Việc gia tăng tỷ lệ thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá, đặc biệt là mới đã kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe cho thế hệ trẻ. Đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong sau khi hút thuốc lá điện tử.
Thanh thiếu niên là đối tượng được nhắm tới bởi các loại thuốc lá thế hệ mới. Thực tế cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày một gia tăng bất chấp những lời cảnh báo về nguy hại lâu dài của loại sản phẩm này tới sức khỏe.
Thuốc lá điện tử đang là nguy cơ mới với giới trẻ. Ảnh: TTXVN
Học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tăng cao
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á.
Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13–15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.
Tại Việt Nam, theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023.
Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên giảm, trong đó, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Còn theo nhiên cứu của GS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Y tế công cộng và các cộng sự trong năm 2023, 2024 cho thấy tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên Việt Nam rất đáng lo ngại. Khoảng 14% học sinh được hỏi cho biết từng sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó 7% đang sử dụng, đây là tỷ lệ cao ở mức đáng báo động.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, thiết bị thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng với kiểu dáng thời thượng, hương vị đa dạng và những chiến dịch quảng cáo tinh vi khiến nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, lầm tưởng rằng những sản phẩm này an toàn hơn so với thuốc lá truyền thống.
Theo GS Hoàng Văn Minh, một trong những lý do chính khiến giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các em cảm thấy "ngầu". Các lý do khác là do ảnh hưởng từ bạn bè, vì tò mò và vì sự phổ biến của các sản phẩm này.
Về quy định, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo vẫn đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Và hệ luỵ sức khoẻ
Thời gian qua, ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, có nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên, thiếu niên bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết: Báo cáo tổng hợp của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; trong đó, có 27 ca nhập viện là người dưới 16 tuổi.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, khoảng 2 năm nay, đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Số lượng bệnh nhân tăng cao, tuần nào Trung tâm cũng tiếp nhận một số bệnh nhân ngộ độc cấp đa dạng sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Đặc biệt, năm 2023, đơn vị tiếp nhận gần 200 bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử. Năm 2024, số lượng bệnh nhân đến Trung tâm gia tăng. “Đáng nói, các bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử được cấp cứu tại đơn vị ở độ tuổi rất trẻ, khoảng 20-22 tuổi, thậm chí có nhiều bệnh nhân mới bước vào tuổi vị thành niên 17 tuổi. Nhiều trường hợp có biểu hiện bệnh lý đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Thậm chí, tuổi còn rất trẻ nhưng phổi bị tổn thương nặng nề không khác gì ở người cao tuổi”.
TS Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: Nhiều bạn trẻ cho rằng thuốc lá điện tử là vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá điếu truyền thống. Tuy nhiên, thực tế và khoa học lại chứng minh điều ngược lại. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn bị các đối tượng trộn ma túy và nhiều chất cấm khác, gây ngộ độc cho nhiều người sử dụng. Một tác hại khác của thuốc lá điện tử là khuyến khích trẻ em bắt đầu sử dụng từ sớm, dẫn đến một thế hệ lớn những người trẻ tuổi nghiện nicotine và gặp phải những hệ lụy tiềm tàng trong tương lai do dùng thuốc lá điện tử lâu dài.
Theo theo chuyên gia y tế, thuốc lá điện tử khi vào cơ thể sẽ gây ra vô số những ảnh hưởng đến sức khỏe bởi hầu hết các chất đều có trong thuốc lá điện tử gây hại cho sức khỏe. Ví như nicotine có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần; glycerine có thể gây viêm phổi; chất tạo hương vị; chất dẫn khác nhau tùy theo từng hãng, nhãn hiệu chủ yếu bao gồm nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, có nhiều chất khác chưa được kiểm duyệt thường được bổ sung sai cách vào buồng đệm chứa dịch, là nguyên nhân chính dẫn đến việc gây độc hoặc lạm dụng phối hợp các chất ma túy khác.