Thủ tướng đồng ý giải thể quỹ bảo trì đường bộ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về quỹ bảo trì đường bộ.
Theo đó, một trong số trong văn bản được Thủ tướng bãi bỏ là Quyết định 18/2012 quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ trung ương để phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước.
Nghị định Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT quy định việc thu, nộp và sử dụng phí đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước theo quy định của pháp luật về phí và ngân sách nhà nước.
|
Quỹ bảo trì đường bộ giải thể nhưng người dân vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ như quy định hiện hành. Ảnh: VIẾT LONG |
“Theo đó, phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương, sử dụng để quản lý, bảo trì đường bộ…” - nghị định Chính phủ nêu rõ.
Nghị định Chính phủ cũng giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng phương án phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương. Sau đó, gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện từ năm 2021.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT và UBND các tỉnh thực hiện sắp xếp bộ máy, tài chính của quỹ bảo trì đường bộ theo quy định của pháp luật. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-3-2020 và áp dụng từ năm tài chính 2020.
Trước đó, Bộ GTVT có tờ trình đề xuất bãi bỏ các văn bản trên. Nguyên nhân, theo quy định Luật Phí và lệ phí kể từ 1-1-2017, toàn bộ tiền thu phí sử dụng đường bộ sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước, không nộp về tài khoản của quỹ bảo trì đường bộ trung ương như trước đây. Sau đó, kinh phí sử dụng cho công tác bảo trì, duy tu hệ thống giao thông đường bộ được ngân sách nhà nước phát trở lại cho quỹ bảo trì đường bộ.
Do quỹ bảo trì đường bộ hiện không có nguồn thu nào khác ngoài nguồn nhận cấp phát từ ngân sách nhà nước, nên quỹ chủ yếu thực hiện chức năng trung gian, tiếp nhận và cấp phát cho các đối tượng sử dụng kinh phí.
Vì vậy, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị bỏ quỹ bảo trì đường bộ, còn các nội dung chi cho công tác bảo trì đường bộ được triển khai thông qua dự toán ngân sách cấp phát hằng năm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Hiện việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô được thực hiện thông qua các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. “Như vậy, việc giải thể quỹ chỉ để sắp xếp, giải thể bộ máy, còn người dân vẫn đóng phí bảo trì đường bộ bình thường...” - lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Xem thêm video: Khi người dân được phép ghi hình, giám sát CSGT