"Đèo chết"
Từ đất Ninh Thuận chúng tôi không chọn con đường bằng phẳng theo quốc lộ 1A xuống Bình Thuận để vòng vào đất Tây Nguyên mà chọn "đèo chết" để đến xứ sở sương mù Đà Lạt.
Nhưng hình như đây là một quyết định sai lầm, vì vừa hết đất Phan Rang chạm đến chân đèo là tất cả đổi khác, không một bóng người khiến con đường vắng vẻ đến ma mị. Một tiều phu người Chàm vừa trên núi xuống nói với chúng tôi: "Đây là quốc lộ 27A lối hai vùng Phan Rang và Đà Lạt, trên bản đồ người ta ghi là đèo Ngoạn Mục, người Đà Lạt gọi là đèo Sông Pha, còn chúng tôi gọi là "đèo chết" vì rất nguy hiểm và đã bị quên lãng từ lâu".
Theo người tiều phu này, con đèo đã lấy đi sinh mạng của hàng chục người. Số nhiều các nạn nhân qua con đèo này mà bị nạn đều với nguyên nhân rơi xuống vực sâu hoặc mất lái do đường gồ ghề lởm chởm đá. Ở Phan Rang, không ai có thể quên được vụ tai nạn thảm khốc khi một xe khách lao xuống vực cách đây 3 năm đã trở thành nỗi ám ảnh với tất cả người qua đường.
Bất chấp hiểm nguy, chúng tôi muốn chinh phục con "đèo chết" để tận mắt thấy những hư hỏng của con đèo. Người tiều phu không nói sai, đèo lởm chởm đá khiến chiếc xe máy của chúng tôi cứ nhảy như ngựa phi nước đại. Ven đường ở những khúc cua không một biển báo hay gương cầu lồi. Cỏ rậm mọc um tùm hai ven đường, các thanh chắn chỗ còn chỗ mất. Đứng trên đèo nhìn xuống tuy cảnh đẹp nhưng ai cũng phải chóng mặt vì cảm giác mạng sống của mình bấp bênh trên "cầu trượt" vực thẳm.
Đèo Ngoạn Mục hình như chưa ai thống kê đo đếm độ cao nhưng lịch sử của nó thì gắn liền với với BS Yesin khi ông phát hiện ra Đà Lạt vào năm 1893. Chỉ 4 năm sau, trong kế hoạch xây dựng thành phố thì viên toàn quyền Doumer đã phái một nhóm thực địa làm con đường gọi là đèo Ngoạn Mục thơ mộng dài 122km qua xóm Gòn và thung lũng Đa Nhim.
Đứng trên đèo, chúng tôi điện thoại tham vấn ý kiến của ông Nguyễn Bắc Việt, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Ninh Thuận. Ông Việt không chút giấu giếm nói quốc lộ 27A là vấn đề mà cử tri kiến nghị nhiều nhất. Một nguyên nhân trớ trêu là quốc lộ này bị xuống cấp và thành nỗi ám ảnh từ khi dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ được thực hiện từ năm 2008. Dự án đang thi công thì hết vốn nên tất cả ngưng trệ, khiến con đường trở nên tê liệt và lấy đi nhiều mạng người một cách oan uổng.
Đèo Sông Pha còn có tên là Ngoạn Mục. |
Chạm đất Tây Nguyên
Phải mất nhiều giờ đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được con đèo Ngoạn Mục này và chạm đất Đơn Dương - Lâm Đồng cũng đồng nghĩa với việc đến với đất Tây Nguyên. Việc đầu tiên mà cậu bạn tôi muốn thưởng thức là nhấp một ly cà phê để xem hương vị của cà phê Tây Nguyên khác gì so với các nơi khác.
Nhưng gần như chúng tôi thất vọng trước sự nổi tiếng của đất cà phê chính hiệu. Bởi một lý do đơn giản, cà phê không ngon và nếu có một so sánh tỉ mẩn thì còn thua loại cà phê bét nhất Hà Nội. Chị chủ quán cà phê cũng là người cởi mở, sau những thưa gửi mới sổ toẹt: "Chúng tôi là người Tây Nguyên nhưng gần như không bao giờ dám uống cà phê".
Sự không dám uống ở đây được chị cắt nghĩa rõ ràng bởi những lý do nguy hiểm như người dân tự cho hoá chất và các loại bột để phù phép 1kg cà phê nhân thành 1 yến hoặc 1 tạ cà phê khi bán ra thị trường. Điều này cũng được một cán bộ huyện xin được giấu tên xác nhận khi trò chuyện với chúng tôi khi đề cập đến cà phê Tây Nguyên.
