Thường xuyên cắn người nhưng không thể xử lý, voọc gáy trắng quý hiếm cỡ nào?
Chính quyền tỉnh Quảng Trị vừa qua đã phê duyệt phương án bắt và di dời các cá thể voọc gáy trắng quý hiếm đến khu Bảo tồn thiên nhiên vì thường cắn người đi đường.
Thùy Dung (T.H)
Xem toàn bộ ảnh
Theo thông tin từ Quảng Trị, đàn voọc gáy trắng quý hiếm khoảng 3-4 cá thể sống ở vùng rừng núi tự nhiên thuộc địa bàn bản Cha Ly và Sê Pu, xã Hướng Lập, đã tấn công làm 12 người đi đường bị thương, phần lớn là các em học sinh.
Dù lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị căng lưới dài 800m dọc đường giao thông liên thôn Cha Ly và Sê Pu, xã Hướng Lập để ngăn đàn voọc xuống đường rượt đuổi và cắn người tuy nhiên không có tác dụng.
Cuối cùng chính quyền đã phải phê duyệt quyết định bắt và di dời các cá thể voọc gáy trắng này đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa nằm trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Do đây là động vật nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ nên dù hung dữ tấn công nhưng người dân hầu như không thể tự vệ vì sợ chúng bị thương.
Voọc đen gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis thuộc bộ Linh trưởng, là loài động vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB.
Loài voọc này được người dân xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình phát hiện năm 2012, khi đó đàn voọc chỉ có 10 cá thể sinh sống trên lèn đá Thiết Sơn.
Biết đây là loài vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, một nhóm người dân đã tự nguyện hằng ngày thay nhau chăm sóc, bảo vệ. Sau thời gian triển khai các biện pháp bảo tồn, số lượng voọc ở khu vực này đã tăng trở lại, ước tính tổng đàn hiện nay vào khoảng 150 con.
Các chuyên gia lâm học đánh giá khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có điều kiện phù hợp, an toàn hơn cho sự sinh sống, phát triển và phục hồi của loài voọc này. Cơ quan chức năng sẽ giám sát các cá thể voọc sau tái thả để bảo đảm chúng sinh sống và ổn định lâu dài.
Nói về lý do voọc gáy trắng tấn công người, các chuyên gia cho rằng những cá thể này có thể bị yếu tố nào đó kích động hoặc từng được nuôi nhốt, xổng chuồng ra ngoài.
Tập tính sinh thái tự nhiên loài voọc gáy trắng là sống bầy đàn, rất nhút nhát, ít khi xuống đất và hạn chế tiếp xúc với con người.
Tình trạng voọc tấn công người đã diễn ra nhiều lần trước đây. Chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp xua đuổi đánh chiêng, trống và thu âm tiếng chó sủa để phát loa nhưng chưa hiệu quả.
Quá trình di rời đàn voọc sẽ sử dụng biện pháp gây mê bằng súng phi tiêu từ xa hoặc bắt bằng bẫy nhử mồi phù hợp, bảo đảm an toàn cho các cá thể voọc và người thực hiện.