Tạp chí National Interest cho biết, 16 tiêm kích tàng hình F-35B, phiên bản cất hạ cánh thẳng đứng của Thủy quân lục chiến Mỹ đã hạ cánh xuống căn cứ Iwakuni, Nhật Bản vào ngày 18/1. Những chiếc F-35B thuộc phi đội VMFA-121, đây là lần đầu tiên tiêm kích tàng hình mới nhất của Mỹ được triển khai hoạt động ở nước ngoài.
“Sự xuất hiện của F-35B là hiện thân sự cam kết của chúng tôi để bảo vệ Nhật Bản và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi đang đưa công nghệ tiên tiến nhất đến Thái Bình Dương để đáp ứng hàng loạt nhiệm vụ khác nhau, cung cấp hỗ trợ nhiều hơn cho các đồng minh của chúng tôi trong khu vực”, thiếu tướng Russell Sanborn, tư lệnh đơn vị không quân thủy quân lục chiến số 1 nói.
Vị chỉ huy đơn vị cho biết, phi đội F-35B được chào đón nồng nhiệt tại Nhật Bản. Trước đó, đơn vị này đóng quân tại căn cứ Yuma, bang Arizona, Mỹ. “Đơn vị chúng tôi đã trải qua quá trình huấn luyện kỹ lưỡng ở Mỹ để chuẩn bị tốt cho sứ mệnh của chúng tôi tại Nhật Bản. Chúng tôi rất vinh dự khi được chào đón nồng nhiệt tại đây”, trung tá JT Bardo, chỉ huy phi đội VMFA-121 nói.
Tiêm kích F-35B hạ cánh xuống căn cứ Iwakuni, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News |
Các nhà phân tích nhận định, đơn vị viễn chinh F-35B đầu tiên triển khai ở nước ngoài không chỉ nhấn mạnh cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản, cũng như khu vực châu Á. Việc triển khai cũng là nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Lực lượng phòng không Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ, do đó phương tiện chiến đấu có khả năng tàng hình như F-35 sẽ là công cụ hiệu quả để xâm nhập lưới lửa phòng không nếu xảy ra xung đột. Hơn nữa, việc Mỹ triển khai F-35B với các tính năng đầy đủ như phiên bản tiêu chuẩn mà Nhật Bản đã mua là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, cũng như khả năng phối hợp với Mỹ trước khi F-35 của Nhật Bản đi vào hoạt động.
Thủy quân lục chiến Mỹ đã lên kế hoạch triển khai phi đội VMFA-121 đến Nhật Bản vào năm 2012, khi đơn vị được chỉ định là phi đội đầu tiên tiếp nhận F-35. Đơn vị chính thức chuyển từ F/A-18 sang sử dụng F-35B từ tháng 7/2015. F-35B của đơn vị thuộc lô sản xuất 2B.
Cấu hình lô 2B cung cấp khả năng chiến đấu hạn chế, máy bay chỉ có thể mang theo 2 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, hoặc một cặp bom dẫn đường laser GBU-12, nặng 227 kg, hoặc 2 bom thông minh GBU-32 JDAM, nặng 500 kg.
F-35B, lô 2B bị hạn chế tốc độ bay, tải trọng vũ khí do phầm mềm chưa hoàn thiện, nhưng Thủy quân lục chiến cho rằng, vận hành F-35B với cấu hình tạm thời là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm vận hành chiến đấu cơ thế hệ mới.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận tiêm kích F-35B cho phép Thủy quân lục chiến loại bỏ phi đội chiến đấu lạc hậu để tái cơ cấu sức mạnh với chiến đấu cơ thế hệ mới. Trong khi đó, Lockheed Martin, nhà sản xuất F-35 đang hoàn thiện lô 3F với nhiều cập nhật về phần mềm, cũng như lên kế hoạch sản xuất lô 4 với tính năng đầy đủ.