đoạn đường từ Đơn Dương đến Đà Lạt, dễ thấy những ngôi nhà xinh đẹp. Dù có được quy hoạch hay không thì ở Tây Nguyên, những ngôi nhà cứ vẫn đẹp đẽ bởi được bao bọc với cổng hoa và tầng lớp cây xanh quanh nhà.
Và thỉnh thoảng đâu đó những chú voi xuất hiện bên vườn thông khiến khách lạ không thể bỏ qua. Những hộ nuôi voi ở Tây Nguyên hầu hết là người dân tộc Ba Na, Gia Rai, Ê đê, Cơ Ho... nhưng số lượng bây giờ cũng rất hạn chế.
Cồng chiêng kỷ lục trong Bảo tàng Lâm Đồng. |
Bỡ ngỡ xứ lạnh
Chạm đến Đà Lạt là chúng tôi đã cảm nhận được cái không khí lành lạnh của xứ sở cao nguyên đầy hoa và thông cổ thụ. Mọi con đường, dù lớn nhỏ dài ngắn thế nào thì thông và hoa cũng là đặc trưng của Đà Lạt mờ sương. Nhưng khách lạ đến với Đà Lạt, hình như ai cũng mang cảm giác bỡ ngỡ, là lạ.
Bỡ ngỡ. Có lẽ bởi vẻ đẹp khó gọi thành tên mà tạo hoá đã ban cho Đà Lạt. Thành phố du lịch nổi tiếng này với những biệt thự cổ và những ngôi nhà hiện đại xây lưng chừng đồi núi, cả dưới những thung lũng ẩn hiện khiến khách lạ cứ ngỡ như đang ở ngôi làng Ez của nước Pháp.
Không khí Đà Lạt trong lành, hồ Than Thở, Hồ Xuân Hương màu nước mướt xanh ngọc ngà như để du khách được gột rửa hồn mình với thiên nhiên. Cũng với mộng mơ ấy, thung lũng tình yêu, cao nguyên Lang Biang sẵn sàng hớp hồn du khách với vẻ đẹp có thật chứ không hề sắp đặt, cắt tỉa.
Với những ai muốn cảm giác mạnh, thì đây dòng thác Datanla mạnh mẽ và hào phóng tuôn dòng nước lạnh ngắt từ trên những bậc thềm đá lởm chởm để đổ xuống độ sâu 20m. Sau rất nhiều dò hỏi chúng tôi mới biết dòng thác này gắn với tên tuổi mà dũng sĩ K'Lang và nàng sơn cước Hơbiang. Những hố sâu mà dòng thác chảy xuống là những gì còn lại sau cuộc chiến giữa chàng K'Lang đối đầu với thủy quái năm xưa.
Để kể về cảnh đẹp Đà Lạt thì cho đến nay, gần như chưa có một cuốn sách nào có thể lột tả hết. Nhưng những ngôi biệt thự lộng lẫy nguy nga theo kiến trúc Pháp để lại bao giờ cũng được quan tâm một cách đặc biệt. Và trong chuỗi nhà cổ đó, phải kể đến dinh thự Nam Phương hoàng hậu.
Cung Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) đẹp và sang trọng, lại tọa lạc trên một ngọn đồi thoáng đãng nhìn ra tứ bề. Lịch sử có ghi chép tỉ mẩn cung cách xây dựng và số tiền mà đại đồn điền Nguyễn Hữu Hào - cha của Nam Phương hoàng hậu bỏ ra để xây dựng.
Cho đến nay, những toà biệt thự ấy như một cổ tích có thật còn tồn tại ở Đà Lạt. Khách đến với Đà Lạt là đến với tiên cảnh và sự giàu có hoa lệ. Nhưng tôi vẫn cứ áy náy mãi về một câu nói của ai đó, hình như cũng của khách du lịch: Đà Lạt không dành cho người nghèo!?
Đà Lạt từ xưa đã trở thành nơi nghỉ dưỡng của công chức và binh lính Pháp ở Đông Dương. Ngày nay, Đà Lạt là một thành phố du lịch nổi tiếng và cũng là viên ngọc quý của xứ sở Tây Nguyên. Khảo sát của các Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng về góp ý của khách quốc tế về Đà Lạt thì số nhiều cho rằng: Hãy tránh bê - tông - hoá thành phố.