Mưa lũ lớn miền Trung làm 6 người chết, mất tích
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, từ ngày 08/10 đến 10/10, các tỉnh/thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp tục có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-550mm, có nơi trên 600mm; các tỉnh Nam Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Sau ngày 11/10, mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.
Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho thấy, mưa lũ lớn ở miền Trung đã khiến 6 người chết và mất tích. Trong đó, Quảng Trị 3 người mất tích và 1 người chết, Gia Lai 2 người chết.
Do ảnh hưởng của triều cường, bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 9,0 km tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (2,5 km); xã Phú Thuận (2,0 km); xã Phú Diên (2,0 km); xã Phú Hải (1,5 km), xã Hải Dương (1,0 km).
Mưa lũ lớn khiến Quảng Trị bị ảnh hưởng nặng. Ảnh: Báo Quảng Trị. |
Vào 13h trưa ngày 7/10, tàu Công Thành 27 hành trình từ Quảng Ninh-Cần Thơ trên tàu chở 4.500 tấn hàng, tàu có 11 thuyền viên, khi đi ngang qua vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế bị sóng gió lớn làm nước tràn vào tàu, bị nạn; tàu phát tín hiệu yêu cầu cứu nạn và 11 thuyền viên đã rời tàu. Hiện nay 11/11 thuyền viên đã được cứu nạn.
Tại tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 24 điểm sạt lở tại các vị trí đã bị sạt lở do bão số 5 gây ra tại huyện Tây Giang.
Đáng chú ý hiện, mực nước các sông ở Quảng Trị, Quảng Nam đang lên nhanh, trên sông Vệ (Quảng Ngãi) đã đạt đỉnh và đang xuống.
Cảnh báo từ 08/10/2020 đến ngày 11/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4,0-9,0m, hạ lưu từ 1,5-5,0m.
Trong đó, mực nước đỉnh lũ hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ2 và trên BĐ2. Đặc biệt trong ngày 08/10/2020, trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn lên mức 7,0m, trên BĐ3 1,0m (lũ lịch sử 7,29m); trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 9,4m, trên BĐ3 0,4m. Các sông từ Quảng Nam, Bình Định đến Bình Thuận và Tây Nguyên có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ 2; thượng lưu các sông và các sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Tại cuộc họp chỉ đạo các công tác ứng phó với tình hình mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sáng 8/10, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu rà soát, cập nhật ngập lụt ở các khu vực và vấn đề sản xuất.
Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn sản xuất, hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, hồ chứa. Theo dõi thông tin ở địa phương, đã tăng cường thông tin như thế nào, đã thông tin đến người dân như thế nào; Tổ chức đoàn kiểm tra công tác giảm sát, quản lý hồ chứa...
Di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm
Ngày 8/10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
Trong đó, tập trung rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét.
Chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn; hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập; chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập.
Chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo...Chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện công tác sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm an toàn.
Bộ GTVT chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với tàu, phương tiện vận tải hoạt động, neo đậu trên sông và vùng cửa sông; triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ; phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông trên các trục chính, nhất là tuyến Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam.
Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các nhà mạng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, chuẩn bị lực lượng, vật tư sẵn sàng khôi phục nhanh thông tin liên lạc khi xảy ra sự cố để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai và sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 tại khu vực sơ tán và chủ động hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ cơ số thuốc và các hóa chất cần thiết để đảm bảo khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng học tập tại các khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ.
Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
>>> Mời độc giả xem video cập nhật diễn biến mưa lũ tại các tỉnh miền Trung:
Nguồn: VTV NEWS