Giảm chuyên canh, tăng xen canh
Ông Nguyễn Văn Nô, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long dẫn chúng tôi đi qua hàng trăm cây mãng cầu xiêm đang phát triển xanh tốt hứa hẹn mùa bội thu ở năm 2018. Cạnh đó là 22 công chuối cau xen với ớt sừng trâu Nam Phi chuẩn bị thu hoạch. Đó là chưa kể 8 công cam sành được ông Nô trồng hơn 10 năm qua cho thu nhập rất ổn định theo từng năm.
Ông Nguyễn Văn Nô bên luống ớt sừng trâu Nam Phi chuẩn bị cho thu hái. Ảnh: P.H |
Ông Nô phấn khởi kể: “Hồi đó tôi trồng chuyên canh 30 công cam sành, những năm trở lại đây thấy giá cam bấp bênh nên tôi chỉ để lại 8 công. Số còn lại tôi trồng ớt sừng trâu xen với cây mãng cầu xiêm, chuối cau. Mới đầu thấy tôi bỏ chuyên cam mà trồng xen canh 3 cây khác nhau, nhiều người cho là dở hơi, trồng cây thấp cây cao, ôm đồm rồi thành vườn tạp… Nhưng từ khi giảm diện tích chuyên canh cam sành chuyển sang trồng xen canh, gia đình tôi không chỉ giảm được chi phí phân thuốc, đỡ phần độc hại mà thu nhập lại tăng lên khá nhiều…”.
Nhận xét về cách trồng xen canh cho 3 cây ở chung 1 “nhà” của ông Nô, ông Nguyễn Chí Cường - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phú Thành cho biết: “Đây là cách làm rất “chắc ăn”, lấy ngắn nuôi dài, nếu có rủi ro về sâu bệnh, thị trường thì cây nọ bù cây kia. Mà 3 cây ông Nô trồng xen không cạnh tranh nhau về ánh sáng, cũng không cùng hệ dịch bệnh giống nhau”.
Thu nhập bền vững
Với 30 công vườn, trong đó có mô hình trồng xen 3 cây trong 1 vườn, từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Nô thu về gần 1 tỷ đồng. Cụ thể, với 8 công cam sành, mỗi năm ông Nguyễn Văn Nô lãi 250 triệu đồng.
Nguồn thu chủ lực của gia đình ông Nguyễn Văn Nô là 500 cây chuối cau bán quanh nămmang về trên 400 triệu đồng/năm. Riêng cây thấp nhất trong vườn là ớt sừng trâu Nam Phi, với giá bán trái từ 50-60.000 đồng/ký, trừ chi phí đầu tư ông Nô lãi trên 200 triệu đồng. “Sang năm tôi còn có thêm nguồn thu từ 200 cây mãng cầu xiêm cho ra trái thì nguồn thu sẽ là 4 chứ không phải là 3 như năm nay… Riêng với cây ớt sừng trâu thì từ ngày trồng tới giờ, tôi có bao nhiêu thì thương lái vào tận vườn thu mua bấy nhiêu, chưa bao giờ bị ế và dội chợ…” - ông Nô bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Nô chia sẻ : “Trồng xen canh có cái hay là nông dân đề phòng được rủi ro về sâu bệnh, biến động của giá cả thị trường. Trồng xen ít mất đất nhưng hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó lại tốn ít phân thuốc hơn là trồng chuyên canh. Điều quan trọng là mình phải biết trồng xen những loại cây nào cho phù hợp và nắm bắt thật chắc các biện pháp KHKT…”.
Mô hình trồng xen canh của ông Nguyễn Văn Nô đang được nhiều hộ nông dân trong vùng tham khảo và áp dụng. Việc áp dụng trồng xen không cố định với cây mãng cầu xiêm, chuối cau, ớt sừng trâu mà có thêm nhiều loài cây ăn trái khác.