, phải trái, trang bị cho con khả năng tự bảo vệ mình.
Cha mẹ cũng cần trao đổi với con để thống nhất giới hạn các hoạt động online ví dụ như thời gian vào mạng, các trang web mà con được phép hay không được phép vào. Ngoài ra cha mẹ cũng cần hướng dẫn và thống nhất với con một số quy tắc như giữ kín thông tin cá nhân, tránh xa người lạ, chia sẻ với cha mẹ về những vấn đề nảy sinh khi lướt web…